Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước
Ngày 17-9, tại Hà Nội, Tổng LÐLÐ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ký chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động (QHLÐ). Ðồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo.
Các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Nguyễn Ðình Khang, Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam; Ðào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì hội nghị.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình đánh giá cao sự chủ động, tích cực của ba cơ quan trong việc xây dựng, tổ chức ký chương trình. Hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình QHLÐ tiếp tục có nhiều biến chuyển mới, Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đang được xem xét sửa đổi. Các giải pháp, biện pháp trong hai chương trình được các bên triển khai đồng bộ, quyết liệt sẽ giúp QHLÐ ngày càng hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần to lớn thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, ổn định chính trị, xã hội, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo điều kiện chăm lo nhiều hơn, tốt hơn cho người lao động.
Ðồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu ngay sau lễ ký, mỗi bên cần tuyên truyền, phổ biến nội dung chương trình trong toàn hệ thống, để cả hệ thống phải thống nhất nhận thức và cùng chung hành động phối hợp chương trình ở tất cả các cấp. Hằng năm, phải cụ thể hóa các nội dung trong chương trình thành các hoạt động cụ thể, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và có đánh giá kết quả, kịp thời rút kinh nghiệm quá trình triển khai.
Ðối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng chí đề nghị thực hiện quyết liệt hơn, toàn diện hơn, cần có bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội; thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các bên, đặc biệt là của người sử dụng lao động. Ðối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Tổng LÐLÐ Việt Nam cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp công đoàn; chủ động giám sát, tham gia thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm thực thi pháp luật đối với người lao động.