Hoạt động buôn bán, tiêu thụ hổ trái phép vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam

Đánh giá này được khẳng định tại Tọa đàm 'Từ vụ tịch thu hổ nhìn lại việc kiểm soát nuôi nhốt, buôn bán và cứu hộ, bảo tồn hổ tại Việt Nam' do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức sáng 24-8.

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), hổ nuôi nhốt không có giá trị mà còn làm hủy hoại những nỗ lực bảo tồn và thực thi pháp luật. Ảnh: Trung tâm giáo dục Thiên nhiên

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), hổ nuôi nhốt không có giá trị mà còn làm hủy hoại những nỗ lực bảo tồn và thực thi pháp luật. Ảnh: Trung tâm giáo dục Thiên nhiên

Ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES ) Việt Nam cho biết: Trên thế giới hiện có khoảng 3.000 cá thể hổ. 93% sinh cảnh của hổ đã bị mất đi so với lịch sử phân bố đó là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến quần thể hổ bị đe dọa tuyệt chủng.

Trước đây, hổ phân bố ở khắp các vùng rừng núi Việt Nam. Hiện nay, theo Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN), hổ Việt Nam không có quá 5 cá thể, tuy nhiên không có một nghiên cứu nào khẳng định các con số này. Hình ảnh hổ cuối cùng ghi nhận được là cá thể hổ chụp bằng bẫy ảnh tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An năm 1999.

Cũng theo ông Mạnh, thống kê sơ bộ cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 300 cá thể hổ đang được nuôi nhốt hợp pháp tại các trang trại, cơ sở nuôi nhốt và hộ gia đình. Tuy nhiên, số lượng hổ thực tế đang được nuôi nhốt tại Việt Nam có thể lớn hơn nhiều con số được thống kê, bao gồm cả các cá thể nuôi bất hợp pháp.

Vụ tịch thu 17 cá thể tại hai hộ dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An vào rạng sáng 4-8, và trước đó là vụ tịch thu 7 cá thể hổ con vận chuyển trái phép từ Hà Tĩnh sang nghệ An tiêu thụ, là một phần của bức tranh về tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã bất hợp pháp này.

Điều đáng chú ý là không ít nghiên cứu chỉ ra rằng các cơ sở nuôi nhốt hổ dính líu mật thiết đến các mạng lưới buôn lậu. Báo cáo tội phạm động vật hoang dã năm 2020 của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) khẳng định, hổ nuôi nhốt ở Việt Nam và Trung Quốc được sử dụng để tiêu thụ nội địa bất hợp pháp.

Báo cáo nghiên cứu của Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) trong năm 2019 cũng cho thấy, có đến 58% số hổ bị thu giữ ở Thái Lan và 30% số hổ bị thu giữ ở Việt Nam trong giai đoạn từ 2000-2018 được xác định từ nguồn nuôi nhốt.

Điều này cho thấy, nguy cơ hổ nuôi nhốt đi vào thị trường bất hợp pháp là hoàn toàn thực tế. Cũng chính vì mối lo ngại rằng hổ nuôi nhốt có thể ảnh hưởng tới các nỗ lực bảo tồn cũng như dung dưỡng cho tội phạm động vật hoang dã mà từ năm 2007, Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã cấm nuôi hổ vì mục đích thương mại.

Tuy nhiên, nhiều trang trại tại các châu lục, đặc biệt là châu Á, trong đó có Việt Nam vẫn vi phạm lệnh cấm này nhằm thu lợi bất chính.

Chia sẻ về tình hình buôn bán hổ tại Việt Nam, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho hay: Số vụ vi phạm liên quan đến buôn bán hổ trái phép tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 có xu hướng tăng lên, từ 182 vụ việc năm 2016 với 306 hành vi vi phạm; lên 235 vụ năm 2019 và 390 vụ với 804 hành vi vi phạm năm 2020.

Bà Hà đánh giá, trong hầu hết các vụ án có tang vật là hổ phát hiện tại các địa phương, hổ thường được khai báo có nguồn gốc tại Nghệ An. Đã có những bản án nghiêm khắc với các tội phạm liên quan đến hổ, đặc biệt từ thời điểm Bộ luật Hình sự có hiệu lực.

Ba đối tượng mua bán, vận chuyển hổ trái phép tại Nghệ An bị xử lý hình sự. Ảnh: Trung tâm giáo dục Thiên nhiên

Ba đối tượng mua bán, vận chuyển hổ trái phép tại Nghệ An bị xử lý hình sự. Ảnh: Trung tâm giáo dục Thiên nhiên

Tuy nhiên, các hoạt động buôn bán, tiêu thụ hổ và các sản phẩm từ hổ trái phép vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam và không có dấu hiệu “giảm nhiệt” qua các năm, đặc biệt phổ biến là hoạt động quảng cáo buôn bán các sản phẩm từ hổ trên internet.

Buổi tọa đàm cũng đã cung cấp các thông tin về thực tế hoạt động cứu hộ hổ ở Việt Nam; tình trạng gây nuôi hổ tại Việt Nam và những tác động đến công tác bảo tồn hổ trong khu vực; công tác thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam…

Các đại biểu cũng nêu các giải pháp giải quyết tình trạng nuôi nhốt hổ trái phép cũng như bảo tồn hổ. Theo ông Mạnh bảo tồn, quản lý hổ là vấn đề toàn cầu nên cần giải pháp toàn cầu, không chỉ giải pháp riêng của Việt Nam. Trước tiên, cần giảm nhu cầu tiêu thụ hổ và các sản phẩm từ hổ. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; ngăn chặn các thông tin quảng cáo sai sự thật về công năng của các sản phẩm từ hổ trên các mạng xã hội.

Nhận định hoạt động buôn bán hổ trái phép chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước, bà Hà cho rằng, cần tập trung đầu tư thời gian, nguồn lực xử lý các đối tượng cầm đầu buôn bán, vận chuyển hổ trái phép.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoat-dong-buon-ban-tieu-thu-ho-trai-phep-van-dien-bien-phuc-tap-tai-viet-nam-post442981.html