Hoạt động ngoại giao trong tiến trình hòa đàm Paris

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là một minh chứng đầy thuyết phục về bản lĩnh và phong cách của ngoại giao Việt Nam, của các nhà đàm phán hàng đầu của nước ta hồi đó. Ngoại giao Việt Nam là ngoại giao Hồ Chí Minh, luôn kiên trì các vấn đề nguyên tắc, chiến lược nhưng rất linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Việt Nam bằng đường lối ngoại giao khéo léo của mình đã tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam, góp phần đưa đến thắng lợi trên bàn đàm phán, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Tư liệu

Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở Thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Tư liệu

Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX - một cuộc đụng đầu lịch sử giữa một bên là đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai với một bên là nhân dân Việt Nam ở cả hai miền đứng lên chống xâm lược.

Từ năm 1954, Việt Nam phải đương đầu trực tiếp với đế quốc Mỹ - một siêu cường đứng đầu thế giới, giàu có về kinh tế, hùng mạnh về quân sự, chiếm ưu thế về ngoại giao. Từ tháng 3/1965, số lính Mỹ đổ bộ vào miền Nam ngày càng tăng, có thời điểm lên tới hơn nửa triệu quân. Cùng với đó, còn một lực lượng đông đảo quân đồng minh, đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia, New Zealand…

Năm 1968, choáng váng bởi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, Tổng thống L. B. Johnson phải tuyên bố “xuống thang” chiến tranh để đi vào đàm phán. Hiệp định Paris được nhóm họp vào ngày 13/5/1968 giữa hai đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ. Đây là giai đoạn khởi đầu của cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa hai bên tham chiến để thỏa thuận về thành phần hội nghị chính thức. Cuối cùng đi tới kết quả, tham gia hội nghị có 4 đoàn đại biểu: Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn.

Đến đầu những năm 1970, tình hình chiến trường Việt Nam ngày càng ác liệt. Cuộc hòa đàm Paris tiến triển chậm chạp, đôi khi “dậm chân tại chỗ”. Các bên có liên quan, như: Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô đều muốn tìm một giải pháp cho vấn đề Việt Nam nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho mình. Ngày 8/10/1972, đánh dấu một bước đột phá trong cuộc hòa đàm Paris với những đề nghị mới của Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bản dự thảo Hiệp định của Việt Nam đã tách vấn đề quân sự khỏi vấn đề chính trị, tập trung giải quyết vấn đề ngừng bắn, quân Mỹ rút về nước, thả tù binh, không nhắc đến việc lật đổ chính quyền Sài Gòn, không đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến chuyển, quan hệ đối ngoại đặt ra nhiều thách thức, song, đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam vẫn nhất quán, thể hiện sự nhất trí và quyết tâm trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Chủ trương đoàn kết quốc tế của Đảng thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa III (năm 1963) đã giữ vững quan hệ đoàn kết với Liên Xô và Trung Quốc, giữ vững mục tiêu cách mạng hàng đầu khi đó là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, củng cố miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất đất nước. Nhờ đó, dù xảy ra sự bất đồng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Việt Nam vẫn luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ và viện trợ vật chất của Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước XHCN.

Ngày 9/10/1972, tại Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh gặp Tổng Bí thư L. Brezhnev. Brezhnev đánh giá cao chủ trương mới của Việt Nam, cho rằng đã đạt được hai thắng lợi cơ bản là chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ và công nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đi Bắc Kinh gặp Thủ tướng Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai. Chu Ân Lai bày tỏ sự đồng tình với sách lược của Việt Nam và hứa quyết tâm ủng hộ Việt Nam. Hoạt động ngoại giao đã đem lại hiệu quả rất tích cực đối với cuộc đấu tranh của Việt Nam tại bàn đàm phán.

Đầu tháng 11/1972, phía Mỹ đòi sửa đổi 69 điều trong bản dự thảo. Sau đó, Mỹ tiến hành cuộc ném bom bằng máy bay B-52 suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc mà người Mỹ gọi là “Trận bom Lễ Giáng sinh”. Tuy nhiên, Mỹ đã phải trả giá đắt với 34 máy bay B-52 và nhiều máy bay chiến thuật khác bị bắn rơi, 44 phi công bị bắt. Bên cạnh đó, dư luận Mỹ kịch liệt phản đối hành động này, coi Nixon như “một tên bạo chúa bị chọc tức”, “đã làm vấy bẩn thanh danh nước Mỹ”.

Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức với đại diện Chính phủ Hoa Kỳ trong Hội nghị Paris, ngày 13/5/1968, tại phòng họp Trung tâm Hội nghị quốc tế đường Kleber, Paris, Pháp. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa dự phiên họp khai mạc cuộc hội đàm chính thức với đại diện Chính phủ Hoa Kỳ trong Hội nghị Paris, ngày 13/5/1968, tại phòng họp Trung tâm Hội nghị quốc tế đường Kleber, Paris, Pháp. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Tổng Bí thư Brezhnev công khai lên án cuộc chiến tranh là “dài nhất và bẩn thỉu nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Tại Bắc Kinh đã diễn ra cuộc biểu tình lớn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi thông điệp cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ khẳng định: “Nếu như Chính phủ Mỹ không chấm dứt các hoạt động phá hoại… thì nhân dân Trung Quốc sẽ cương quyết thực hiện bất kỳ hành động cần thiết nào để ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo đảm rằng nhân dân Việt Nam sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn”. Chính phủ của nhiều đồng minh thân cận của Mỹ cũng phản ứng quyết liệt. Ngoại trưởng Canada tuyên bố: “Chúng tôi kịch liệt lên án hành động này”. Giáo hoàng Jean Paul II bày tỏ sự bất bình vì Mỹ “bất ngờ nối lại chiến tranh ồ ạt và tàn nhẫn”... Cuối cùng, Hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác tiếp tục ủng hộ Việt Nam Dân chủ cộng hòa khôi phục kinh tế; đồng thời, lên án mạnh mẽ Mỹ dung túng cho chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định. Với sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn về tinh thần và vật chất của bạn bè quốc tế, quân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Có thể thấy, trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước; đặc biệt, trong cuộc hòa đàm Paris, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ của các nước XHCN và lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý và tiến bộ trên toàn thế giới. Chiến tranh đã qua đi, song, những bài học của cuộc đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán tại Paris nửa đầu những năm 70 của thế kỷ XX, vẫn có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc. Đó là, trong bất kỳ tình huống nào, việc bảo vệ độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mãi mãi là nguyên tắc bất di bất dịch.

Hải Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoat-dong-ngoai-giao-trong-tien-trinh-hoa-dam-paris-post457989.html