Hoạt động chợ nông sản Thủ Đức gặp khó vì không rõ cơ quan chủ quản
Do chưa biết cơ quan nào là chủ quản chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nên Phòng Y tế TP Thủ Đức đã kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh nên giao rõ trách nhiệm quản lý.
Vừa qua, Đoàn giám sát do Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội (VHXH) HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình làm trưởng đoàn, đã có buổi khảo sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (Công ty chợ) Nguyễn Văn Huây cho biết, chợ hoạt động chủ yếu về đêm, chợ có 3 nhà lồng với 1.424 ô vựa, số thương nhân hiện đang kinh doanh tại chợ là 945 người. Tổng lượng hàng nhập chợ trong 7 tháng đầu năm 2024 là 531.233 tấn, giảm 51.457 tấn (giảm 8,8%) so với cùng kỳ năm 2023; lượng hàng nhập chợ bình quân hàng đêm là 2.494 tấn.
Đối với công tác ATTP tại chợ luôn được tuyên truyền đến chủ ô vựa; nhiều chủ ô vựa đã cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định. Các thương nhân đều ký cam kết không sử dụng hóa chất, chất phụ gia, chất tẩy trắng, chất bảo quản độc hại trên rau củ quả (măng chua, măng luộc, cải chua, chanh, bắp chuối, rau muống bào, hành, tỏi, ớt, sả xay) gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng và sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.
Đối với người cung ứng hàng hóa, Công ty chợ yêu cầu khi đến giao dịch phải đảm bảo đăng ký đúng, kê khai số lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của từng vùng miền để quản lý. Đối với tiểu thương, phải thực hiện ghi chép nguồn gốc hàng hóa vào sổ, niêm yết xuất xứ đối với hàng ngoại nhập, lưu trữ chứng từ hàng ngoại nhập để phục vụ công tác kiểm tra.
Có mặt tại buổi giám sát, bác sĩ Nguyễn Văn Khuôn - Trưởng phòng Y tế TP Thủ Đức cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, phòng đã kiểm tra 10 cơ sở rau muống và chuối bào, măng chua, sả, nấm; 4 cơ sở lưu trữ, kinh doanh trái cây và 3 quán ăn. Có 4 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) với số tiền 12,5 triệu đồng.
Đối với 3 phường giáp ranh chợ là Bình Chiểu, Hiệp Bình Phước, Tam Bình trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 809 lượt, phát hiện và xử phạt VPHC 229 trường hợp với tổng số tiền 261 triệu đồng.
Một số cơ sở sơ chế, chế biến là cơ sở nhỏ, hoạt động tạm bợ trên đất thuê mướn của các hộ dân xung quanh chợ, dẫn đến khó đảm bảo ATTP.
Cùng với đó, hạ tầng xung quanh chợ xuống cấp, cống rãnh nghẹt ứ, còn tình trạng “nắng bụi, mưa lầy”…; nhiều cơ sở chế biến rau, củ, quả nhỏ lẻ khi được kiểm tra về ATTP lại đối phó, chống đối đoàn kiểm tra với các hình thức: không tiếp đoàn, không mở cửa, không lên làm việc khi được mời…
Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng đề nghị, Công ty chợ cần tăng cường phối hợp với 3 phường giáp ranh, bởi tiểu thương không chỉ kinh doanh trong chợ mà còn kinh doanh bên ngoài. “Vấn đề lớn nhất hiện nay là mâu thuẫn giữa Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduchouse) với Công ty chợ trong giải quyết pháp lý, dẫn đến việc đóng thuế vẫn đang bàn cãi. Do đó, Công ty chợ cần kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh và các sở ngành liên quan hỗ trợ tháo gỡ, giải quyết dứt điểm vấn đề này”, ông Phùng đề nghị.
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Huây cũng nêu ra nguyên nhân chủ yếu của việc kinh doanh gặp khó khăn do tình trạng chợ nông sản tự phát tại các khu dân cư quanh chợ Thủ Đức, các tuyến đường trên Quốc lộ 1A, các tuyến đường thuộc 3 phường quanh chợ vẫn hoạt động mạnh, các xe container và xe tải đậu và xuống hàng ở khu dân cư Bình Chiểu cung cấp hàng cho khu vực kinh doanh tự phát.
Ngoài ra, tại lô đất số 7B là công trình dịch vụ công cộng (nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống theo quy hoạch ban đầu phục vụ cho chợ đầu mối Thủ Đức – khu vực bãi đá) diện tích 2.751m2 do Thuduchouse quản lý trong khuôn viên chợ đầu mối Thủ Đức, giáp ranh bãi đậu xe của Công ty chợ được Thuduchouse quản lý, cho thuê hoạt động làm bến bãi đậu xe, tập kết, trung chuyển giao hàng nông sản; tự tổ chức bốc xếp, cho thuê các điểm buôn bán hàng nông sản trực tiếp tại đây là sử dụng sai quy hoạch, lấn chiếm bến bãi, lòng đường làm cản trở đường giao thông gây mất an ninh trật tự và cạnh tranh giá cả hàng hóa với thương nhân trong chợ.
Bên cạnh đó còn có bến bãi kinh doanh tự phát tại khu dân cư sát khuôn viên chợ đầu mối Thủ Đức, do Công ty TNHH Thương mại sản xuất vận tải Tấn Lộc và Công ty TNHH Vận tải Phan Đức cho thuê bãi đậu xe container và xe tải, hình thành bãi tập kết lên xuống nông sản nhập vào chợ đầu mối, làm bến bãi mua bán hàng nông sản tại chỗ, gây mất an ninh trật tự và cạnh tranh giá cả hàng hóa với thương nhân trong chợ. Hàng hóa kinh doanh tại các khu vực bến bãi tự phát nêu trên không được kiểm soát về ATTP, nguồn gốc hàng hóa, hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu… vì không thuộc quyền quản lý của Công ty chợ.
Từ khó khăn nêu trên, Công ty chợ kiến nghị với Đoàn giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa các khu vực kinh doanh nông sản tự phát xung quanh chợ đầu mối để giải quyết vấn đề ATTP, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban VHXH HĐND TP Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình lưu ý các sở, ngành phải có phương án kiểm soát nguồn hàng, nguồn gốc xuất xứ tập trung tại 3 chợ đầu mối của TP. Đối với Công ty chợ cần chú ý quan tâm phân loại rác tại nguồn, xử lý nước thải tại chợ, đặc biệt là vấn đề ATTP và có giải pháp chấm dứt tình trạng buôn bán xung quanh chợ đầu mối.
Thuduchouse đã hoàn thành cổ phần hóa Công ty chợ, đồng thời thoái vốn 100% từ ngày 10/8/2020. Đến nay, giữa Công ty chợ và Thuduchouse là 2 đơn vị độc lập. Thuduchouse đã gửi công văn 694/CV-NTĐ.20 ngày 7/5/2020 giao lại quyền thuê đất 50 năm đến Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng chưa được giải quyết. Do đó, Công ty chợ kiến nghị Ban VHXH HĐND TP Hồ Chí Minh, các sở ngành giúp đỡ để Công ty chợ chính thức đăng ký quyền thuê đất để thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ với Nhà nước trong công tác quản lý chợ.