Hoàng thành Thăng Long mới lạ trong tua du lịch đêm
Vừa mới ra mắt được ít ngày, tua du lịch đêm 'Giải mã Hoàng thành Thăng Long' nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Không gian của Hoàng thành lung linh, huyền bí hơn trong màn đêm, cùng sự xuất hiện của những 'thị vệ hoàng cung', những 'cung nữ' do các bạn trẻ nhập vai, kèm theo những câu đố hấp dẫn dành cho khách tham quan đã tạo nên sức hút mới.
Nằm tại trung tâm thành phố, Hoàng thành Thăng Long là địa chỉ du lịch quen thuộc khi du khách đến Thủ đô. Song, một di sản quý như Hoàng thành Thăng Long nếu chỉ “sáng mở-tối đóng” để đón khách là một sự lãng phí lớn. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã phối hợp Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng tua du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” từ năm 2021. Song, dịch Covid-19 khiến tua này phải tạm dừng hoạt động cho đến cuối tháng 4 vừa qua mới được khai thác trở lại, nhân dịp diễn ra SEA Games 31.
Khi màn đêm buông xuống, những chiếc đèn hắt sáng vào Đoan Môn khiến công trình nổi bật nhất của Hoàng thành Thăng Long càng trở nên uy nghiêm. Đó cũng là điểm khởi đầu của hành trình khám phá di sản Hoàng thành Thăng Long. Sau cổng Đoan Môn là một hố khai quật khảo cổ lớn, với dấu tích của trục thần đạo thời Trần, dấu tích nền móng của các công trình thời Lê sơ, Lê Trung hưng. Hố khai quật khảo cổ này được lắp kính cường lực để mọi người có thể đi lại tham quan các di vật bên dưới. Khu vực này trở thành sân khấu cho các nghệ sĩ biểu diễn những điệu múa cung đình.
Tiếp đó, là những tiếng đàn dương cầm lãng mạn, sâu lắng thể hiện những bài hát dân ca Việt Nam. Sau màn biểu diễn nghệ thuật, khách du lịch sẽ được những cung nữ, những thị vệ hoàng cung dẫn đường tiến vào khu trưng bày cổ vật. Chính tại đây, những hiện vật khảo cổ được trưng bày đã giới thiệu một cách tóm lược lịch sử nghìn năm của Hoàng thành Thăng Long qua các triều đại, từ khi nhà Lý định đô đến triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam là triều Nguyễn. Trong đó, những điểm nhấn được nhiều người ưa thích là những trang trí đầu rồng, đầu phượng thời Lý, đầu rồng phủ men hoàng lưu ly, thanh lưu ly dưới thời Lê. Hành trình tiếp tục với nghi thức dâng hương các bậc tiên đế tại khu vực thềm rồng điện Kính Thiên. Anh Chu Anh Hùng, một khách tham gia "Giải mã Hoàng thành Thăng Long" chia sẻ: “Hoàng thành về đêm cho tôi một cảm giác khác lạ. Tôi cảm nhận rõ không khí linh thiêng của một trung tâm quyền lực cao nhất của Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Các câu chuyện liên quan đến hiện vật cũng hết sức thú vị”.
Điểm kết thúc của hành trình khám phá là khu khảo cổ học tại số 18 phố Hoàng Diệu. Bình thường, những kiến thức khảo cổ học sẽ khó hiểu với phần đông công chúng. Song, đơn vị tổ chức đã lựa chọn để giới thiệu những gì đặc sắc nhất, thí dụ như chiếc giếng cổ nhất, chiếc giếng đẹp nhất của Hoàng thành khi xưa. Dấu tích về căn nhà lớn 9 gian cũng trở nên dễ hình dung hơn, khi tại các hố móng cột, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội cho dựng những cây cột giả bằng vải và được chiếu sáng.
Nhìn vào hệ thống cột trải dài trên một diện tích lớn, khách tham quan phần nào hình dung về sự đồ sộ của những lâu đài, cung điện xưa. Tại đây, khách tham quan được những hướng dẫn viên trả lời các câu hỏi về Hoàng thành, với sự trợ giúp của máy chiếu trên nền của chính những hố khai quật. Toàn bộ tua kéo dài khoảng 90 phút. Trưởng phòng Hướng dẫn-Thuyết minh Phạm Thị Yến chia sẻ: “Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội mong muốn đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hút cho Hoàng thành. Tua đêm Hoàng thành Thăng Long là một khởi đầu mới. Trong quá trình khai thác, chúng tôi còn tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch”.
Hà Nội đang từng bước khôi phục du lịch, trong đó trọng tâm là du lịch văn hóa. Sản phẩm giải mã những bí ẩn của Hoàng thành Thăng Long góp phần tạo thêm sức hút cho du lịch Hà Nội, nhất là trong việc giữ chân khách du lịch lưu trú tại thành phố dài hơn, qua đó tăng nguồn thu ■