Hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 5 đã có tín hiệu tích cực trở lại
Trước tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, cả nước bước sang giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khôi phục và phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng 4.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp đã có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2019 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Ngành khai khoáng giảm 13%; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 2%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Tính chung 5 tháng đầu năm, IIP ước tính tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. Cụ thể: Ngành chế biến, chế tạo tháng 5 tăng 12,8% so với tháng trước, và tăng 2,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,9%) tính chung 5 tháng; riêng ngành khai khoáng tháng 5 giảm 0,4%, tính chung 5 tháng đã giảm 8,1% (cùng kỳ tăng 0,7%).
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm giảm sâu hoặc tăng rất thấp so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất xe có động cơ; sản xuất đồ uống; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất trang phục; sản xuất thiết bị điện; sản xuất kim loại.
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; khai thác quặng kim loại; sản xuất sản phẩm thuốc lá.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng giảm sâu và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: Ô tô, bia; xe máy; dầu thô khai thác; vải dệt từ sợi nhân tạo; khí hóa lỏng LPG; khí đốt thiên nhiên, sắp thép thô, quần áo mặc thường, giày dép da, điện thoại di động, thép cán, tivi các loại.
Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ năm trước như thép thanh, thép góc; phân ure; xăng dầu các loại; thuốc lá điếu; than sạch.
Trong tháng 5, với sự nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất đã bước đầu trở lại bình thường; thời tiết nắng nóng xảy ra trên diện rộng khắp cả nước, có những ngày nắng nóng kỷ lục khiến cho sản xuất và tiêu thụ điện tăng, do đó chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện tháng 5 tăng 13,7% so với tháng trước; tính chung 5 tháng ngành sản xuất, phân phối điện tăng 2,6% (cùng kỳ năm trước tăng 10%).
Sản lượng điện sản xuất tháng 5 tăng 18% so với tháng trước và tăng 2 % so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện sản xuất ước đạt tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, quý II hằng năm là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống, ngành điện đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý II/2020. Các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí sẽ được khai thác tối đa theo khả năng cấp nhiên liệu, đồng thời khai thác thủy điện theo nước về, đảm bảo cung cấp nước cho hạ du; huy động nhiệt điện chạy dầu theo phương thức và nhu cầu phụ tải. Đảm bảo cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt các nhà máy tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải để đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống.
Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, sản xuất công nghiệp trong tháng 5 đã bắt đầu khôi phục trở lại, tăng cao so với tháng 4, đặc biệt sản xuất của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện tăng trên hai con số (tương ứng tăng 12,8% và 13,7%) đã đưa chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 11,2%. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2019 sản xuất công nghiệp trong tháng vẫn giảm ở tất cả các nhóm (trừ sản xuất và phân phối điện tăng 2%), trong đó giảm mạnh ở ngành khai khoáng mà chủ yếu tập trung ở khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 12%) do tác động kép của việc giá dầu giảm sâu và tiêu thụ xăng dầu giảm.
Lý giải cho tình trạng trên, Bộ Công Thương cho biết, tính chung 5 tháng 2020, sản xuất công nghiệp của Việt Nam chịu tác động chung của dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng đến tiêu thụ, và sản xuất hàng hóa nên mức tăng trưởng đạt thấp, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019, trong đó nhóm khai khoáng thậm chí tăng trưởng âm. Tuy nhiên trong bối cảnh chung của đại dịch, sản xuất công nghiệp Việt Nam vẫn có tăng trưởng, thể hiện sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đồng hành cùng nhau vượt qua khó khăn, duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.