Hoạt động ổn định, hiệu quả
ĐBP - Thực hiện Nghị quyết 815/NQ-UBTVQH ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ðiện Biên, kể từ ngày 1/1/2020, 4 xã: Mường Phăng, Pá Khoang, Nà Nhạn, Nà Tấu, một phần diện tích, dân số của 2 xã Thanh Luông và Thanh Hưng thuộc huyện Ðiện Biên chính thức sáp nhập về TP. Ðiện Biên Phủ. Sau khi sáp nhập, diện tích thành phố tăng lên xấp xỉ 310km2, dân số tăng lên trên 80.000 người; có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường, 5 xã.
Theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân bản Nà Ngám, xã Nà Nhạn làm 200m đường từ quốc lộ 279 vào khu vực dân cư.
Sau khi tiếp nhận, thành phố và các xã, phường đã tổ chức chu đáo lễ tiếp nhận và công bố hoạt động của 4 xã này; đồng thời giao cho UBND, cấp ủy chính quyền 2 phường: Thanh Trường, Nam Thanh tiếp nhận một phần diện tích, dân số của 2 xã Thanh Luông và Thanh Hưng, đảm bảo đúng thời gian kế hoạch. Việc tổ chức chu đáo lễ tiếp nhận và công bố hoạt động của 4 xã mới thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố và để lại ấn tượng ban đầu cho người dân khi thành phố bắt đầu có sự chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, điều hành. Sau lễ ra mắt, thành phố tổ chức các đoàn công tác xuống 4 xã để kiểm tra các nội dung công việc sau khi tiếp nhận từ huyện Ðiện Biên. Ðồng thời, tổ chức thăm, tặng quà và chúc tết các gia đình chính sách, lãnh đạo và cán bộ công chức, viên chức 4 xã... Nhờ chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ các khâu cần thiết, ngay tháng đầu tiên, hoạt động ở 4 đơn vị hành chính, diễn ra ổn định, nề nếp, nghiêm túc và đạt hiệu quả.
Tại xã Nà Tấu vào những ngày đầu năm mới, không khí làm việc của cán bộ xã diễn ra nghiêm túc, đặc biệt là tại bộ phận “Một cửa”. Chị Lò Thị Ánh, bản Nà Luống (xã Nà Tấu) đã có mặt tại bộ phận “Một cửa” từ sáng sớm để chứng thực một số giấy tờ. Chỉ chưa đầy 1 tiếng, mọi giấy tờ thủ tục của chị đã được hoàn tất. Chị Ánh vui vẻ cho biết: Dù sáp nhập về thành phố nhưng cuộc sống và tình hình sản xuất của người dân trong xã vẫn được đảm bảo, không có sự xáo trộn. Sự thay đổi ở đây chính là người dân xã Nà Tấu đã trở thành người thành phố. Trước đây, chúng tôi cũng có nhiều lo lắng, băn khoăn liên quan đến việc chuyển đổi một số giấy tờ, như: Chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy phép lái xe… khi sáp nhập về thành phố, nhưng được cán bộ xã giải thích cặn kẽ nên chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn. Chúng tôi cũng tin tưởng và mong rằng, sáp nhập về thành phố, cuộc sống của người dân sẽ ngày càng thay đổi tích cực.
Trao đổi về vấn đề này, ông Giàng A Chợ, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Khi có chủ trương về việc sáp nhập xã Nà Tấu vào thành phố, không ít cán bộ, công chức của xã bày tỏ lo ngại về cách thức hoạt động ở thành phố khác ở huyện, rồi trình độ chuyên môn đòi hỏi cao hơn, nhiều người lo lắng không đáp ứng được yêu cầu công việc… Người dân thì lo lắng về một số chính sách hỗ trợ sẽ không còn. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về những thuận lợi khi sáp nhập và được sự quan tâm chu đáo của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Ðiện Biên Phủ nên những băn khoăn lo lắng của cán bộ, công chức, người dân đã phần nào được giải tỏa. Ngay từ những ngày đầu làm việc sau khi sáp nhập, mọi công việc đều hoạt động bình thường với tinh thần nghiêm túc; cán bộ xã tích cực học hỏi và nghiên cứu làm việc theo phần mềm hồ sơ công việc. Người dân yên tâm lao động và phấn khởi mong chờ những quyết sách để có thể thay đổi được cuộc sống. Ðặc biệt là những chính sách hỗ trợ sẽ góp phần đưa xã phát triển theo mặt bằng chung của thành phố.
Không riêng xã Nà Tấu, tại trụ sở xã Mường Phăng, mặc dù đã gần trưa, nhưng cán bộ công chức, viên chức của xã vẫn đang miệt mài với công việc. Ông Mùa A Kềnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Sau khi sáp nhập, bộ máy tổ chức được giữ nguyên nên mọi công việc vẫn diễn ra bình thường, không có sự xáo trộn. Một số thắc mắc của người dân về thủ tục hành chính liên quan đến thay đổi về địa giới hành chính đã được xã báo cáo với lãnh đạo thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Bên cạnh đó, trong thời điểm này, xã đang chuẩn bị cho đại hội Ðảng các cấp nên công việc bận rộn hơn. Ðể chuẩn bị tốt cho đại hội, xã nhận được được sự quan tâm, giải thích, hướng dẫn tận tình của lãnh đạo thành phố nên mọi công tác chuẩn bị cho đại hội cấp xã được chuẩn bị chu đáo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Khắc Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Ðiện Biên Phủ bày tỏ niềm phấn khởi trước sự thay đổi này. Ông chia sẻ: Sau ngày khai xuân, thành phố cũng đã tổ chức các đoàn công tác xuống từng xã để nắm bắt tình hình. Sau hơn 1 tháng hoạt động, không khí làm việc ở 4 xã đều diễn ra thuận lợi, nghiêm túc, đạt hiệu quả cao; người dân phấn khởi, yên tâm sản xuất. Có thể nói, Nghị quyết 815 và chỉ đạo của tỉnh là chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước, của tỉnh, đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố đón nhận. Qua đó, góp phần nâng cao tiêu chí đô thị, thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch của tỉnh, của thành phố; đồng thời tạo các lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử, văn hóa, xây dựng TP. Ðiện Biên Phủ trở thành một trong những trung tâm đô thị vùng Tây Bắc. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ của người dân và những thuận lợi thì cũng còn nhiều khó khăn trước mắt, như: Ðịa bàn rộng, dân số đông sẽ khiến cho việc lãnh đạo, chỉ đạo; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tăng; số người nghiện tăng... Cùng với đó, cơ cấu kinh tế thay đổi, định hướng cho nghị quyết đại hội Ðảng sắp tới cũng sẽ thay đổi nên sẽ phải định hướng, điều chỉnh lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của 4 xã nói riêng và thành phố nói chung phù hợp, sát với tình hình thực tế của 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Thời gian tới, để 4 xã phát triển theo xu hướng chung, thành phố sẽ tiến hành rà soát lại các danh mục, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố để xem xét đầu tư những dự án cần thiết, cấp bách, trong đó ưu tiên đầu tư đối với 4 xã mới…