Hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc trong các trường dân tộc nội trú

Nhận thức đúng đắn về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc (VHDT), trong những năm qua, các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc giáo dục VHDT cho học sinh thông qua việc tích hợp các môn học với chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tổ chức phiên chợ tết vùng cao để các em học sinh trải nghiệm.

Để hoạt động giáo dục VHDT đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhiều trường dân tộc nội trú thực hiện các giải pháp như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động giáo dục VHDT; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục VHDT; chú trọng xây dựng truyền thống nhà trường và phát huy sự tham gia của cộng đồng xã hội trong giáo dục VHDT... Điển hình như Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc đã tổ chức các buổi ngoại khóa, sinh hoạt tập thể trong trường giúp học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình, tạo sân chơi, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Bên cạnh đó, nhà trường còn đưa các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian vào hoạt động trải nghiệm để truyền dạy cho học sinh. Qua đó, giúp học sinh có điều kiện giao lưu, học hỏi, nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình và nỗ lực học tập tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hay như Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã lồng ghép các chương trình giáo dục địa phương vào từng môn học. Đối với văn hóa vật thể, học sinh được truyền dạy về trang phục truyền thống của dân tộc, dạy những điệu hát, trò chơi dân gian, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc... Trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, nhà trường thường hướng cho học sinh gìn giữ nét VHDT được thể hiện thường xuyên qua hình thức tích hợp các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Các em được tham gia chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp với nhiều hình thức đa dạng như sân khấu hóa; tham quan, tìm hiểu thực tế tại các địa điểm di tích lịch sử, văn hóa. Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhà trường tổ chức phiên chợ tết vùng cao nhằm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, sản vật của khu vực miền núi. Đó là những món ăn truyền thống được chính tay các em học sinh thể hiện, như: gói bánh chưng, làm thắng cố, khau nhục, rêu đá, cá sông muối của vùng cao huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát; cơm nếp tam sắc, ngũ sắc, cơm lam, bánh chưng, bánh ú, gà nướng, cá nướng, canh loóng, canh đắng của các huyện Ngọc Lặc, Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân... Qua đó, giúp các em hiểu được về giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, được tiếp cận và góp phần giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Bằng việc giáo dục văn hóa, giáo dục kỹ năng sống kết hợp với việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong tiết học, từng hoạt động của các trường học đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc VHDT mình, tạo được không khí thoải mái cho học sinh khi tham gia học tập, góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Phạm Minh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/hoat-dong-giao-duc-van-hoa-dan-toc-trong-cac-truong-dan-toc-noi-tru/129865.htm