Nhiều kỳ vọng sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ

Các chuyên gia cho rằng, cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ như một liều thuốc trấn an doanh nghiệp Việt vì khơi gợi được nhiều kỳ vọng.

Bước đi sáng suốt, kịp thời

Nhận định về cuộc điện đàm tối 4/4 của Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đây là bước đi rất sáng suốt và đúng đắn, tạo nên nhiều tín hiệu tích cực.

"Giữa tình hình rất phức tạp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ động gọi điện thoại cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận về tình hình thuế quan. Tại cuộc điện đàm, hai bên đã nhấn mạnh đến mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ. Tổng Bí thư cũng đã mời Tổng thống Trump sang thăm Việt Nam.

Tôi cho rằng đây là nỗ lực rất kịp thời nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, từ đó thúc đẩy cuộc đàm phán hai bên về vấn đề thương mại, giải quyết những vấn đề đang nổi lên trong thời gian vừa qua.

Sau cuộc điện đàm, ông Trump cũng đã có chia sẻ trên Truth Social, bày tỏ sự hoan nghênh cuộc trao đổi tích cực giữa ông và Tổng Bí thư Tô Lâm.

Đây là tín hiệu khiến tôi tin rằng quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tốt đẹp trong thời gian sắp tới”, ông Doanh nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Donald Trump tối 4/4. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Donald Trump tối 4/4. (Ảnh: TTXVN)

Nhấn mạnh hơn về ý nghĩa của cuộc điện đàm, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng đây chắc chắn là một liều thuốc trấn an với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hoang mang, lo lắng trước thông tin thuế suất.

“Cuộc điện đàm cũng là cách thể hiện thái độ tích cực, chủ động của Việt Nam trong mối quan hệ với Mỹ. Trong khi Việt Nam đối mặt với việc chịu thuế 46% từ phía Mỹ thì Tổng Bí thư Tô Lâm đã chủ động gọi điện thoại, nhấn mạnh mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ, tôi nghĩ đó là bước đi đúng đắn, sáng suốt.

Tôi rất mong và cũng tin rằng sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm động lực để sớm ổn định tinh thần, tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Mỹ”, ông Doanh nhấn mạnh.

Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, việc Tổng thống Donald Trump công khai chia sẻ, bày tỏ sự hài lòng sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm là một tín hiệu rất tích cực trong quá trình đàm phán giảm thuế của Việt Nam.

Theo ông Thành, tinh thần của Việt Nam trong giải quyết vướng mắc thuế quan vẫn là đối thoại tìm kiếm điểm cân bằng, có lợi ích cho cả hai bên, đồng thời giải tỏa được quan ngại của đối tác.

“Tôi hy vọng hai bên có thể tìm được một điểm chung tích cực, đem lại điều tích cực cho cả hai phía. Cuộc điện đàm này cũng đã làm giảm bớt được những áp lực tiêu cực trước mắt cho các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư”, ông Thành nhận xét.

Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong những năm gần đây liên tục phát triển mạnh mẽ.

Trong bối cảnh đó, bất kỳ sự tương tác chính trị cấp cao nào giữa hai quốc gia, đặc biệt cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Việt Nam và Tổng thống Mỹ, đều mang ý nghĩa biểu tượng và thực tiễn quan trọng.

Về mặt đối ngoại, cuộc điện đàm này thể hiện thiện chí gắn kết giữa hai chính phủ, mở đường cho những thỏa thuận hợp tác kinh tế, an ninh, và đối thoại chiến lược.

Còn với cộng đồng doanh nghiệp, những tín hiệu xuất hiện từ những cuộc trao đổi cấp cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhà đầu tư và hoạt động kinh doanh thực tiễn.

“Cuộc điện đàm được đánh giá là thành công trên phương diện “đối thoại cởi mở”. Hai bên được cho là đã trao đổi về nhiều chủ đề, trong đó nổi bật là việc củng cố chuỗi cung ứng, thúc đẩy trao đổi thương mại bền vững, cũng như tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi số, giáo dục và khoa học - công nghệ.

Điều này mang lại kỳ vọng tích cực, giúp duy trì đà phát triển thương mại song phương, đặc biệt trong bối cảnh biến động kinh tế thế giới, ông Quốc Anh nói.

Theo Phó Chủ tịch Hanoisme, Mỹ đang có xu hướng tìm kiếm các mắt xích cung ứng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm phụ thuộc quá mức vào một số thị trường. Đây là thời cơ để Việt Nam khẳng định vai trò trung tâm cung ứng hàng hóa chất lượng sang Mỹ.

Cuộc điện đàm dường như đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cấp quan hệ, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực hơn, từ an ninh, chính trị đến kinh tế và công nghệ.

“Khả năng phía Mỹ sẽ nới lỏng hoặc xem xét lại một số rào cản kỹ thuật cho hàng hóa Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam cũng hướng đến việc hoàn thiện cơ chế quản lý, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và tính bền vững trong quy trình sản xuất; Phát triển kinh tế số và hạ tầng công nghệ...

Việc Mỹ cam kết hỗ trợ hoặc hợp tác công nghệ là tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy mảng dịch vụ chất lượng cao của Việt Nam. Với các luận điểm này, Hiệp hội nhận định rằng về lâu dài, quan hệ song phương sẽ tiếp tục được củng cố, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Quốc Anh nhận định.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hanoisme cho rằng, cần theo dõi sát sao các diễn biến cụ thể về quy định xuất nhập khẩu, diễn biến chính sách thuế quan, cũng như cam kết về lao động - môi trường trong các FTA hoặc thỏa thuận song phương.

Chuyên gia nhận định nhiều tín hiệu tích cực sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh minh họa)

Chuyên gia nhận định nhiều tín hiệu tích cực sau cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp nuôi nhiều kỳ vọng

Theo ông Quốc Anh, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng công nghiệp nhẹ, nông sản, thủ công mỹ nghệ, dệt may và đồ gỗ nội - ngoại thất.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, khoảng 65% số doanh nghiệp trong Hiệp hội có xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp sang thị trường Mỹ. Những doanh nghiệp này, đặc biệt là những đơn vị phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ (tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm từ 30% – 70% tổng doanh thu), đang theo dõi rất sát các tín hiệu về chính sách thuế, tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như xu hướng tiêu dùng của thị trường Mỹ.

Trước cuộc điện đàm tối qua, tâm lý chung của các doanh nghiệp xuất khẩu được phản ánh qua những cuộc khảo sát nội bộ như lo ngại về chính sách phòng vệ thương mại. Khoảng 35% doanh nghiệp trong hiệp hội chia sẻ rằng họ chịu sức ép về vốn lưu động và khó mở rộng quy mô sản xuất.

“Chính vì nhiều áp lực nên nhiều doanh nghiệp đã đón nhận thông tin về cuộc điện đàm tối qua với sự thận trọng xen lẫn hy vọng. Họ mong rằng trong cuộc trao đổi, phía Việt Nam và Mỹ sẽ nhất trí đẩy mạnh hợp tác, tháo gỡ rào cản thương mại và tạo ra hành lang thuận lợi hơn cho xuất khẩu của Việt Nam”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald J. Trump về quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao cuộc trao đổi, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương, vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.

Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương, trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đề nghị Mỹ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích; tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên.

Thành Lâm

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhieu-ky-vong-sau-cuoc-dien-dam-cua-tong-bi-thu-to-lam-voi-tong-thong-my-ar935937.html