Hoạt động của Quốc hội được đổi mới, đi vào đúng và trúng vấn đề nhân dân quan tâm
Sáng 26-3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười một, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Quang cảnh phiên thảo luận sáng 26-3.
Cầu nối hiệu quả giữa Nhà nước và nhân dân
Phát biểu tại nghị trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đồng thời khẳng định, nhìn lại chặng đường 5 năm, Quốc hội khóa XIV đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn Hà Nội) nhận định, khóa XIV là nhiệm kỳ Quốc hội thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Tôi đặc biệt quan tâm và tâm đắc với việc dự thảo báo cáo đã thẳng thắn, khách quan khi chỉ ra những việc chưa làm được cũng như những hạn chế cần khắc phục…”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội).
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) khẳng định, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã góp phần cốt yếu để tạo nên sự đoàn kết thật sự, đồng lòng sâu sắc và một khối thống nhất cao giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thông qua các hoạt động, Quốc hội đã thể chế hóa được đường lối sáng suốt của Đảng, tham gia giám sát được hoạt động của Chính phủ và là cầu nối hiệu quả giữa nhân dân và Nhà nước. “Nhân dân tin tưởng và yên lòng với sự đoàn kết, thống nhất một khối này”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cho rằng, Quốc hội khóa XIV đã có những bước tiến vượt bậc về sự dân chủ qua đổi mới, nâng cấp, tăng thêm sự dân chủ trong hoạt động bầu cử, lập pháp, giám sát…
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) nhận định, nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã thể chế hóa kịp thời đường lối đổi mới, quan điểm, chính sách của Đảng và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình lập pháp. Bên cạnh đó, Quốc hội đã đáp ứng, giải quyết kịp thời những vướng mắc mà thực tiễn đời sống, xã hội đặt ra.
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum).
Quốc hội cũng tiếp tục hoàn thiện các vấn đề về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp, hình sự. “Những quy định pháp lý đó không chỉ tương thích với luật pháp quốc tế mà còn phù hợp với thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ta cũng như điều kiện thực tiễn của đất nước. Thể chế pháp lý đó cũng là kênh quan trọng trong việc trả lời và chứng minh cho cộng đồng quốc tế rằng, Việt Nam đã, đang giải quyết tốt vấn đề dân chủ, nhân quyền; ở Việt Nam, quyền con người, quyền công dân luôn được bảo vệ”, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Đoàn Hải Dương) đánh giá, đây có thể nói là nhiệm kỳ ban hành nhiều luật, nghị quyết nhất trong các nhiệm kỳ Quốc hội. Các luật đều có chất lượng, phù hợp với tình hình đất nước. Nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, kịp thời, tháo gỡ đúng điểm nghẽn, tạo hành lang pháp lý cho phát triển. “Hoạt động giám sát đã đi vào đúng và trúng vấn đề nhân dân quan tâm. Hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn đã thể hiện trách nhiệm của người hỏi và người trả lời”, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng đánh giá.
Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu cũng đóng góp những ý kiến thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng chính sách, pháp luật của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang).
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) đặt vấn đề liêm chính trong xây dựng pháp luật. Nếu thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra sẽ tạo ra những dự án luật nhiều “khuyết tật”. “Thứ nhất, đó là chồng chéo với các dự án luật mà Quốc hội khóa trước đã dày công để nghiên cứu, ban hành. Thứ hai là dự luật đó sẽ trở thành công cụ của cơ quan soạn thảo hoặc hiện thực hóa lợi ích của bộ, ngành mình hoặc xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để chiếm quyền của bộ, ngành đó. Thứ ba là “vòng đời” rất ngắn, kéo theo Quốc hội và Chính phủ phải mất thời gian, kinh phí để xây dựng các dự án luật thay thế”, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.
Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) nêu vấn đề chất lượng các đạo luật được thông qua. Xuất phát từ hiểm họa của cái gọi là “tham nhũng chính sách”, đại biểu cho rằng, cần đề cao chất lượng của khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các đạo luật. Cùng với đó là đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu tác động trực tiếp của chính sách; nâng cao hoạt động thẩm tra dự án luật từ khâu soạn thảo.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội).
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng cho rằng, cần đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình "cài cắm" những quy định để trục lợi cá nhân. Đồng thời, cần sớm hoàn tất quá trình trao đổi số, giúp minh bạch hóa tất cả quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí không chính thức.
Còn đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, đối ngoại cũng là một trong những hoạt động nổi bật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Quốc hội đã phát huy cao độ vai trò quan trọng của đối ngoại nghị viện, đóng góp vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Đoàn Hà Nội) đề nghị tiếp tục đẩy nhanh quá trình xây dựng Quốc hội điện tử, tiến tới Quốc hội số, qua đó có sự trao đổi thường xuyên giữa đại biểu với đại biểu; giữa đại biểu với các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội; giữa các cơ quan Quốc hội với các cơ quan Chính phủ... “Có như vậy, Quốc hội mới thực sự cải cách và thực hiện chức năng một cách nhanh chóng, khoa học, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao nhất”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nói.
Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 25 lượt đại biểu phát biểu thảo luận với sự thẳng thắn, trách nhiệm. Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự thống nhất cao với dự thảo báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội và các báo cáo khác. Chủ tịch Quốc hội giao các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, thể hiện đầy đủ trong Nghị quyết của Quốc hội về nội dung tổng kết nhiệm kỳ.