Hoạt động KTNN đối với các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia

KTNN đã chủ động, tích cực tham gia vào việc đưa ra ý kiến với Quốc hội về chủ trương đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia; đồng thời, thực hiện kiểm toán sớm quá trình triển khai các chương trình, dự án, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư.

Hiện thực hóa khát vọng xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Một trong ba đột phá chiến lược mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn; với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thế chế hóa chủ trương của Đảng, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, hoạt động quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nói chung và quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia nói riêng tiếp tục được tăng cường, ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Điển hình như Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô; Dự án Vành đai 3 TPHCM, Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1).

Kiểm toán viên tham gia cuộc kiểm toán công nghệ thông tin. Ảnh: KTNN

Kiểm toán viên tham gia cuộc kiểm toán công nghệ thông tin. Ảnh: KTNN

Quốc hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án, đặc biệt là đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Đặc biệt, Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong theo dõi, giám sát việc triển khai các dự án; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án.

Trong đó, Quốc hội đã ban hành và cho phép áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, đặc biệt trong triển khai các dự án… Điển hình như, Quốc hội cho phép Thủ tướng và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường, quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng mỏ khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh của địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý và có văn bản đề xuất làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn (trừ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025) trên cơ sở đã sử dụng tối đa năng lực của Bộ GTVT.

Hỗ trợ hiệu quả cho Quốc hội trong quyết định chủ trương

Khoản 4 Điều 10 Luật KTNN quy định, một trong những nhiệm vụ của KTNN là: “Trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước”. Đồng thời, Luật KTNN cũng quy định báo cáo kiểm toán của KTNN là căn cứ để Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.

Thực hiện quy định của Luật, với vai trò chức năng nhiệm vụ được giao, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian gần đây, KTNN đã phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia. Đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng của KTNN trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Theo đó, trên cơ sở hồ sơ, Tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, KTNN đã thực hiện phân tích, đánh giá, đưa ra ý kiến của mình về các khía cạnh như: việc đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia; sự cần thiết đầu tư; sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; phương án thiết kế sơ bộ; tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ; hình thức đầu tư…

KTNN cũng đưa ra ý kiến đánh giá về tổng mức đầu tư Dự án, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và cơ quan liên quan tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư để đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn đánh giá: Những dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư trong thời gian qua đều phù hợp với chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, đây cũng là những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Để đạt được kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của KTNN. Công tác kiểm toán hoạt động của KTNN là một trong những công cụ hỗ trợ Quốc hội thực hiện có hiệu quả việc quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.

KTNN vừa có trách nhiệm trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định, vừa tham gia ý kiến với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Ý kiến tham gia của KTNN khá đầy đủ, toàn diện, từ việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án quan trọng quốc gia, sự cần thiết đầu tư, sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến các thông tin cơ bản của dự án và việc triển khai thực hiện dự án…

Còn theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), KTNN là cơ quan có nghiệp vụ chuyên môn sâu về những vấn đề liên quan đến dự toán, vấn đề kỹ thuật, thiết kế... Vì vậy, việc KTNN đưa ra ý kiến của mình không chỉ đơn thuần là ý kiến khách quan, độc lập mà nó còn là căn cứ, cơ sở chắc chắn hơn cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến hay đưa ra ý kiến phản biện của mình.

Bởi bản thân từng đại biểu Quốc hội không thể nào đánh giá được tính hợp lý của những con số dự toán cũng như các phương án thiết kế…Đo đó, việc phát huy vai trò của KTNN khi đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sẽ giúp cho Quốc hội, Chính phủ có tiếng nói chung, đi đến một phương án để quyết định đầu tư các dự án có hiệu quả nhất.

Phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các vướng mắc

Cùng với việc đưa ra ý kiến về chủ trương đầu tư các chương trình, dự án quan trọng quốc gia, trong các Nghị quyết của Quốc hội cũng giao nhiệm vụ cho KTNN căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện kiểm toán việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án.

Theo các đại biểu Quốc hội, trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, KTNN luôn luôn đóng vai trò là cơ quan hậu kiểm và có vai trò độc lập. Mặc dù là hậu kiểm nhưng KTNN phải phát hiện, cảnh báo kịp thời để có thể điều chỉnh những bất cập, thiếu sót phát sinh trong quá trình thực hiện.

Đại diện một số ban quản lý dự án cũng đề nghị và mong muốn KTNN vào kiểm toán sớm, để giúp cho ban quản lý dự án và nhà thầu thấy được những vấn đề còn thiếu sót nhằm rút kinh nghiệm trong triển khai các công đoạn tiếp theo; đồng thời, qua kiểm toán, KTNN cũng ghi nhận và kiến nghị với cơ quan chức năng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.

Đáp ứng kỳ vọng đó, những năm qua, việc kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia được KTNN xác định là nhiệm vụ trọng tâm. KTNN đã thực hiện kiểm toán một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I (2017-2020). Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện một số bất cập và đưa ra kiến nghị đối với Bộ giao thông vận tải, các Ban quản lý dự án để rút kinh nghiệm trong triển khai dự án ở giai đoạn II…

Trong năm 2024, một loạt dự án trọng điểm quốc gia cũng đã được đưa vào Kế hoạch kiểm toán của KTNN. Kết quả kiểm toán không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đầu tư các dự án mà còn phục vụ đắc lực cho công tác giám sát chuyên đề của Quốc hội trong năm 2024.

L. Thủy

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/hoat-dong-ktnn-doi-voi-cac-chuong-trinh-du-an-trong-diem-quoc-gia-post114558.html