Hoạt động giao hàng, Shipper tại Hà Nội: Cấp phép hoạt động đi đôi với quản lý an toàn
Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, việc duy trì hoạt động của đội ngũ Shipper là cần thiết để phục vụ nhu cầu của người dân, bảo đảm cho chuỗi cung ứng hàng hóa được thông suốt. Tuy nhiên, việc cấp phép hoạt động với nhóm lao động này phải đi đôi với quản lý an toàn.
Duy trì hoạt động của Shipper, nhân viên giao hàng để phục vụ nhu cầu của người dân, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa được thông suốt
Chật vật mưu sinh giữa đại dịch, nhiều nguy cơ mắc COVID-19
Cho tới nay, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được hơn một tháng. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều người dân chọn mua sắm trực tuyến qua các trang thương mại điện tử để bảo đảm an toàn.
Nhờ có đội ngũ Shipper, nhân viên giao hàng mà các dịch vụ thiết yếu như vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, thư tín,... của người dân không bị gián đoạn.
15h30’ chiều, tại khu đô thị Goldmark City (136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm), bạn Phương - một nhân viên giao hàng đang làm việc tại Hà Nội vội vã chằng buộc lại giỏ hàng để di chuyển đến địa điểm tiếp theo sau khi vừa vừa vận chuyển hơn 5kg rau củ quả cho một khách hàng tại đây.
Dưới cái nắng gay gắt, vội đưa tay lau những giọt mồ hôi trên khuôn mặt, Phương cho biết, dịch bệnh COVID-19 dễ lây lan nên trong quá trình giao hàng phải thực hiện nhanh gọn. Việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc với khách giao nhận được thực hiện cẩn thận.
Nhiều người cho rằng trong thời điểm này, những Shipper, nhân viên giao hàng tại Hà Nội sẽ “bội thu”, kiếm vài triệu một ngày đơn giản. Nhưng thực tế nhiều Shipper cho biết thu nhập không cao đến vậy và còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhiễm bệnh.
Anh Thanh Liêm - một Shipper chuyên giao thực phẩm cho biết, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều lao động ở các ngành nghề khác cũng chuyển sang làm Shipper nên số đơn hàng bị chia lẻ cho nhiều người, mức độ cạnh tranh cao hơn so với trước đây.
Đặc biệt sau hai năm dịch bệnh bùng phát, khi kinh tế đã “ngấm đòn” khiến người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, giảm bớt những chi phí không cần thiết nên thu nhập của Shipper của giảm hẳn.
Tuy nhiên do đặc thù công việc phải di chuyển và tiếp xúc với rất nhiều người ở nhiều địa điểm khác nhau, tài xế xe công nghệ và đội ngũ nhân viên giao hàng cũng là những đối tượng nằm trong nhóm người tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Nhân viên giao hàng, Shipper thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc COVID-19 khi phải tiếp xúc với nhiều người trong quá trình làm việc
Điển hình ngày 9/8, UBND quận Bắc Từ Liêm (TP. Hà Nội) đã có văn bản rà soát 341 người liên quan đến các trường hợp F0 tại Công ty TNHH MTV Logistic Viettel. Do trước đó quận này ghi nhận 9 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại công ty này.
Ngay sau đó, UBND quận Bắc Từ Liêm đã đề nghị UBND các tỉnh Phú Thọ, Thái Bình, Lai Châu, Nghệ An, Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Nam, Điện Biên, Bắc Ninh và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội phối hợp rà soát những người liên quan để có biện pháp phòng dịch theo quy định.
Từ tính chất phức tạp của ổ dịch tại công ty TNHH MTV Logistic Viettel, do đây là công ty vận chuyển hàng hóa, bưu kiện đi đến các quận, huyện và một số tỉnh thành trên cả nước, nhiều người dân cảm thấy lo ngại về tính an toàn phòng dịch COVID-19 trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, Shipper.
Quản lý chặt chặt để phòng chống dịch COVID-19
Để đáp ứng nhu cầu vận chuyến của người dân và đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất UBND Thành phố cho phép hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa,...bằng xe mô tô, xe 2 bánh của nhân viên giao hàng được thực hiện từ 9h-20h hàng ngày.
Ngoài ra nhân viên khi vận chuyển, giao nhận hàng hóa, bưu phẩm, bưu chính phải có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 còn thời hạn theo quy định của ngành y tế (72 giờ).
Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo Sở Y tế nghiên cứu xây dựng hướng dẫn tự tổ chức xét nghiệm làm cơ sở để các đơn vị triển khai, thực hiện.
Ngoài quy định về rõ về khung giờ hoạt động, số lượng,...nhân viên giao hàng cần được xét nghiệm COVID-19 theo quy định để bảo đảm an toàn
Việc Sở GTVT Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố quy định thời gian hoạt động cụ thể của nhân viên giao hàng, Shipper trên địa bàn để phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã nhận được nhiều ý kiến tán thành.
Chị Nga - một cư dân sống tại chung cư VP6 Linh Đàm (quận Hoàng Mai) cho rằng, mỗi shipper một ngày có thể tiếp xúc với hàng chục, thậm chí cả trăm người nên nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Do vậy cần có những biện pháp kiểm soát cũng như ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ hoạt động này.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Văn Thanh - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong thời điểm Hà Nội đang giãn cách xã hội như hiện nay thì việc cho Shipper hoạt động là cần thiết để vận chuyển hàng hóa phục vụ người dân.
“Không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà hoạt động của các Shipper còn bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa được thông suốt.
Tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nhóm lao động này cũng rất cao nên việc cấp phép hoạt động phải đi đôi với quản lý an toàn. Ngoài quy định về rõ về khung giờ hoạt động, số lượng thì mỗi công ty cần phải chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp lao động của mình.
Hiện việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 cần được ưu tiên số một, người dân cần hạn chế những nhu cầu không thiết yếu. Không có việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa thiết yếu nào được thực hiện vào khung giờ đêm cả...”, ông Thanh nhấn mạnh.
Còn theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi tới Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Quan điểm của Bộ Công Thương là nên duy trì đội ngũ Shipper có điều kiện. Bởi khi áp dụng Chỉ thị 16, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao gây áp lực cho các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối. Bản thân các phương thức hiện tại cũng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế.
"Việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa thương mại điện tử đã phần nào cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, khiến người dân phải đến các siêu thị, chợ truyền thống, ra đường gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", Cục trưởng Đặng Hoàng Hải nhìn nhận.
Thông tin từ bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Thành phố đã chỉ đạo ngành công thương phối hợp với Sở GTVT thống nhất những đối tượng thuộc lĩnh vực vận chuyển hàng hóa được phép lưu thông trên địa bàn nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ.