'Hoàng tử bé' của văn học Việt Nam
Những năm gần đây, trong danh sách những cuốn sách hay nhất dành cho thiếu nhi mà bạn đọc yêu văn chương thường truyền tai nhau bao giờ cũng có Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần. Một tác phẩm văn học thiếu nhi đương đại mà có thể 'kiếm' được một 'ghế ngồi' cùng khu vực của các tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam nổi tiếng trước đó, cho thấy sự đặc biệt của Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Và, đây không phải là tác phẩm đầu tiên của tác giả sinh năm 1973 này.
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật rồi trở thành họa sĩ trình bày báo, Nguyễn Ngọc Thuần đến với nghiệp viết nhờ một... chiếc máy đánh chữ phủ bụi ở nhà người thân. Ngẫu hứng làm sạch máy rồi gõ chữ viết lung tung mà dần dần đam mê lúc nào chẳng hay. Nhưng, chỉ đến khi tham gia Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 và được nhận giải thưởng, Nguyễn Ngọc Thuần mới thực sự tự tin vào việc viết.
Chạm ngõ văn chương từ các cuộc thi, Nguyễn Ngọc Thuần khiến cả làng văn thiếu nhi bất ngờ khi liên tục “ăn” giải. Anh “đánh đâu thắng đấy”, nào giải Ba Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ II với Giăng giăng tơ nhện, giải A Cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi Vì tương lai đất nước lần thứ III, giải Peter Pan (giải thưởng của Thụy Điển dành cho tác phẩm thiếu nhi hay nhất) năm 2008, giải thưởng Sách hay năm 2011 dành cho Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, giải A Cuộc vận động sáng tác văn học dành cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng với Một thiên nằm mộng, giải B (không có giải A) Cuộc thi sáng tác văn học dành cho tuổi trẻ của NXB Thanh niên và Báo Văn nghệ với Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ.
Các nhà văn thiếu nhi “lão làng” dành cho Nguyễn Ngọc Thuần nhiều sự khích lệ, cổ vũ. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận định, tác phẩm của Nguyễn Ngọc Thuần là “những tín hiệu mới” mà ở đó “bằng cái nhìn hồn nhiên và ngạc nhiên của trẻ thơ, bằng những nắm bắt tinh tế, những phát hiện ngộ nghĩnh nhưng có sức gợi lớn, qua ngòi bút của Nguyễn Ngọc Thuần thế giới quen thuộc của chúng ta bỗng hiện lên mới mẻ, tinh khôi như mới sinh thành”. Còn nhà văn Hồ Anh Thái thì nhận xét: “Văn phong đẹp, trong vắt. Người đọc soi vào đấy, thấy cả những ao ước tuổi thơ mình... Sau khi đã tạo dựng được một thế giới trẻ con đáng tin cậy, tác giả khéo lồng vào đó chất lãng mạn tuyệt vời khiến những ai từng là trẻ con đều phải bâng khuâng”.
Trong trẻo, thân thương, tươi sáng, ấm áp và đầy chất thơ là những gì mà bạn đọc có thể cảm nhận vô cùng rõ nét qua từng trang viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần. Không Ipad, chẳng ti vi, cuộc sống của những cậu bé cô bé trong truyện Nguyễn Ngọc Thuần chỉ quanh quanh khu vườn nhà, những người thân trong gia đình, làng xóm và trường học. Thế nhưng Nguyễn Ngọc Thuần luôn biến những điều giản dị nhất trở thành một điều bí mật, thành một thế giới mới ẩn chứa vô vàn sắc màu để trẻ thơ khám phá.
Chẳng thế mà thế giới trong những trang văn viết cho thiếu nhi của Nguyễn Ngọc Thuần được nhiều bạn đọc gọi là “Hoàng tử bé của văn học Việt Nam”. Đọc trang viết của Nguyễn Ngọc Thuần là như thêm một lần được trở về tuổi thơ êm đềm trong vòng tay của bố mẹ, lại được vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ vừa “nhìn” ra khu vườn tưởng tượng: “Tôi biết mình sẽ không bao giờ quên được, vì tôi vẫn còn nhớ lắm. Tôi nhớ tất cả những gì đã bay qua bầu trời của tôi. Tôi nhớ từng bông hoa, từng mùa mưa nắng, từng rẻo đất...”.
Song, Nguyễn Ngọc Thuần không chỉ viết văn học thiếu nhi. Truyện dài Cơ bản là buồn, một góc nhìn lạ lẫm và đầy nhân văn về đề tài hậu chiến của Nguyễn Ngọc Thuần, tuy đã được nhận giải Nhì Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần V, song dường như vẫn chưa đủ sức bật để vượt khỏi cái bóng của Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ. Ngoài ra, anh còn các tác phẩm khác như truyện dài Về cô gái này, truyện vừa Sinh ra là thế, truyện ngắn Chuyện tào lao, Cha con và tàu bay, tiểu thuyết Vì tình yêu phù phiếm.