Hoạt động của Quốc hội, HĐND không thể thiếu vai trò của báo chí, đặc biệt là Báo Đại biểu Nhân dân

TS. TRẦN DU LỊCH - ĐBQH Khóa IX, XII, XIII. Trước hết, tôi xin chúc mừng Báo Đại biểu Nhân dân khi tổ chức Hội nghị cộng tác viên toàn quốc lần thứ 17 với sự tham dự của hơn 600 cộng tác viên thân thiết. Với tư cách là một bạn đọc cũng như cộng tác viên nhiều năm với Báo Đại biểu Nhân dân, tôi cho rằng đây là dịp để các cộng tác viên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Hội nghị cộng tác viên toàn quốc của Báo Đại biểu Nhân dân là một sáng kiến rất hay và hiệu quả để tập hợp trí tuệ của các cộng tác viên là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, các chuyên gia từ nhiều ngành, lĩnh vực, tạo được khối lượng thông tin đa dạng, giúp phát huy vai trò của báo chí. Trong đó, với Báo Đại biểu Nhân dân là thực hiện việc kết nối giữa Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến với các ngành, các cấp và đời sống của cử tri.

Tôi cho rằng, đầu tư để thu hút cộng tác viên là cách đầu tư ít tốn kém nhất và hiệu quả nhất. Đối với hoạt động của Quốc hội hay Hội đồng nhân dân, nếu thiếu đi vai trò quan trọng của báo chí thì rõ ràng sẽ thiếu đi một kênh có hiệu quả rất lớn trong việc chuyển tải các chính sách, pháp luật từ cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đến với Nhân dân. Và, cũng thông qua báo chí mới có thể chuyển tải được ý kiến của cử tri, người dân, thực tiễn sinh động của cuộc sống đến với các diễn đàn và nghị trường Quốc hội, đến với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Qua theo dõi, tôi nhận thấy, thời gian vừa qua Báo Đại biểu Nhân dân đã không ngừng cải thiện, nâng cao cả về chất lượng, nội dung và phương thức hoạt động. Báo cũng thường xuyên tổ chức các tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia góp ý vào các dự thảo luật và những vấn đề quan trọng của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Để Báo Đại biểu Nhân dân ngày càng nâng cao chất lượng, thực hiện tốt hơn tôn chỉ, mục đích “là tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri”, tôi cho rằng, bên cạnh nâng cấp báo điện tử, báo giấy cũng cần tiếp tục cải tiến tốt hơn, tạo sự hấp dẫn hơn về hình thức nhằm thu hút bạn đọc.

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh

Về nội dung, tôi đề nghị, các thông tin nên cô đọng hơn, dành "đất" nhiều hơn cho các chuyên mục có tính chính luận, tính phân tích, tính nghiên cứu và đặc biệt là tính tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Bên cạnh đó, Báo có thể mở thêm nhiều chuyên mục mới. Đơn cử, mỗi khi Quốc hội ban hành luật mới, chính sách mới thì cần có những bài bình luận, phân tích để đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Đây cũng chính là phản biện xã hội đối với các luật, chính sách được Quốc hội ban hành. Báo Đại biểu Nhân dân phải là “nơi chuyển tải” thông tin hai chiều như vậy thông qua các chuyên mục.

Trong điều kiện nước ta không ngừng hội nhập quốc tế, bên cạnh nhiều nội dung phân tích hoạt động về đối ngoại, quốc tế, nghị viện các nước…, Báo Đại biểu Nhân dân cần có thêm những bài viết về quá trình hội nhập của đất nước, góp phần tuyên truyền, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài ra, Báo Đại biểu Nhân dân cũng có thể khai thác sâu hơn, nhiều hơn về mảng kinh tế, đặc biệt là phân tích những chính sách liên quan đến kinh tế mà Quốc hội ban hành thông qua các nghị quyết trong các kỳ họp.

Tôi tin tưởng, Báo Đại biểu Nhân dân sẽ ngày càng phát huy vai trò là "Tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri", tiếp tục thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao vị thế của mình, tạo được sự lan tỏa và tác động xã hội như kỳ vọng của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Minh Trang ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/theo-dong-su-kien/hoat-dong-cua-quoc-hoi-hdnd-khong-the-thieu-vai-tro-cua-bao-chi-dac-biet-la-bao-dai-bieu-nhan-dan-i383570/