Hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng gặp khó vì chưa có hướng dẫn

Một số ngân hàng đã tạm dừng triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm từ ngày 1.7, thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực, do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ngân hàng được làm đại lý bảo hiểm

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1.7.2024 được kỳ vọng góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về tổ chức hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành

Đáng chú ý, Luật có hai quy định liên quan đến hoạt động của các ngân hàng trong lĩnh vực bảo hiểm.

Bà Bùi Thị Thanh Xuân, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Bảo hiểm VietinBank (VBI), cho biết, Điều 113 quy định: Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, hoạt động đại lý bảo hiểm bao gồm: tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm; thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm; thu phí bảo hiểm; thu thập hồ sơ để phục vụ việc giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

Như vậy có nghĩa các ngân hàng thương mại vẫn được triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm..., bà Bùi Thị Thanh Xuân khẳng định. Phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng thương mại sẽ do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định để phù hợp với tính chất và hoạt động của lĩnh vực ngân hàng.

10 năm qua, 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo hiểm Agribank, Bảo hiểm VietinBank, Bảo hiểm BIDV đã chi trả hơn 20 nghìn tỷ đồng bảo hiểm cho khách hàng

10 năm qua, 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo hiểm Agribank, Bảo hiểm VietinBank, Bảo hiểm BIDV đã chi trả hơn 20 nghìn tỷ đồng bảo hiểm cho khách hàng

Chưa có cách hiểu thống nhất về hành vi bị cấm

Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cấm “tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng thương mại, vướng mắc lớn nhất là ở chỗ Luật đã có hiệu lực nhưng cho đến nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất, cụ thể và chính xác về khoản 5 Điều 15 này.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) nhận xét, quy định này tạo ra các cách hiểu không đồng nhất giữa người đọc và các bên thực hiện.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra như: Thế nào là “sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc”? Thế nào là “gắn” việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ? “Mọi hình thức” ở đây là gì, có bao gồm hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm không?...

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc ABIC, cho biết "đã hỏi các chuyên gia luật, đã thảo luận với nhau để xác định thế nào là “gắn” kèm sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc nhưng không ai đưa ra được câu trả lời thỏa mãn được tất cả".

Được biết, gần đây Hiệp hội Ngân hàng đã có cuộc họp với hơn 20 ngân hàng, và liên quan đến Khoản 5 Điều 15 thì mỗi ngân hàng đang hiểu theo một ý khác nhau.

Thực tế, việc chưa có Thông tư hướng dẫn về hoạt động đại lý bảo hiểm của các ngân hàng và hành vi bị cấm nói trên chưa được làm rõ (dù Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã có hiệu lực) khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng bị chững lại.

“Hiện nay, một số ngân hàng đã thận trọng tạm dừng các hoạt động đại lý bảo hiểm để chờ các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng”, bà Lê Thị Quỳnh Hoa, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm VietinBank, xác nhận.

“Điều này ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi khá nhiều. Chúng tôi đang mong chờ các Thông tư, Nghị định hướng dẫn về nội dung này để triển khai thực hiện", Tổng giám đốc ABIC Nguyễn Hồng Phong cho biết.

Theo Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm VietinBank Lê Thị Quỳnh Hoa, một số khái niệm tại khoản 5 Điều 15 cần được làm rõ để các công ty bảo hiểm, các ngân hàng thương mại thống nhất cách hiểu và yên tâm triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm.

Ví dụ, liên quan đến khái niệm “sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc”, bà Hoa cho biết, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, sản phẩm bảo hiểm bắt buộc chỉ gồm: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, với hoạt động tín dụng của ngân hàng, để bảo đảm an toàn hoạt động, trên thế giới và ở Việt Nam đều đang quy định: tất cả tài sản bảo đảm thế chấp tại ngân hàng đều phải được tham gia bảo hiểm… Ở góc độ này, đây lại là một sản phẩm bảo hiểm bắt buộc. Vậy các sản phẩm bảo hiểm này có thuộc phạm vi điều chỉnh của khoản 5 Điều 15 hay không?

“Chúng tôi mong muốn sớm có các văn bản hướng dẫn để chúng tôi hiểu rằng tất cả sản phẩm mang tính bảo vệ an toàn cho nguồn vốn vay của ngân hàng đều được phép triển khai bình thường”, bà Hoa đề xuất.

Tương tự, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc Công ty CP Bảo hiểm BIDV (BIC) đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng; đồng thời, làm rõ hành vi bị cấm nêu trên để các doanh nghiệp triển khai, thực hiện; cống hiến nhiều hơn cho xã hội, bảo vệ tốt hơn dòng vốn của các tổ chức tín dụng với nền kinh tế.

Ông An cũng lo ngại rằng, tiến trình này nếu chậm trễ thì không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp và thị trường bảo hiểm mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

Đại diện Agribank chi trả quyền lợi cho khách hàng là chị Lê Thị Thương - vợ của khách hàng Vũ Văn Khải, người không may mắc bệnh hiểm nghèo tại Vân Đồn, Quảng Ninh

Đại diện Agribank chi trả quyền lợi cho khách hàng là chị Lê Thị Thương - vợ của khách hàng Vũ Văn Khải, người không may mắc bệnh hiểm nghèo tại Vân Đồn, Quảng Ninh

Hệ lụy đến khách hàng

Nỗi lo ảnh hưởng đến khách hàng của ông An là có cơ sở, nhất là với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, là loại hình bảo hiểm cho những thiệt hại về tài sản và những tổn thất khác hoặc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba.

Đơn cử, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính - là bảo hiểm bảo đảm cho những khoản vay tại ngân hàng khi không may gặp rủi ro bất ngờ mà không trả được nợ - là một sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ.

Hiện nay ABIC hiện cung cấp sản phẩm bảo hiểm đến gần 3 triệu khách hàng là cá nhân và tổ chức sử dụng dịch vụ của Agribank. Trong đó riêng sản phẩm Bảo an tín dụng có gần 2 triệu khách hàng tham gia.

Năm 2023, hơn 11.000 khách hàng đã được ABIC chi trả quyền lợi bảo hiểm với số tiền bồi thường tương ứng là 509 tỷ đồng. Lũy kết từ năm 2007 - 2023 số tiền bồi thường lên đến gần 6.000 tỷ đồng.

Tính chung 10 năm qua, 3 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là Bảo hiểm Agribank, Bảo hiểm VietinBank, Bảo hiểm BIDV đã chi trả hơn 20 nghìn tỷ đồng bảo hiểm cho những khách hàng có khoản vay tại 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khi gặp bất trắc.

Nếu không có khoản tiền bảo hiểm bồi thường, hàng chục nghìn tỷ đồng này nguy cơ rơi vào nợ xấu, tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng và là gánh nặng lớn cho khách hàng, nhất là người nông dân.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/hoat-dong-dai-ly-bao-hiem-cua-ngan-hang-gap-kho-vi-chua-co-huong-dan-i377566/