Hoạt động giám sát, phản biện ngày càng thực chất
Tháng 6/2018, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tại đây, người dân phản ánh việc xin cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thổ cư từ năm 2008 nhưng vẫn chưa được giải quyết, gây khó khăn trong việc thế chấp vay vốn sản xuất, kinh doanh; việc cấp sổ bìa đỏ đối với các loại đất không phải đất thổ cư còn nhầm thửa, chồng chéo, dẫn đến người dân kiện tụng kéo dài, không được xử lý thỏa đáng...
Trước ý kiến của người dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Văn Bàn giải quyết dứt điểm và ngày 13/6/2018, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND huyện Văn Bàn. Chỉ 1 tháng sau, toàn bộ 1.532 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bao gồm cấp mới, cấp lại, cấp đổi) ở xã Thẳm Dương đã được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Văn Bàn bàn giao cho UBND xã Thẳm Dương tổ chức trao trả cho người dân.
Nguyện vọng của người dân xã Thẳm Dương được giải quyết sau 10 năm chờ đợi là minh chứng cụ thể về hiệu quả từ hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân mà MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp thực hiện trong thời gian vừa qua. Số cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân ngày càng tăng, năm 2016, toàn tỉnh tổ chức 24/90 cuộc; năm 2017, tổ chức 79/90 cuộc (đạt 87,7% mục tiêu Đề án 15 về “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”), năm 2018 tăng lên 173/90 cuộc (vượt 92% so với mục tiêu Đề án 15). Quan trọng hơn, thông qua hoạt động tiếp xúc, đối thoại, nhiều vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc đã được chuyển đến các ngành, các cấp xem xét giải quyết kịp thời, góp phần ổn định an ninh chính trị ở địa phương, mang lại niềm tin của nhân dân với Đảng, với chính quyền các cấp.
Sau khi Tỉnh ủy ban hành Đề án số 15, là cơ quan chủ trì, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hiệp thương, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh về nội dung, chương trình, kế hoạch thực hiện từng năm, đồng thời, hướng dẫn ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và tham mưu cho cấp ủy cùng cấp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án. Với sự chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh, công tác giám sát, phản biện xã hội và tiếp xúc, đối thoại với nhân dân ngày càng đi vào thực chất, đạt được nhiều kết quả, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Trong 3 năm qua, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã thực hiện 138 cuộc giám sát, 8 hội nghị phản biện. Riêng cấp xã, năm 2017 và 2018 thực hiện giám sát thông qua ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng được hơn 1.170 cuộc.
Về nội dung này, đồng chí Giàng Seo Vần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Những năm qua, ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung giải quyết các vấn đề nóng, các vấn đề dư luận quan tâm; thực hiện giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện, cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp với thường trực HĐND cùng cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri.
Cụ thể, trong năm 2018 đã tham gia 14 cuộc giám sát do Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh chủ trì thực hiện, giám sát việc công khai các kết luận thanh tra đối với UBND và cơ quan Thanh tra huyện Sa Pa; giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại huyện Bảo Yên, giám sát các khoản thu của học sinh tại 2 xã Tả Phời và Hợp Thành (thành phố Lào Cai); phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh giám sát việc bắt, tạm giam, tạm giữ; giám sát việc thực hiện công tác quy hoạch và giới thiệu cán bộ ứng cử các chức danh lãnh đạo ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2019. Từ đó đã phát hiện những hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền các địa phương, của các tổ chức, doanh nghiệp, bệnh viện, đồng thời kiến nghị những giải pháp nhằm thực hiện đúng, có hiệu quả hơn các chính sách, quy định của pháp luật. Nhiều kiến nghị sau giám sát đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện.
Tại cuộc giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn huyện Bảo Yên năm 2018, đoàn đã chỉ ra một số hạn chế và đề nghị UBND huyện Bảo Yên chỉ đạo các phòng chức năng, cơ quan chuyên môn, ban chỉ đạo ATTP các xã, thị trấn tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm sau thanh tra và kiểm tra...
Qua những cuộc giám sát với nội dung cụ thể, những vấn đề xã hội đang đặt ra, hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong giám sát, phản biện xã hội và tổ chức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân. Từ đó, kiến nghị với các ngành, các cấp chính quyền giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân, tạo đồng thuận trong xã hội, góp phần vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đúng như mục tiêu Đề án 15 mà Tỉnh ủy đã đề ra.