Hoàng Việt Hằng: Viết từng ngày để sống
Em đã đốt thơ tình anh tặng - mới đọc tên tập thơ sao cứ có cảm giác như tác giả vẫn còn trẻ lắm, vẫn đang say đắm yêu đương nồng nàn của tuổi đôi mươi. Nhưng, nhà thơ Hoàng Việt Hằng đã đầu hai thứ tóc, có lẽ chỉ còn tình yêu là vẫn vẹn nguyên: 'Có những thứ đã buông mà không mất/ Đổ theo mùa ký ức chẳng tàn phai' (Mùa lá đổ).
Trong làng văn chương, hẳn nhiều người biết về mối tình thăng hoa của Hoàng Việt Hằng với người chồng nhà văn. Mối tình khắc cốt ghi tâm ấy đã in hằn dấu ấn trong nhiều tác phẩm của chị. “Em đã gói kỷ niệm/ gói giọt sương trên lá sen khô/ Gói cả anh và tình yêu hai ta xưa/ nhưng gói mãi đến mùa xuân phải mở/ Cho nỗi buồn không héo khô” (Dù em có dụi mắt).
Chỉ tiếc rằng, mặc cho chị chạy đua với thời gian, chạy đua với cuộc đời: “Phải viết thôi! anh ốm/ nhuận bút lo tiền điện/ nhuận bút mua ống truyền”, thì bất hạnh đắng cay vẫn đưa anh đi quá sớm để bao tháng năm trôi qua chị nhọc nhằn trên từng trang viết mà tần tảo: “Em nuôi con qua cơn sốt ra vào/ xe cấp cứu mình em và con nhỏ/ nếu không có những ngày giông gió/ em chối từ để được cô đơn” (Người ấy).
Trong nỗi nhớ nhung vô bờ bến “người trong hoa tàn đã mất/ bóng người có đọng trong sen” và giữa những nhọc nhằn nuôi con một mình, là cả một thế giới như chìm đi sau những dấu lặng: “Dẫu thăm thẳm hư không/ dẫu hư không thăm thẳm...”, đắng đót đến nhói lòng.
“Vượt nỗi nhớ bao giờ cũng khó”, song, có lẽ Hoàng Việt Hằng là người mạnh mẽ, dẫu có nhiều phút giây chông chênh yếu lòng: “Có thể nào người ấy nhắc tên em/ lời muối xát. em không xát muối/ có nỗi đau không đầu không cuối/ không thể khâu không thể nối tơ lòng”, thì chị cũng “không cho mình phận bạc”, sẽ tự vực dậy: “Tôi ký gửi mất mát/ nhờ dòng thác xóa đi/ tôi ký gửi nước mắt/ nửa cuộc tình chia ly/ dù cuộc đời sống gửi/ ký thác xong… thác về”.
Phải chăng chính cuộc đời với quá nhiều trải nghiệm mất mát, nhọc nhằn ấy đã “đền bù” cho Hoàng Việt Hằng bằng sự đồng cảm mà chị dễ dàng nắm bắt và cảm nhận được trước những con người chị được gặp, những câu chuyện chị được nghe.
Sau các tập thơ Những dấu lặng, Tự tay nhóm lửa, Chuông vọng, Một mình khâu những lặng im, Vệt trăng và cánh cửa, Xóa đi và không xóa, Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng, ở tập thơ thứ 8 Em đã đốt thơ tình anh tặng của chị có vẻ như nghiêng nhiều hơn về cảm hứng thế sự với Nỗi tha hương, Không có quê để về, Có những người lính đi tìm, Sập chiều ở ga xép...
Nhà thơ Hoàng Việt Hằng đi nhiều, khắp các nẻo quê nước Việt, lên miền núi xuống đồng bằng, đến thăm các nước bạn, dường như vùng đất nào cũng vào thơ chị. Chị viết Về Ninh Thuận mộng mơ, Fanxipan đỉnh núi, Bên suối Yến, Bước chậm ở Hoàng Liên, Tìm gì ở Totori, Nepal ngày trở lại… Chị nhớ Nụ cười của em bé chăn cừu ở Nepal, Người lính Việt Nam ở Alang Chary…
Chị thương những phận người “các con sống bằng gì, sẽ ở đâu, sẽ làm gì để có tiền mua thuốc” trong Nước mắt của sống còn, thương “tình yêu của con thơ vắng mẹ/ có đứa trẻ chỉ thèm cha bế” trong Mắt biếc, thương tiếng khóc của “anh đội sỏi và cô bán cá” trong Để cộng hai… Chỉ đôi câu chữ giản dị thôi mà sao những bài thơ khiến bạn đọc ứa nước mắt cùng chị.
Đời viết của Hoàng Việt Hằng dừng chân ở nhiều thể loại, không chỉ thơ mà còn tản văn, truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong đó, tản văn chiếm số lượng không nhỏ, một phần có lẽ bởi cơm áo gạo tiền thúc bách, song không vì thế mà chị dễ dãi, thỏa hiệp.
Tôi thích các tản văn của chị, với những góc nhìn lạ, với những hình ảnh đầy chất thơ, mà vẫn nặng sâu tình cảm: Nhìn chị vẫn gói mùa đông, Giọt mưa còn trên lá sen, Rêu phong một cửa ô, Vị phố, Lá vẫn rơi trên thềm cửa, Tiêu gì cho thời gian để sống, Ngọn khói nhà quê, Người khóc thuê, Mẹ vẫn ngồi ở phía sân sau, Rớt bão…
Đã từng bỏ thơ đi lấy chồng và đi chợ, đã từng mười mấy năm không đắm đuối giã từ, nhưng trong đầu Hoàng Việt Hằng, những câu chữ cứ luôn nhảy múa, để rồi dù đời viết bao nhọc nhằn, thì sau biết bao nhiêu lần bỏ cuộc, chị vẫn lại tái giá với thơ, để cho đến sập chiều cuộc đời bơ vơ, chị vẫn viết từng ngày để sống.