Hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng và vấn đề bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán
Hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán có vị thế quan trọng, ảnh hưởng lớn tới các chủ thể khác tham gia thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư.
Để có một thị trường chứng khoán minh bạch, công bằng, phát triển bền vững lấy được niềm tin của nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp, các nhà đầu tư chứng khoán nước ngoài), trở thành công cụ tài chính hữu hiệu cho nền kinh tế, đòi hỏi phải có các chế định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên thị trường nói chung và trong hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng nói riêng.
Tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ngày càng được mở rộng. Mức vốn hóa TTCK tính đến hết tháng 9/2018 đạt 5,340 triệu tỷ đồng, tương đương 106,65% GDP. Cũng tính đến hết quý III/2018, đã có 739 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn và 778 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Công bố thông tin (CBTT) là một trong những hoạt động quan trọng nhất mà doanh nghiệp và cổ đông nội bộ phải thực hiện để đảm bảo tính công bằng, minh bạch của TTCK, tạo niềm tin với nhà đầu tư. Vậy nhưng, dù thị trường đang tăng trưởng, các vi phạm liên quan đến CBTT vẫn không ngừng gia tăng.
Theo kết quả khảo sát năm 2018 của Vietstock thực hiện với 686 công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam, có 266 công ty đạt chuẩn công bố thông tin theo các tiêu chí khảo sát đề ra, chiếm 38,78%, tăng vọt so với con số 16,96% của năm 2017. Tuy nhiên, như vậy, vẫn có hơn 60% công ty niêm yết không đạt chuẩn công bố thông tin.
Trong khi đó, theo thống kê của UBCKNN, giai đoạn 2010 - 2016, cơ quan này đã ra hơn 1.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK. Trong năm 2017, con số này là 214 quyết định xử phạt 80 cá nhân và 134 tổ chức. Riêng từ đầu năm 2018 đến hết ngày 16/7/2018, đã có 57 cá nhân và 64 tổ chức bị UBCKNN xử phạt. Trong đó, phần lớn lỗi vi phạm liên quan đến CBTT, những vi phạm này ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Quy định pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trong hoạt động công bố thông tin
Tại Việt Nam, các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng ngày càng hoàn thiện hơn. Văn bản đầu tiên về chứng khoán và TTCK là Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11/07/1998 của Chính phủ đã có một điều khoản quy định riêng về việc “Bảo vệ quyền lợi của người đầu tư”.
Tiếp đó, Nghị định số 44/20103/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về chứng khoán và TTCK thay thế Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11/07/1998 của Chính phủ ngay trong căn cứ ban hành Nghị định này đã ghi nhận nguyên tắc: “Tạo môi trường thuận lợi cho việc phát hành và kinh doanh chứng khoán, khuyến khích việc huy động các nguồn vốn dài hạn trong nước và nước ngoài, đảm bảo cho TTCK hoạt động có tổ chức, an toàn, công khai, công bằng và hiệu quả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người đầu tư” và có rất nhiều các quy định rải rác tại các điều khoản gián tiếp ghi nhận việc bảo vệ nhà đầu tư trên TTCK nói chung và trong hoạt động CBTT của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết nói riêng.
Luật Chứng khoán 2006 ra đời và được sửa đổi bổ sung năm 2010 đã luật hóa các quy định về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng (Điều 4). Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư...”.
Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012 của Chính phủ (Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán) và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này đã ghi nhận cụ thể việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng: “Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ CBTT và các trường hợp mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc UBCKNN xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư” (Điều 60).
Thông tư số 155/2015/TT/BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính về hướng dẫn CBTT trên TTCK ra đời đã có những quy định cụ thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng từ các quy định về phương tiện CBTT (Điều 5), đến CBTT theo yêu cầu (Điều 10)…
Một số bất cập và tồn tại của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư
Hoạt động CBTT của hàng loạt các chủ thể của công ty đại chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trên TTCK. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư chứng khoán trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại, cụ thể:
Thứ nhất, các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng đã ngày càng hoàn thiện so với trước đây, tuy nhiên, các quy định này mới chỉ dừng lại ở việc nỗ lực điều chỉnh và trật tự hóa hoạt động CBTT của công ty đại chúng chứ chưa đảm bảo khung pháp lý ổn định, có tính định hướng thị trường và chưa bảo vệ đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp thực tế của nhà đầu tư.
Thứ hai, các quy định pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc điều chỉnh các hành vi xảy ra trên thị trường trong nước mà thiếu sự tương thích với các thông lệ quốc tế, đặc biệt là theo các mục tiêu và nguyên tắc do Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) khuyến nghị: “xây dựng một thị trường công bằng, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và giảm rủi ro hệ thống”.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng một thị trường công bằng, minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư và giảm rủi ro hệ thống, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư trên TTCK trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng theo hướng trao thẩm quyền rộng để điều tra và xử lý các vi phạm pháp luật chứng khoán cho cơ quan quản lý thị trường, đưa ra được những chế tài đủ mạnh đối với hành vi gian lận, giao dịch không công bằng, yêu cầu CBTT đầy đủ, minh bạch.
Thứ ba, các quy định của pháp luật chứng khoán của Việt Nam hiện chưa có quy định về quản lý CBTT của công ty đại chúng trên thị trường UPCom và thị trường OTC. Trong khi đó, số lượng các vi phạm pháp luật xảy ra trên 2 thị trường này ngày càng tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, khiến quyền và lợi ích của các nhà đầu tư trên thị trường không được đảm bảo.
Với những bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành một văn bản pháp luật thống nhất về bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán giúp tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động CBTT của công ty đại chúng được diễn ra minh bạch và hiệu quả hơn là cần thiết, đòi hỏi các nhà lập pháp phải xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch và hoàn thiện hơn.
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công bố thông tin của công ty đại chúng
Nhằm đảm bảo sự an toàn trên TTCK cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, các công ty đại chúng cần phải công khai, minh bạch thông tin, tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ cam kết với cổ đông, áp dụng hệ thống kế toán, kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế. Khi hoàn thiện pháp luật CBTT của công ty đại chúng trên TTCK, cần có các quy định về bảo vệ nhà đầu tư trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng trên TTCK trong Luật Chứng khoán sửa đổi, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định pháp luật về CBTT theo hướng dễ hiểu, đơn giản trong việc áp dụng và thực thi; Cần có quy định rõ các khái niệm về người có liên quan và quy định về nhóm người có liên quan, trách nhiệm CBTT đối với cổ đông lớn sở hữu từ 5% trở lên đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư; Nhóm người có liên quan và người nội bộ công ty; Quy định tiêu chuẩn CBTT theo nhóm công ty dựa trên quy mô vốn và tính đại chúng.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động CBTT của công ty đại chúng. Đồng thời, cần nâng cao mức xử phạt, đảm bảo đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm, thậm chí có quy định cá thể hóa trách nhiệm cá nhân thực hiện hoạt động CBTT của công ty đại chúng. Tùy theo mức độ vi phạm trong việc chậm CBTT, UBCKNN có thể xử phạt hành chính đối với tổ chức và cá nhân nặng hơn thay vì mức phạt tối đa hiện nay là 100 triệu đồng (quy định tại Nghị định số 108/2013/NĐ-CP).
Thứ ba, bổ sung các quy định, các trường hợp công ty đại chúng được quyền chủ động thực hiện CBTT do các yêu cầu cấp thiết của doanh nghiệp. Trên thực tế, tại Việt Nam và trên thế giới, hoạt động của nhiều doanh nghiệp mang đậm dấu ấn người lãnh đạo, thậm chí tên tuổi cá nhân gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp.
Mỗi phát ngôn, hành động của lãnh đạo doanh nghiệp đều được nhà đầu tư quan tâm cũng như tác động mạnh đến giá cổ phiếu. Cách ứng xử chủ động, truyền thông kịp thời của lãnh đạo doanh nghiệp đến nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư có cái nhìn toàn diện, kịp thời, chính xác về sự kiện để ra quyết định đầu tư.
Đặc biệt, với thị trường tài chính Việt Nam, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế, giao dịch bị chi phối mạnh bởi tâm lý đám đông, việc chủ động minh bạch thông tin sẽ đẩy lùi được những tin đồn bất lợi cho doanh nghiệp, tránh thiệt hại không đáng có cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Thứ tư, cần có các quy định về cơ chế bảo vệ nhà đầu tư thông qua quy định pháp luật cụ thể trong việc lập và điều hành Quỹ đền bù bảo vệ nhà đầu tư của các công ty đại chúng; thiết lập cơ quan thường trực đóng vai trò quản trị và điều hành quỹ với các thành viên được các bên có quyền lợi liên quan chỉ định.
Mặt khác, cần có cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể, qua đó một tổ chức có thể được ủy quyền bởi các thành viên của mình để chủ động tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ điều kiện cần thiết... Đây là các giải pháp hữu hiệu mà các nước có TTCK phát triển như Mỹ, Nhật Bản... đã áp dụng.
Thứ năm, rà soát các quy định CBTT định kỳ, thông tin bất thường, thông tin theo yêu cầu tránh công ty đại chúng bỏ sót nghĩa vụ CBTT. Đồng thời, nghiên cứu các quy định về đảm bảo tính kịp thời về thời hạn công bố các loại thông tin của công ty đại chúng trên TTCK.
Thứ sáu, nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc tiếp cận và sử dụng thông tin. Mỗi nhà đầu tư có thể tìm kiếm, thông tin của công ty đại chúng trước khi quyết định đầu tư hoặc kiểm soát hoạt động đầu tư của mình qua rất nhiều các kênh phương tiện. Đồng thời, bản thân mỗi nhà đầu tư cũng cần thường xuyên tìm hiểu và cập nhật thông tin thị trường để tự bảo vệ quyền lợi ích của mình cũng như nhanh chóng tiếp cận được các thông tin mới nhất của thị trường, từ đó có quyết định đầu tư đúng đắn, hiệu quả nhất.
Hoạt động CBTT của công ty đại chúng có vị thế quan trọng trên TTCK và có ảnh hưởng rất lớn tới các chủ thể khác tham gia thị trường, đặc biệt là nhà đầu tư. Nhằm thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững, khách quan, pháp luật liên quan đến hoạt động CBTT của công ty đại chúng trên TTCK cũng cần không ngừng được hoàn thiện để phù hợp với từng giai đoạn, nhằm hướng tới xây dựng TTCK Việt Nam ngang tầm với các TTCK trong khu vực và trên thế giới.
Tài liệu tham khảo:
Nghị định số 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi và Thông tư số 73/2013/TT-BTC hướng dẫn về niêm yết chứng khoán tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán;Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2017 ngày 20/12/2017của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội;https://www.iosco.org/; http://www.ssc.gov.vn; http://www.FiLi.vn.