Hoạt động giao hàng, shipper tại Hà Nội: Không nên cấm nhưng vẫn phải quản chặt!
Thông tin Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội yêu cầu dừng hoạt động của nhân viên giao hàng, shipper trên địa bàn đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều cũng như những bất cập trong việc quản lý, thực hiện.
Việc dừng hoạt động của nhân viên giao hàng, shipper trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều cũng như những bất cập trong việc quản lý, thực hiện
Dừng hay không dừng hoạt động giao hàng, shipper...?
Bắt đầu từ 6h ngày 24/7, Thành phố Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đối với hoạt động vận tải, Thành phố Hà Nội yêu cầu dừng các loại hình vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy như: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe mô tô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”).
Và trong những ngày qua, câu chuyện dừng hay cho phép hoạt động của nhân viên giao hàng, shipper tại Hà Nội vẫn chưa tìm ra lời giải. Theo đó, thực hiện Chỉ thị 17 của UBND Hà Nội, Sở GTVT yêu cầu các ứng dụng gọi xe công nghệ (Grab, Gojek, Be, MyGo, FastGo,...) tạm dừng hoạt động.
Lý giải về điều này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, đây là lực lượng lớn, chưa kiểm soát được dịch bệnh tốt nên tạm thời Thành phố cấm hoạt động trên tinh thần phòng dịch để bảo vệ an toàn cho người dân.
Trong khi Sở GTVT yêu cầu các ứng dụng gọi xe công nghệ tạm dừng hoạt động, bao gồm cả dịch vụ giao đồ ăn nhanh thì Sở Công Thương Hà Nội lại khuyến khích bán các mặt hàng thiết yếu trên các nền tảng online nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.
Việc các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa đưa ra được các giải pháp tối ưu để giải quyết triệt để vấn đề đã gây ra những khó khăn trong hoạt động sản xuất cũng như đời sống hàng ngày của người dân.
Trao đổi với PV, chị Nga (trú tại quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) cho biết, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát chị chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến thay vì đi chợ, siêu thị để giảm tiếp xúc. Việc Thành phố cấm hoạt động của nhân viên giao hàng, shipper sẽ khiến chị phải lựa chọn việc trực tiếp đi mua hàng.
Không thể phủ nhận những lợi ích tới từ hoạt động giao nhận hàng online sẽ giảm bớt sự tiếp xúc, hạn chế việc đi lại của người dân góp phần phòng chống dịch COVID-19
Gạt đi những giọt mồ hôi trên trán, anh Tuấn (một nhân viên giao hàng quê tại tỉnh Thanh Hóa) bộc bạch, sau khi biết được thông tin Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội anh rất lo lắng vì trong đêm 23/7 ban hành và sáng 24/7 thực hiện nên anh không kịp về quê khi xe khách đã dừng hoạt động.
“Làm nghề này tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Nhưng vì miếng cơm manh áo, cuộc sống mưu sinh nên mình vẫn tiếp tục làm việc để có thu nhập trang trải cuộc sống”, anh Tuấn chia sẻ.
Còn theo anh Ngọc Lâm (quê tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ), hiện Thành phố Hà Nội đã dừng toàn bộ cửa hàng ăn uống, quán cà phê,...chỉ duy trì các hoạt động bán hàng thiết yếu.
Đồng thời với sự gia nhập của những shipper mới, mức độ cạnh tranh cao hơn so với trước đây và đặc biệt đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đã khiến người dân “ngấm đòn”, thắt chặt chi tiêu, giảm bớt những chi phí không cần thiết nên thu nhập của shipper của giảm hẳn.
Vì vậy trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, khi Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 anh Lâm chọn giải pháp ở nhà phòng dịch và không đi ra đường để làm việc nữa. Hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để cuộc sống trở lại bình thường, các hoạt động sản xuất kinh tế, lưu thông hàng hóa khôi phục trở lại.
Cần quản lý chặt, tránh để lây lan dịch bệnh
Hiện lượng nhân viên giao hàng, shipper trên địa bàn Thành phố Hà Nội được đánh giá là khá đông đảo, nhất là từ khi nhiều đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động dẫn đến tình trạng thừa lao động, thiếu việc làm. Cùng với việc người dân hạn chế ra khỏi nhà khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ giao hàng tăng, nhiều người chuyển sang làm công việc này.
Việc tạm dừng hoạt động của lực lượng nhân viên giao hàng, shipper công nghệ có thể mang đến những khó khăn nhất định cho người dân, đặc biệt trong bối cảnh giãn cách xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này là cần thiết nhưng bên cạnh đó cũng có những ý kiến cho rằng cần duy trì hoạt động của dịch vụ này và kiểm soát một cách chặt chẽ.
Ngay sau khi Sở GTVT Hà Nội yêu cầu 5 ứng dụng Grab, Gojek, Be, MyGo và FastGo dừng hoạt động; Công ty TNHH Grab, đơn vị vận hành ứng dụng gọi xe Grab đã có văn bản gửi Sở này về việc cho phép các lái xe 2 bánh được giao hàng thiết yếu.
Cần sự thống nhất trong quản lý hoạt động của nhân viên giao hàng, shipper trong thời gian Thành phố Hà Nội thực hiện các biện pháp mạnh mẽ phòng chống dịch COVID-19
Doanh nghiệp nhận định, việc duy trì hoạt động giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu là phù hợp với Chỉ thị 17 về "Tăng cường khai thác các nguồn hàng, đảm bảo lưu thông thông suốt nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân" và phù với định hướng của Sở Công Thương Hà Nội trong việc tăng cường, khuyến khích tiêu dùng qua kênh online.
Tuy nhiên công văn mới của Sở GTVT đang yêu cầu Grab dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa, trong khi còn nhiều đơn vị khác cùng cung cấp dịch vụ này trên địa bàn Hà Nội. Do đó, Grab kiến nghị Sở GTVT Hà Nội xem xét áp dụng các quy định một cách thống nhất cho toàn bộ thị trường.
Trên thực tế đã ghi nhận những trường hợp nhân viên giao hàng mắc COVID-19 và không phải ai trong số họ cũng có ý thức phòng chống dịch theo đúng quy định. Và shipper nhận dịch vụ qua các ứng dụng đặt xe chỉ là đối tác của nhà cung cấp ứng dụng nên các nhà cung cấp sẽ không kiểm soát được lịch trình cụ thể.
Hơn nữa do đặc thù hoạt động, nếu không chấp hành nghiêm các quy định về phòng dịch thì rất có thể nhân viên giao hàng, shipper sẽ “vô tình” mang virus từ nơi này sang nơi khác và có thể lây cho nhiều người ở nhiều địa điểm, tạo thành những ổ dịch mới nguy hiểm trong cộng đồng.
Không thể phủ nhận những lợi ích tới từ hoạt động giao nhận hàng online sẽ giảm bớt sự tiếp xúc, hạn chế việc đi lại của người dân góp phần phòng chống dịch COVID-19. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần có sự quản lý chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp cũng như đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Chiều 26/7, UBND TP.Hồ Chí minh đã có công văn khẩn về tăng cường quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng thiết yếu trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, chỉ cho phép dịch vụ shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng và thực hiện điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Về đặc điểm nhận dạng đội ngũ shipper ngoài các giải pháp nhận diện như hiện nay (thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang giao nhận…), các đơn vị cần chủ động làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper, cùng với đó là ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR Code.