Hoạt động M&A, IPO giảm mạnh vì nỗi lo suy thoái và thương chiến
Mức thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu và nhanh chóng phá hủy các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Mức thuế quan bổ sung mà ông Trump công bố hôm 2/4, dao động từ 10% đến 50%, đã làm dấy lên nỗi lo về suy thoái kinh tế và chiến tranh thương mại leo thang. Nỗi lo này càng được củng cố bởi các chính sách trả đũa của nhiều đối tác thương mại của Mỹ.
Điều đó thể hiện rõ qua làn sóng bán thảo cổ phiếu trên toàn cầu cũng như việc hoãn lại các đợt IPO hay các thương vụ M&A.
Chẳng hạn công ty công nghệ tài chính Thụy Điển Klarna đã hủy IPO; Công ty công nghệ tài chính Chime của San Francisco cũng đang trì hoãn đợt chào bán ban đầu của mình, theo những người quen thuộc với các giao dịch này.
Trong khi một công ty cổ phần tư nhân của London đã rút khỏi việc mua một công ty công nghệ vốn hóa trung bình của châu Âu vào phút cuối vào thứ Năm (3/4), sau tin tức về thuế quan, một người thân cận với thỏa thuận cho biết.
Hay như StubHub cũng đã ấn định vào thứ Năm để bắt đầu chương trình roadshow cho nhà đầu tư vào tuần tới cho đợt IPO. Nhưng đến cuối ngày, các giám đốc điều hành đã quyết định hoãn các kế hoạch đó lại ít nhất một tuần nữa.
eToro - Công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Israel cũng đã hoãn các buổi thuyết trình cho nhà đầu tư về đợt IPO của mình trên Phố Wall cho đến sau ngày 20/4 do điều kiện thị trường và sự biến động, theo một người quen thuộc với thỏa thuận này.
"Sẽ rất khó để hoàn thành bất kỳ thỏa thuận nào vì chi phí nợ dự kiến sẽ tăng và sẽ khó xác định được định giá của các công ty hơn", một chuyên gia ngân hàng cấp cao cho biết.
Nếu xu hướng này tiếp tục, nó có thể kìm hãm khả năng huy động vốn và đầu tư của các công ty, làm chậm lại thêm tăng trưởng kinh tế.
Ngay cả trước thông báo thuế quan mới nhất hôm 2/4, những mức thuế quan trước đó của ông Trump và những lo ngại về thương mại đã góp phần làm giảm 13% các vụ sáp nhập và mua lại của Mỹ trong quý đầu tiên, dữ liệu của Dealogic được biên soạn cho Reuters cho thấy.
“Không phải thuế quan là vấn đề", Antony Walsh - đối tác M&A doanh nghiệp tại Công ty luật Eversheds Sutherland cho biết. “Mức độ bất ổn đi kèm với chúng mới là thứ tác động lớn nhất đến niềm tin của C-suite (thuật ngữ được sử dụng rộng rãi để mô tả các giám đốc điều hành cấp cao của một tổ chức - PV)".
Quả vậy cuộc chiến thương mại đã khiến thị trường toàn cầu chao đảo, với S&P 500 và các chỉ số khác của Mỹ ghi nhận mức lỗ tồi tệ nhất kể từ năm 2020 vào thứ Năm và tiếp tục giảm vào thứ Sáu sau thông báo thuế quan trả đũa của Trung Quốc.
Ngân hàng đầu tư JP Morgan đã nâng tỷ lệ suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm lên 60%, tăng từ 40%.
Nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân London đã hủy bỏ việc mua công ty công nghệ châu Âu cho biết tình hình hỗn loạn của thị trường vào thứ Năm đã ngăn cản công ty tiến hành.
"Chúng tôi không thể tiến hành... Chúng tôi không biết châu Âu sẽ phản ứng thế nào, tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với môi trường vĩ mô, chiến tranh thương mại,...", ông cho biết, yêu cầu không nêu tên vì thỏa thuận không được công khai.
Tại StubHub, Các giám đốc điều hành có kế hoạch đợi ít nhất một tuần nữa, thậm chí có thể là sau lễ Phục sinh, trước khi cố gắng chào bán cổ phiếu của mình cho Phố Wall, mà nguyên nhân chính là để thị trường có thời gian bình tĩnh lại.
Tom Godwin, đối tác tại công ty luật toàn cầu Freshfields, cho biết hiện tại có quá nhiều bất ổn trên thị trường, cùng với các thông điệp trái chiều từ chính quyền Trump đang tạo ra nhiều hỗn loạn hơn trên thị trường.
Philipp Suess - Giám đốc thị trường vốn và cổ phiếu tại Đức và Áo tại Goldman Sachs cho biết, các đợt IPO lớn dự kiến đã không thành hiện thực do thị trường biến động, mà không bình luận về bất kỳ giao dịch cụ thể nào. "Rõ ràng là sau đêm thứ Tư vừa qua, đường ống IPO đã trở nên khó khăn hơn", ông nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.