Hoạt động nghị trường ngày càng đến gần với địa phương, cơ sở
Đánh giá về việc tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND nhiều địa phương cho rằng, phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến kết nối đến 62 điểm cầu Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trong cả nước và được phát sóng truyền hình trực tiếp để cử tri, Nhân dân theo dõi, giám sát là cách làm hết sức linh hoạt, sáng tạo, cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch; thể hiện rõ nét dấu ấn các hoạt động ở nghị trường đang ngày càng đến gần hơn với địa phương, cơ sở. Hai nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn đều 'nóng', rất 'trúng và đúng' tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri, Nhân dân.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Giang PHẠM THỊ HỒNG YÊN:
Hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả
Tôi đánh giá cao cách thức tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là hoạt động chất vấn đầu tiên được tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 62 Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố và được phát sóng truyền hình trực tiếp để cử tri, Nhân dân theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội, các ĐBQH cũng như tinh thần trách nhiệm của các "tư lệnh" ngành. Qua đó, cho thấy hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng công khai, minh bạch.
Hai nhóm vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chất vấn đều là những vấn đề “nóng”, rất “trúng và đúng” tâm tư, nguyện vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân. Đối với lĩnh vực công thương, bên cạnh tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, nhất là công tác điều hành giá; các giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ làm rõ việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… Hay, công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai; tình trạng lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu cơ, “thổi giá” gây nhiễu loạn thị trường; các dự án, nhà máy xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân… cũng đều là các nội dung đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, rốt ráo của các cơ quan quản lý nhà nước.
Cách thức, quy mô tổ chức và các vấn đề được lựa chọn phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước, cùng sự điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội, với năng lực, trình độ, tâm huyết của các ĐBQH, tinh thần trách nhiệm của các "tư lệnh" ngành, tôi tin tưởng rằng phiên họp lần này sẽ thành công tốt đẹp, đúng với kỳ vọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là giám sát phải “nói thẳng, nói thật”, theo đến cùng vấn đề được giám sát. Cũng với tinh thần đó, qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ tháo gỡ được các vấn đề đang vướng mắc, giải tỏa được nhiều bức xúc mà cử tri quan tâm kiến nghị. Đồng thời, sẽ tiếp tục tác động tích cực đến các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tiếp theo, giúp hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Mặt khác, sẽ lan tỏa, truyền cảm hứng trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trên cả nước để hoạt động của HĐND cũng ngày càng thực chất, thực quyền hơn nữa.
Phó Chánh văn phòng phụ trách Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình BÙI VĂN CHÚC:
Cùng phối hợp giám sát việc thực hiện các nội dung chất vấn
Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV. Hai nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn thuộc lĩnh vực công thương và tài nguyên - môi trường đều là những vấn đề “nóng”, có tính thời sự, được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm. Đây cũng là những vấn đề đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, cần kịp thời giám sát nhằm có những điều chỉnh phù hợp, đáp ứng yêu cầu mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Việc tổ chức phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối đến 62 điểm cầu của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được truyền hình trực tiếp để cử tri, Nhân dân theo dõi là một trong những phương thức đổi mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với phương thức này, dù chỉ là phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội song không khí sôi nổi của phiên chất vấn sẽ không khác gì một phiên họp tập trung với sự hiện diện của đầy đủ các đại biểu tại hội trường. Qua đó, sẽ lan tỏa tích cực tinh thần sáng tạo trong đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, làm cho hoạt động của Quốc hội bám sát thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng, yêu cầu của cử tri và Nhân dân.
Đây cũng là điều kiện, cơ hội để cho các cơ quan dân cử ở địa phương học hỏi nhằm kịp thời nắm bắt thông tin để vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong việc đổi mới hoạt động giám sát. Đồng thời, cũng là kênh thông tin quan trọng để các địa phương kịp thời vận dụng linh hoạt trong hoạt động điều hành đối với lĩnh vực liên quan. Đặc biệt, với sự tham gia của Thường trực HĐND tại điểm cầu các tỉnh, thành phố sẽ giúp cho cơ quan dân cử địa phương nắm bắt được thông tin kịp thời để cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố phối hợp giám sát việc triển khai tổ chức thực hiện các nội dung chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương hiệu quả, thiết thực.
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Nghệ An BÙI DUY SƠN:
Tiếp tục khẳng định dấu ấn năng động, sáng tạo
Hoạt động chất vấn đầu tiên được tổ chức tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV tiếp tục đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội cũng như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phù hợp với điều kiện của thực tiễn của cuộc sống, cũng như mong muốn của cử tri và Nhân dân; thể hiện rõ nét dấu ấn các hoạt động ở nghị trường đang ngày càng đến gần hơn với địa phương, cơ sở... Việc tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trên cả nước và được truyền hình trực tiếp cũng sẽ tạo tiền đề, kinh nghiệm để HĐND các cấp đổi mới hoạt động của mình, trong đó, có hoạt động chất vấn, giải trình...
Về nội dung, có thể nhận thấy, cả hai nhóm vấn đề được lựa chọn đều là những vấn đề “nóng”, bám sát thực tiễn cuộc sống, đang được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm. Trong đó, nổi lên là: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu; công tác điều hành giá xăng dầu; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản… Hay, nội dung liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; đấu giá đất; kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy, xử lý chất thải công nghiệp, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, vấn đề ô nhiễm môi trường…
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV này, tôi mong muốn các ĐBQH sẽ đặt nhiều câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng đi thẳng vào trọng tâm các vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm. Về phía hai Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ cùng tham gia giải trình sẽ trả lời thẳng thắn, trực diện; nêu bật được những giải pháp căn cơ và tổ chức thực hiện nhằm tạo chuyển biến thực chất… Tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo triển khai quyết liệt của lãnh đạo Quốc hội, sự vào cuộc tích cực trách nhiệm của lãnh đạo Chính phủ, các thành viên Chính phủ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi động, tiếp tục khẳng định dấu ấn cho một nhiệm kỳ Quốc hội năng động, sáng tạo… đáp ứng kịp thời yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân.