Hoạt động bắn tỉa của Ukraine trong xung đột quân sự với Nga
Bắn tỉa vẫn là một hoạt động quan trọng của quân đội Ukraine trong xung đột vũ trang với quân Nga. Tuy nhiên, công việc này đã trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với thời trước.
Trong bóng tối, đội bắn tỉa 4 người do Bart làm trưởng nhóm di chuyển đến địa điểm cần đến, sau khi vượt qua những đoạn đường tối đen như mực. Họ đi bằng một chiếc xe bán tải đã tắt hết đèn đóm. Sau đó họ bước vội lên các miếng kính vỡ, triển khai súng tại vị trí ẩn nấp.
Bart thả lỏng người, tay trải dài phía sau khẩu súng bắn tỉa nặng khoảng 9kg được che giấu bằng đống gạch vụn trong tòa nhà đã bị phá hủy một nửa. Lúc đấy đang là bình minh, còn cả một ngày dài phía trước.
Khi tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, Nga đã sử dụng ồ ạt xe tăng, trọng pháo, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình. Khi ấy, vai trò của lính bắn tỉa, vốn âm thầm, lại càng như bị lép vế hơn trên chiến trường dù rằng họ vẫn sở hữu độ sát thương cao.
Hiện nay bộ phận bắn tỉa của Ukraine nằm trong một lực lượng tương đối lâu đời của quân đội, đó là bộ binh. Số lượng quân nhân bắn tỉa của Ukraine tương đối ít nhưng trên thực tế họ vẫn đóng vai trò quan trọng như thời Thế chiến I, khi một tay súng thiện xạ có thể gây hoang mang cho nhiều binh lính đối phương chỉ bằng một phát súng.
Sẽ chỉ mất khoảng 4 giây để viên đạn từ lính bắn tỉa Ukraine găm vào mục tiêu ở cách xa hơn 1,6km.
Tuy nhiên, ngày nay lính bắn tỉa gặp phải nhiều khó khăn, thách thức hơn do công nghệ hiện đại, đặc biệt là sự phổ biến của UAV với tư cách công cụ quan sát lợi hại bên trên chiến tuyến. Các UAV khiến việc bắn tỉa từ vị trí ngụy trang trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Điều đó buộc lính bắn tỉa Ukraine phải thay đổi chiến thuật để tránh nguy cơ tử trận nhanh chóng.
Một nhóm phóng viên New York Times đã dành cả tuần đi kèm với một đội bắn tỉa của Ukraine ở miền Nam. Nhóm phóng viên này có cơ hội đọc các báo cáo về nhiệm vụ của lính bắn tỉa và phỏng vấn họ, huấn luyện viên và các học viên bắn tỉa ở Ukraine để hiểu hơn về hoạt động âm thầm của các quân nhân này trong xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Kỹ năng cơ bản và hai loại lính bắn tỉa
Volodymyr, 54 tuổi, một lính bộ binh thuộc Tiểu đoàn súng trường độc lập 19 của Ukraine, đang chuẩn bị cho ngày đầu tiên học bắn tỉa tại một trường bắn.
Phía trước ông ta là các tấm bia để ngắm bắn. Tại Ukraine, có ít trường đào tạo chính thức chuyên về bắn tỉa. Đa phần việc đào tạo về mảng này được tiến hành nhờ vào các lớp học tạm, hoạt động của tư nhân và các tình nguyện viên nằm rải rác ở nhiều vùng của đất nước.
Một số tay súng bắn tỉa than phiền rằng việc quân đội Ukraine hiện nay tập trung vào tấn công chiến hào (chiến thuật cần thiết để tái chiếm lãnh thổ) đã đẩy hoạt động đào tạo bắn tỉa ra khỏi các ưu tiên của một số chỉ huy quân sự.
Volodymyr nói: “Nguyện ước cá nhân của tôi và đồng đội là trở thành xạ thủ bắn tỉa. Tôi cần phát triển các kỹ năng cơ bản, bởi vì một khi đã ở ngoài mặt trận thì không còn thời gian cho việc này nữa”.
Những người được phỏng vấn trong bài viết này đều yêu cầu chỉ nêu hô hiệu (cách gọi nội bộ trong liên lạc) hoặc một phần tên của họ để bảo vệ danh tính cho họ.
Người ta không công bố số tay súng bắn tỉa trong quân đội Ukraine nhưng các huấn luyện viên ước tính có vài nghìn xạ thủ như vậy, chia làm 2 nhóm chính.
Nhóm đa số là các tay thiện xạ có khả năng bắn trúng mục tiêu ở cự ly khoảng 274m. Họ thường ở trong chiến hào, yểm trợ cho đồng đội.
Nhóm thứ 2 là các tay súng bắn tỉa trinh sát, còn gọi là “xạ thủ tầm xa”. Ít có lính bộ binh sở hữu khả năng bắn chính xác từ cự ly 1,6km trở lên, với năng lực đọc được tình trạng gió, nhiệt độ và khí áp trước khi ấn nhẹ lên cò súng.
Vào một ngày tháng 9 gần đây, huấn luyện viên của Volodymyr hướng dẫn ông ta cách bóp cò sao cho hợp lý để bảo đảm độ chính xác của đường đạn.
Volodymyr tâm sự, nhiều người sợ làm lính bắn tỉa vì quan niệm rằng đối phương sẽ ưu tiên tìm diệt lực lượng bắn tỉa.
Mục tiêu ưu tiên của xạ thủ
Một báo cáo có đoạn: “Khoảng 24h đêm, lính bắn tỉa của chúng ta ở vị trí số 2 quan sát thấy một ổ súng máy của đối phương”. Báo cáo được viết sau một phi vụ bắn tỉa diễn ra gần thành phố Bakhmut trước đó trong năm nay (2023).
Báo cáo tiếp tục: “Lính bắn tỉa của ta đã xạ kích vào mục tiêu, khiến 2 lính đối phương tử trận, đã được xác nhận. Có thể còn có một trường hợp nữa của đối phương tử trận”.
Trong giới quân sự, lính bắn tỉa được gọi là “nhân tố nhân lên sức mạnh”, hàm ý lực lượng này có tác động lớn trên chiến trường.
Nhưng việc bóp cò có cái giá của nó, nhất là trong kỷ nguyên UAV và thiết bị ngắm nhiệt. Dù ngụy trang tốt đến thế nào, lính bắn tỉa vẫn có nguy cơ bị lộ vị trí do nhiệt cơ thể.
Bên cạnh đó, bụi, khói và các ánh chớp lửa phát ra từ viên đạn cỡ lớn khi bay khỏi nòng súng có thể bị phát hiện dễ dàng.
Điều đó có nghĩa là không phải cứ phát hiện mục tiêu Nga là lính Ukraine có thể kéo cò súng được. Họ phải cân nhắc các rủi ro. Lính bắn tỉa sẽ gia tăng khả năng bấm cò nếu quân nhân Nga trong tầm ngắm là “mục tiêu ưu tiên” như xạ thủ súng máy, sĩ quan hoặc thành viên đội súng chống tăng.
Mục tiêu quan trọng hơn chính là các xạ thủ bắn tỉa của Nga. Marik - một tay súng bắn tỉa Ukraine thuộc tiểu đoàn bộ binh “Sói Da Vinci”, cho biết phía Nga có một số tay súng bắn tỉa rất hiệu quả mà Ukraine không thể đánh giá thấp.
Xạ thủ bắn tỉa hai bên luôn tìm cách ra đòn triệt hạ nhau hoàn toàn. Hồi đầu xung đột quân sự Nga - Ukraine, đội của Marik đã tìm cách vô hiệu hóa một nhóm bắn tỉa đối phương bằng pháo chứ không phải súng trường, để đảm bảo không ai thoát được. Phía Nga cũng làm tương tự khi phát hiện nhóm bắn tỉa của Ukraine.
Nghệ thuật tính toán và chờ đợi khi bắn tỉa
Hoạt động của xạ thủ bắn tỉa thường rất linh hoạt và tinh tế khi họ lựa chọn vị trí và cân nhắc giữa bắn hoặc tiếp tục quan sát.
Bắn hạ mục tiêu bằng khẩu súng trường uy lực gắn ống ngắm là hành động có tính toán cao, khác biệt với lúc cận chiến bằng súng ở cự ly gần trong chiến hào. Đối với cự ly xa, xạ thủ thường phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ, sử dụng các ứng dụng thời tiết, thiết bị tính toán đạn đạo và cả máy laptop để thiết lập đường ngắm trước khi bóp cò.
Đầu đạn bắn tỉa là chuyên biệt cho mục tiêu sát thương, còn vỏ đạn được chính các xạ thủ lắp thủ công, để bảo đảm trọng lượng của nó phù hợp hoàn hảo với nhiệm vụ đề ra.
Đội bắn tỉa của Bart phải cạnh tranh nguồn lực với các đơn vị UAV và các đơn vị khác của Ukraine trên chiến trường. Đó là một lý do mà đội của Bart luôn sử dụng một camera chất lượng để ghi lại từng phát bắn.
Đội trưởng Bart chia sẻ: “Chúng tôi thường nói: không có video, không có vụ bắn hạ nào cả”.
Tuy nhiên việc bắn súng ở cự ly xa không phải là việc duy nhất của lính bắn tỉa. Xạ thủ phải làm nhiều thứ hơn thế trước khi siết cò, đó là trinh sát, yểm trợ các đơn vị tấn công và định vị mục tiêu cho pháo binh.
Lúc khoảng 14h, gió đổi hướng, không còn thổi từ bên trái mà thổi trực tiếp vào phía trước vị trí đội bắn tỉa Bart, khiến họ phải thực hiện các điều chỉnh nhanh chóng với súng trường.
Tầm đó một UAV cảm tử “góc nhìn thứ nhất” (FPV) xuất hiện trên trời và 3 quả đạn cối rơi xuống sát đó. Kế tiếp, các quả đạn pháo phóng tới nổ tới tấp, làm khung cửa rung lên, buộc nhóm xạ thủ bắn tỉa Ukraine phải chui sâu vào tòa nhà. Những luồng gió mạnh thổi vào đống đổ nát trong tòa nhà, hất tung lưới ngụy trang che giấu vị trí của họ…