Hoạt động của HĐND cấp xã theo mô hình mơíBài cuối: Sớm hướng dẫn cụ thể để chủ động phát huy nhiệm vụ
Sau sáp nhập, một số vướng mắc, lúng túng trong tổ chức bộ máy và địa danh hành chính bước đầu bộc lộ; đặc biệt, việc hệ thống pháp luật chưa theo kịp mô hình tổ chức mới khiến quyền năng của HĐND cấp xã - dù đã được ghi nhận - vẫn chưa phát huy trọn vẹn; nhiều đại biểu, cử tri mong muốn sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để HĐND chủ động phát huy vai trò, nhiệm vụ.
Khi luật pháp được hoàn thiện đồng bộ với thực tiễn, HĐND cấp xã sẽ có thêm điều kiện phát huy vai trò là thiết chế đại diện của nhân dân ngay từ cơ sở.
Gỡ “nút thắt” trong thực hiện quyền giám sát
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 xác định rõ 5 hình thức giám sát HĐND các cấp được thực hiện, bao gồm: xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác; xem xét việc trả lời chất vấn; xem xét các văn bản có dấu hiệu trái luật; giám sát chuyên đề; và lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.

Cấp xã rất cần gỡ vướng mắc từ các quy định của luật để thực hiện tốt chức năng giám sát. Arnh: Bình Nguyên
Để triển khai, Luật cũng quy định Thường trực HĐND có trách nhiệm xây dựng chương trình giám sát hàng năm trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Ban của HĐND, đại biểu HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và kiến nghị cử tri; trình HĐND xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm liền trước. Chương trình giám sát này là căn cứ pháp lý để HĐND, Thường trực HĐND, các Ban và Tổ đại biểu HĐND triển khai thực hiện trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, sau khi không tổ chức chính quyền địa phương cấp huyện và sáp nhập các đơn vị hành chính, việc kế thừa hay xây dựng lại chương trình giám sát chưa có hướng dẫn điều chỉnh cụ thể; bà Nguyễn Thị Hoan, đại biểu HĐND xã Đức Thọ, Hà Tĩnh (nguyên Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Đức Thọ) băn khoăn: xã mới thành lập, HĐND khóa mới vừa được kiện toàn; thực hiện đúng luật thì phải bàn kế hoạch giám sát của năm 2026, nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể việc kế thừa các chương trình giám sát từ HĐND huyện cũ và các xã trước khi nhập; điều chỉnh thế nào, bắt đầu lại ra sao - cơ sở thực sự rất băn khoăn và mong muốn Quốc hội sớm có điều chỉnh Luật cho phù hợp.
Không chỉ khó về thủ tục, HĐND cấp xã còn gặp lúng túng về đối tượng và phạm vi giám sát; ông Lê Hồng Thái, đại biểu HĐND xã Ea Kao, tỉnh Đắk Lắk phân tích: luật năm 2015 vẫn thiết kế theo mô hình ba cấp, trong khi ở cấp xã hiện nay không còn TAND, VKSND hay cơ quan thi hành án dân sự. Các cơ quan này đã được tổ chức lại theo khu vực. Nếu thẩm quyền giám sát tiếp tục thuộc cấp tỉnh, thì việc bảo đảm thực thi pháp luật tại cơ sở sẽ thiếu sự giám sát trực tiếp. Do đó, rất cần có quy định cụ thể, phù hợp để HĐND xã có thể giám sát các cơ quan ngành dọc đang hoạt động trên địa bàn mình quản lý.
Quy định rõ lĩnh vực phụ trách của các Ban HĐND
Không chỉ HĐND và Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp xã cũng gặp nhiều lúng túng trong tổ chức hoạt động; bà Nguyễn Thùy, đại biểu HĐND xã Mai Phụ, Hà Tĩnh thẳng thắn nêu rõ: luật đã trao quyền, phân cấp, nhưng chưa hướng dẫn rõ giai đoạn chuyển tiếp; kế thừa từ HĐND cấp huyện và cấp xã trước đó hay bắt đầu lại từ đầu? Nếu làm lại thì chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách của từng ban sẽ như thế nào? Tất cả đều đang để ngỏ khiến cơ sở rất lúng túng.
Trước đây, HĐND cấp xã thành lập hai Ban: Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế, các thành viên làm việc kiêm nhiệm. Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15 đã có bước thay đổi đáng kể khi quy định HĐND xã thành lập hai ban: Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội, đồng thời không còn Ban Pháp chế. Tuy nhiên, luật lại không đi kèm quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và phạm vi phụ trách của từng Ban. Thiếu hướng dẫn chi tiết, các Ban gặp khó khăn trong triển khai hoạt động giám sát, thẩm tra - những nhiệm vụ cốt lõi để phát huy vai trò và trách nhiệm của mình.
Không chỉ vậy, các nội dung thiết yếu khác như: chương trình kỳ họp, quy trình triệu tập, thành phần khách mời… cũng chưa được quy định đầy đủ, khiến HĐND nhiều địa phương ở cấp xã không biết căn cứ vào đâu để tổ chức kỳ họp vừa đúng quy trình, vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cử tri Trần Thị Lan (Nghệ An) mong sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để HĐND xã thực hiện trọn vẹn chức trách của mình. Nên chăng có hướng mở phân quyền cho HĐND tỉnh hướng dẫn những vướng mắc nói trên cho HĐND cấp xã hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế hoạt động của HĐND các cấp, trong đó cập nhật đầy đủ các nội dung Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 trước đây đã từng đề cập.
Thực tiễn sau sắp xếp lại đơn vị hành chính đang đặt ra yêu cầu cấp thiết: hệ thống pháp luật cần được rà soát, điều chỉnh và bổ sung kịp thời để phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền hai cấp. Mọi quyền năng, cần có cơ chế thực thi hiệu quả để sớm phát huy giá trị trong đời sống. HĐND cấp xã - thiết chế dân cử gần dân nhất - chỉ có thể phát huy vai trò khi được trao cả quyền hạn rõ ràng và công cụ cụ thể để hành động. Việc hoàn thiện hệ thống luật pháp không chỉ là điều kiện cần để HĐND thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, mà còn là bước đi quyết định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị từ cơ sở.
Chỉ khi luật pháp đồng hành cùng thực tiễn, quyền lực của người dân qua HĐND mới thực sự trở thành động lực cho phát triển, vì dân và do dân.