Hoạt động giám định pháp y tâm thần: Không thể để kẻ phạm tội lợi dụng
Mới đây, Công an TP Hà Nội cho biết về kết quả điều tra vụ án làm giả bệnh án tâm thần để trốn tránh việc xử lý, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Thông tin này khiến dư luận xôn xao bởi công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một hoạt động bổ trợ tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần là một nguồn chứng cứ trong giải quyết vụ án nhưng đã có kẽ hở để tội phạm lợi dụng để 'chạy' tội.
Bỏ 85 triệu đồng “mua” hồ sơ bệnh án tâm thần
Vụ việc được cơ quan điều tra (CQĐT) phát hiện cách đây khoảng 2 tháng khi Lê Thành Tùng (đối tượng cầm đầu băng nhóm gây ra vụ án cố ý gây thương tích), xuất trình bệnh án tâm thần. Qua xác minh, CQĐT làm rõ bệnh án này là giả. Tùng đã bỏ ra 85 triệu đồng để có được hồ sơ bệnh án tâm thần phân liệt thể hoang tưởng.
Sau đó, CQĐT phát hiện có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả (có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ) nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 cán bộ, nhân viên bệnh viện tâm thần để điều tra.
Liên quan đến vụ việc, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với lãnh đạo một số bệnh viện tâm thần trên địa bàn TP Hà Nội. GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. Đề nghị các cơ quan tư pháp xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, tránh oan sai.
Cùng với đó, Bộ yêu cầu các cục, vụ, đơn vị liên quan, các bệnh viện chuyên ngành tâm thần rà soát quy trình, thủ tục chuyên môn liên quan đến chẩn đoán, giám định bệnh án tâm thần.
Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng trước công việc hàng ngày, trước mỗi ca giám định, không để vật chất hoặc các mối quan hệ cá nhân làm ảnh hưởng đến kết luận giám định. Những trường hợp khó kết luận, các tổ chức hội chẩn để đưa ra kết luận đúng đắn, chính xác.
Quy trình chặt chẽ sao vẫn “chạy” bệnh án?
Công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Vì thế, quy trình để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần đòi hỏi phải được tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt.
Theo TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không cần phải tuân thủ theo một quy trình rất nghiêm ngặt của Hội đồng giám định y khoa. Hội đồng chuyên môn là những người có năng lực chuyên môn cao của bệnh viện tham gia vào hội chẩn, khám lâm sàng để tăng chất lượng chẩn đoán bệnh nhân có bị tâm thần hay không. Đối với các trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự sẽ phải thực hiện giám định thông qua Hội đồng pháp y.
Theo Thông tư 18/2015/TT-BYT về quy trình giám định pháp y tâm thần, người giám định pháp y tâm thần là bác sỹ chuyên ngành tâm thần, đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm là giám định viên pháp y tâm thần hoặc là người giám định pháp y tâm thần theo vụ việc (gọi chung là giám định viên). Mỗi trường hợp giám định pháp y tâm thần thông thường có 03 giám định viên tham gia.
Trường hợp phức tạp, có khó khăn trong việc xác định bệnh cũng như đánh giá năng lực hành vi thì có thể có 05 giám định viên tham gia. Trường hợp giám định lại lần thứ hai, có tính chất phức tạp, có sự tham gia của nhiều chuyên khoa khác nhau thì có thể mời thêm chuyên gia về giám định pháp y tâm thần, nhưng tổng số không quá 09 người/01 ca giám định.
Theo quy định của pháp luật giám định tư pháp có 2 hình thức: giám định cá nhân và giám định tập thể. Việc yêu cầu hình thức giám định nào cho đối tượng sẽ phụ thuộc vào cơ quan tố tụng. Cá nhân giám định viên phải chịu trách nhiệm từ đầu tới cuối. Còn nếu trưng cầu tổ chức giám định thì tổ chức sẽ phân công giám định viên thực hiện và hội đồng đó phải chịu trách nhiệm nếu cùng một quyết định.
TS Ngô Văn Vinh - Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương cho hay cần phải phân định rõ ràng bệnh án tâm thần và bản kết luận giám định pháp y tâm thần. Kết luận giám định pháp y tâm thần là đánh giá, kết luận của cơ quan chuyên môn sau khi thực hiện trưng cầu giám định, còn bệnh án tâm thần là hồ sơ điều trị của bệnh nhân do cơ sở y tế xác lập để theo dõi.
Cơ quan giám định có quyền từ chối giám định cho đối tượng trong trường hợp không đủ thời gian, không đủ tài liệu, không đủ điều kiện (cơ sở vật chất). Khi thực hiện giám định tư pháp theo quy định tố tụng hình sự cá nhân, các giám định tham gia nếu cố ý làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài ra, theo TS Vinh, công tác giám định tâm thần gặp những khó khăn nhất định như bệnh nhân giả bệnh hoặc giả tăng triệu chứng nên giám định viên cần phải thu thập tài liệu, hồ sơ, chứng cứ của đối tượng. phải cảnh giác trước những “chiêu trò” giả mắc bệnh để trốn tránh trách nhiệm trước pháp luật của một số người.
Ổn định mô hình để nâng cao chất lượng giám định
Khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác giám định pháp y, pháp y tâm thần nhưng Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng thông tin, vừa qua Bộ Y tế nhận được phản ánh của một số tỉnh đang có chủ trương sáp nhập Trung tâm pháp y (TTPY) tỉnh vào Bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc sáp nhập TTPY với Trung tâm giám định y khoa tỉnh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, thực hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012, đến nay đã có 60/63 tỉnh, thành phố đã thành lập TTPY tỉnh (có con dấu và tài khoản riêng). Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp đã quy định TTPY cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động theo quy định của Luật Giám định tư pháp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nhằm tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Chính phủ đã triển khai thực hiện Đề án 258 về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp giai đoạn I. Tiếp theo, ngày 28/2/2018, Chính phủ ban hành Quyết định số 250/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Hệ thống Trung tâm giám định pháp y đang dần ổn định và hoạt động đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tố tụng.
Tuy nhiên, việc sáp nhập nói trên có thể gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và đời sống của các bác sĩ, giám định viên. Bởi vậy, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của TTPY tỉnh đã được quy định tại Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, đồng thời tránh được những vụ việc đáng tiếc như tại Hà Nội, Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền duy trì hệ thống tổ chức giám định pháp y được ổn định và phát triển theo mô hình đã được quy định tại Luật Giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng, nhất là về chất lượng các kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần, không để lọt người, lọt tội.