Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tăng trưởng sau 4 tháng suy giảm
Nền kinh tế Trung Quốc đang sôi động trở lại sau quyết định bất ngờ của Chính phủ nước này hồi tháng trước về việc từ bỏ chính sách 'Zero COVID,' ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp.
Dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa được công bố ngày 31/1 cho thấy, hoạt động sản xuất của nước này đã tăng trưởng vào tháng 1/2023, sau 4 tháng suy giảm liên tiếp, giữa bối cảnh nền kinh tế của nước này đang phục hồi sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do dịch COVID-19.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang sôi động trở lại sau quyết định bất ngờ của Chính phủ nước này hồi tháng trước về việc từ bỏ chính sách "Zero COVID," vốn bao gồm các quy định phong tỏa xã hội nghiêm ngặt, ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp.
Theo NBS, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) - thước đo chính về sản lượng của các nhà máy Trung Quốc - đã tăng lên 50,1 trong tháng này, từ mức 47 ghi nhận trong tháng 12.
Nhà thống kê Zhao Qinghe của NBS cho biết, các biện pháp phòng chống đại dịch của Trung Quốc đã "bước vào một giai đoạn mới," cho phép nước này "dần dần trở lại cuộc sống bình thường."
Trước đó, ngày 30/1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Trung Quốc lên 5,2%, do Trung Quốc quyết định mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế.
Chỉ số PMI trong lĩnh vực phi chế tạo, bao gồm lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, đứng ở mức 54,4 trong tháng 1/2023 tăng từ mức 41,6 của tháng 12/2923. Con số này cao hơn nhiều so với dự báo 52 điểm của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát.
Hoạt động sản xuất thường chậm lại trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (rơi vào tuần cuối cùng của tháng 1/2023), khi người lao động về quê ăn Tết cùng gia đình.
Nhưng mức tiêu thụ dịch vụ đã tăng lên khi hàng triệu người Trung Quốc đang được đi lại tự do lần đầu tiên sau ba năm.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% vào năm ngoái, tốc độ thấp nhất trong 4 thập kỷ, không kể năm 2020 do đại dịch tấn công, giữa bối cảnh các hạn chế của dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản đã cản trở đà tăng trưởng.
IMF cho biết, nhu cầu bị dồn nén tích lũy trong ba năm kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt sẽ dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ ở Trung Quốc.
Hoạt động đi lại của hành khách trong đợt cao điểm du lịch dịp lễ tại Trung Quốc đạt 892 triệu lượt từ ngày 7-29/1, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022./.