Hoạt động của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước
Chiều 27-12, tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động 'Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế' chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề. Diễn đàn do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hội Doanh nhân trẻ Bắc Ninh tổ chức.
Phát biểu ý kiến tại diễn đàn, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, làng nghề có vai trò to lớn trong đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa. Thời gian qua, cùng với các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế làng nghề của Ðảng, Nhà nước, sự hỗ trợ các doanh nghiệp, các làng nghề đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, áp dụng công nghệ mới để vươn lên phát triển. Hiện nay, nhiều làng nghề, ngành nghề nông thôn có quy mô còn nhỏ, các hiệp hội cần phát huy vai trò của mình giúp các thành viên nắm bắt kịp thời chính sách mới, để vận dụng phát triển hợp lý. Các cấp chính quyền cần quan tâm hơn đến các làng nghề và ngành nghề nông thôn, bảo đảm sự phát triển bền vững bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể. Ðể có cơ chế, chính sách phù hợp, cần phân biệt rõ phạm trù làng nghề truyền thống và ngành nghề nông thôn, tránh nhầm lẫn dẫn đến sự bất cập khi thực thi trong thực tế. Các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân, các bộ, ban, ngành tại diễn đàn sẽ được Ban Kinh tế T.Ư tiếp thu và tổng hợp, báo cáo, tham mưu giúp Ðảng, Nhà nước có chính sách mới đúng, sát với thực tế hơn. Ðại diện doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý cần tiếp tục tích cực hiến kế, đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cụ thể giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho làng nghề phát triển.
Sáng 27-12, tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, các đồng chí: Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam dự lễ khánh thành Nhà máy Sản xuất máy biến áp truyền tải 220 - 500 kV do Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư.
Dự án Nhà máy Sản xuất máy biến áp truyền tải 220 - 500 kV, công suất 450 MVA do Tập đoàn Hanaka làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2009 với tổng mức vốn đầu tư 1.081 tỷ đồng được áp dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến từ Ðức, I-ta-li-a, Nhật Bản; gồm năm phân xưởng: phân xưởng chế tạo dây điện từ, phân xưởng chế tạo 4 dây cách điện, phân xưởng gia công cơ khí, phân xưởng lắp ráp và phân xưởng thử nghiệm. Dự kiến, khi đi vào vận hành, nhà máy sẽ cung cấp ra các sản phẩm máy biến áp 110 kV, 220 kV, 500 kV phục vụ cho các nhà máy điện nguyên tử, điện hạt nhân, điện gió, thủy điện, nhiệt điện, nhà máy cung cấp điện năng lượng mặt trời, điện thông minh… góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Sáng 27-12, tại Hà Nội, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia chủ trì cuộc họp thường kỳ quý IV năm 2019 của Hội đồng, nhằm tổng kết những kết quả về điều hành vĩ mô, kinh tế năm 2019 và định hướng năm 2020.
Tại cuộc họp, đồng tình với đánh giá của các thành viên Hội đồng, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ nhấn mạnh kết quả tích cực của năm 2019 không phải chỉ đến từ các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế những năm gần đây mà còn bắt nguồn từ thành quả của 30 năm đổi mới. Trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 mà Quốc hội giao, trong đó GDP tăng khoảng 6,8%, chỉ số lạm phát CPI kiểm soát dưới 4%, Phó Thủ tướng cho biết, Hội đồng sẽ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó có ba trọng tâm: Ðầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, đặc biệt cần là năm “cơ cấu lại” ý thức công vụ trong phối hợp công tác và phục vụ doanh nghiệp. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ nhằm đạt mục tiêu Quốc hội giao; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm khả thi; củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển ứng dụng khoa học -
công nghệ…
Chiều 27-12, tại Hà Nội, Cục Tổ chức cán bộ - Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai chương trình công tác năm 2020. Ðại tướng TÔ LÂM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an dự.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương cán bộ, chiến sĩ Cục Tổ chức cán bộ đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được nhiều thành tích trong năm 2019; khẳng định sự đóng góp quan trọng của đơn vị trong thành tích chung của lực lượng Công an nhân dân.
Ðồng chí Tô Lâm đề nghị Cục Tổ chức cán bộ cần tích cực thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Ðảng về công tác cán bộ, các phương châm hành động trọng tâm, đột phá của năm 2020 và chương trình kế hoạch công tác của Cục...
Bộ trưởng lưu ý Cục Tổ chức cán bộ việc tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chăm lo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ; chú trọng công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền ngay trong lực lượng Công an nhân dân. Bên cạnh đó, cần chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ có năng lực, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có tư duy và phong cách làm việc khoa học, công tâm, khách quan, thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, xứng đáng với phẩm chất của người làm công tác tổ chức cán bộ trong Công an nhân dân.
Ngày 27-12, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt TP Bảo Lộc (Lâm Ðồng), về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Bảo Lộc thời gian qua. Ðồng thời thông tin một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, công tác giảm nghèo bền vững và chăm lo đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác xây dựng đảng và đối ngoại của Ðảng, Nhà nước; qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phó Chủ tịch nước tin tưởng, với tiềm năng và thế mạnh của địa phương cùng sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, TP Bảo Lộc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Ngày 27-12, đồng chí Trịnh Ðình Dũng, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT).
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng cho rằng, năm qua, ngành TN và MT đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ngành TN và MT còn đứng trước nhiều bất cập, thách thức, do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN và MT hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật bảo đảm đồng bộ, minh bạch; sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai, đổi mới phương pháp định giá đất; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư, tích tụ, tập trung ruộng đất; giải quyết căn bản tình trạng lãng phí, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai. Kiểm kê, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước, từ đó đề xuất giải pháp tổng thể để tăng cường khả năng trữ nước, ưu tiên vùng thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn. Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Phối hợp chặt chẽ các địa phương ngăn chặn khai thác cát, chống sạt lở bờ sông, ven biển.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường đòi hỏi phải hành động để tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, bảo vệ đối với môi trường. Bởi vậy, Bộ TN và MT cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhà sản xuất, người gây ô nhiễm; thiết lập cơ chế sàng lọc dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phòng ngừa, giảm bớt, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; bảo vệ các khu vực nhạy cảm về môi trường; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi đô thị và khu dân cư. Khuyến khích việc tái chế, tái sử dụng chất thải, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi dần cơ cấu sử dụng năng lượng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường bằng công nghệ giám sát tự động.