Hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Chiều 9-8, tại tỉnh Ðác Nông, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả hơn ba năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11.

Chiều 9-8, tại tỉnh Ðác Nông, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, cùng đoàn công tác có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả hơn ba năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Ðác Nông sau hơn ba năm thực hiện các nghị quyết. Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; giữ vững quốc phòng an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Ðồng chí chia sẻ với những khó khăn, thách thức của Ðác Nông hiện nay và gợi mở một số vấn đề đối với tỉnh. Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, độ che phủ rừng của địa phương phải từng bước được cải thiện và nâng cao. Về công tác xây dựng Ðảng, Ðác Nông cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ðồng thời, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; từ đó ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Ðảng.

* Sáng 9-8, tại Hà Nội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư có buổi làm việc với các đơn vị, địa phương liên quan về công tác chuẩn bị, tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận Ðài Truyền hình Việt Nam và đại diện lãnh đạo các địa phương, ban, bộ, ngành, đã có nhiều ý kiến quan trọng đóng góp vào nội dung của kịch bản cầu truyền hình trực tiếp. Ðồng chí lưu ý các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực và chủ động hỗ trợ lẫn nhau để tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị, bảo đảm đầy đủ những điều kiện cần thiết, đáp ứng hiệu quả nhất và toàn diện về mọi mặt cho buổi truyền hình trực tiếp, có ý nghĩa trọng đại của đất nước diễn ra thành công.

* Ngày 9-8, Ðại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an cùng đoàn công tác làm việc với tỉnh Quảng Ninh về kết quả công tác phối hợp, chỉ đạo công tác bảo đảm ANTT kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; công tác xây dựng Ðảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân Quảng Ninh chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Ðại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, thời gian qua Ðảng ủy Công an T.Ư và tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên có sự phối hợp, trao đổi để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Riêng tỉnh Quảng Ninh cũng đã dành sự quan tâm, tập trung, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp tỉnh đến các cấp ủy, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân để làm tốt nhiệm vụ bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Bộ trưởng đề nghị Quảng Ninh tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phòng ngừa tội phạm ngay từ cơ sở; xây dựng lực lượng công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; quan tâm đầu tư, trang bị cho lực lượng công an cấp xã; đồng thời yêu cầu Công an tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn và đối tượng trọng điểm; nhất là phải thực hiện tốt công tác quản lý người nước ngoài, làm tốt công tác nắm hộ, nắm người, nắm địa bàn và kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc từ khi mới phát sinh.

* Sáng 9-8, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi làm việc với Cục Thống kê TP Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảy tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm năm tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo.

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải ghi nhận, biểu dương kết quả, đóng góp của ngành thống kê đối với sự phát triển của thành phố. Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, Cục Thống kê TP Hà Nội đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng Ðảng, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của T.Ư, của thành phố; chú trọng xây dựng tập thể đoàn kết, trách nhiệm. Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh, Cục Thống kê TP Hà Nội cần nâng cao hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các sở, ban, ngành. Ðồng thời làm tốt công tác dự báo tình hình, số liệu ước tính phải sát với thực tế, phân tích đánh giá số liệu chuyên sâu phục vụ thiết thực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước. Ðồng chí yêu cầu các cấp, ngành của thành phố chủ động phối hợp Cục Thống kê TP Hà Nội, nhất là về việc chia sẻ thông tin, cung cấp số liệu kịp thời, chính xác cho các cuộc điều tra. Sở Kế hoạch và Ðầu tư cần chủ trì tham mưu xây dựng văn bản quy định ràng buộc trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương với từng loại số liệu liên quan nhiệm vụ thống kê.

* Ngày 9-8, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh làm việc với Sở Xây dựng thành phố về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn. Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, trong bối cảnh thành phố thực hiện đề án đô thị thông minh, Sở Xây dựng cần có sự chủ động với các tình huống phát sinh. Từ nay đến cuối năm, Sở tập trung vào các giải pháp kéo giảm tỷ lệ nhà bán kiên cố, nâng cao tỷ lệ nhà kiên cố. Trong thực hiện quy hoạch, Sở cần bổ sung các công trình kiến trúc xanh vì hiện nay tỷ lệ cây xanh tại thành phố còn thấp. Vấn đề phát triển các tòa nhà cao tầng để tạo điểm nhấn cho thành phố là cần thiết, tuy nhiên phải có định hướng và quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm sự hài hòa, đồng bộ. Quá trình xây dựng các công trình cao tầng cần có sự tích hợp với các công trình cầu, đường để tăng mỹ quan đô thị.

* Ngày 9-8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước”. Ðến dự, có các đồng chí Bí thư T.Ư Ðảng: NGUYỄN HÒA BÌNH, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; NGUYỄN XUÂN THẮNG, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí UÔNG CHU LƯU, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đông đảo các nhà khoa học.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, sau hơn 30 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, tư duy pháp lý Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng thể hiện như một chỉnh thể thống nhất, thông qua các lĩnh vực cụ thể cơ bản, đó là: kết quả đổi mới tư duy pháp lý về xã hội, con người, quyền con người, quyền công dân; về quyền lực chính trị; về nghiên cứu, giáo dục và đào tạo pháp luật; về luật chuyên ngành, liên ngành; hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và dân chủ, dân chủ hóa.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi bốn nội dung chính, gồm: đổi mới tư duy pháp lý về xã hội, quyền lực chính trị, quyền con người, dân chủ; đổi mới tư duy về phát triển nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới tư duy về phát triển pháp luật; đổi mới tư duy về nghiên cứu và đào tạo pháp luật. Những ý kiến, đề xuất tại hội thảo sẽ cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: Ðứng trước thời đại mới thì tư duy pháp lý cũng phải thay đổi, cần tiếp thu có chọn lọc tư duy pháp lý của quốc tế phù hợp với điều kiện của Việt Nam và yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội trong tương lai.

* Ngày 9-8, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam làm việc với hiệu trưởng các trường đại học sư phạm, trường có đào tạo ngành sư phạm ở TP Hồ Chí Minh.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam khẳng định, trách nhiệm bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành giáo dục là của Nhà nước. Nguồn ngân sách dành cho đào tạo sư phạm cần sử dụng hiệu quả hơn theo cơ chế “đặt hàng”, kết hợp các chính sách học bổng đa dạng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu giáo viên của mỗi địa phương. Ngân sách địa phương bảo đảm bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên trên địa bàn. Ðể nâng cao chất lượng đào tạo, các trường sư phạm lớn phải mở ra, hợp tác, liên kết đào tạo không chỉ sinh viên sư phạm mà đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các ngành khác, ở trường khác và gắn với đẩy mạnh tự chủ. Cần hình thành nhóm trường sư phạm lớn, làm hạt nhân, xây dựng chương trình, hỗ trợ, hướng dẫn các trường sư phạm địa phương trong bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên trên địa bàn. Cùng với đó, phát triển mạng lưới trường phổ thông thực hành rộng khắp, trước hết ở các trường sư phạm địa phương.

* Chiều 9-8, tại Nhà Quốc hội, Ðoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014 - 2018 họp phiên thứ ba, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội ÐỖ BÁ TỴ, Trưởng đoàn Giám sát dự.

Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ, thời gian qua, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về PCCC của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương đã đúng trình tự, thủ tục, cơ bản đúng thẩm quyền về nội dung và hình thức, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu công tác PCCC. Tuy nhiên, việc rà soát, bổ sung, chỉnh sửa hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, nhất là các văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn điều chỉnh đối với một số loại hình cơ sở mới xuất hiện như: chung cư mi-ni, nhà ở chuyển đổi công năng, khách sạn, văn phòng cho thuê, quán ka-ra-ô-kê, nhà dân kết hợp để ở và sản xuất, kinh doanh xen cài trong khu dân cư, nhà máy lọc hóa dầu, công trình nhiều tầng hầm, hầm đường bộ, hầm đường sắt,...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo cần rà soát lại kiến nghị theo đúng chức năng và chủ thể, để bảo đảm tính khả thi. Trong lần trình Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây, Ðoàn giám sát sẽ trình chiếu vi-đê-ô clíp minh họa cho báo cáo bằng văn bản, vi-đê-ô clíp phải ngắn gọn, bổ sung nhiều lời bình và những yếu kém, hạn chế trong công tác PCCC, bám sát nội dung của báo cáo bằng văn bản. Do đó, đề nghị Tổ giúp việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chỉnh sửa báo cáo và vi-đê-ô clíp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36 tới.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41164102-hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc.html