Hoạt động sản xuất phục hồi tại châu Âu nhưng lại suy yếu ở châu Á
Tình trạng trái ngược tại 2 châu lục là do cuộc chiến thuế quan của Mỹ ngày càng leo thang và nhu cầu toàn cầu giảm sút tác động tiêu cực đến tâm lý kinh doanh, khiến triển vọng trở nên kém khả quan.

Nhân viên làm việc tại một nhà máy sản xuất màn hình ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các kết quả khảo sát mới đây cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng Ba có dấu hiệu phục hồi đáng kể tại Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone), nhưng lại suy yếu ở hầu hết các nước châu Á.
Nguyên nhân là do cuộc chiến thuế quan của Mỹ ngày càng leo thang và nhu cầu toàn cầu giảm sút đã tác động tiêu cực đến tâm lý kinh doanh, khiến triển vọng trở nên kém khả quan hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ công bố một đề xuất thuế quan toàn diện vào ngày 2/4, sau khi áp đặt thuế đối với nhôm, thép và ôtô, và tăng thuế đối với tất cả hàng hóa từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngành sản xuất vốn đã gặp khó khăn của Eurozone đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi ban đầu trong tháng Ba, khi chỉ số sản lượng tăng lần đầu tiên sau hai năm, từ 48,9 lên 50,5, theo Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI). Tuy nhiên, đà tăng này có thể bị ảnh hưởng bởi thuế quan thương mại.
Chỉ số PMI ngành chế tạo của Eurozone do S&P Global tổng hợp đã tăng lên 48,6 trong tháng Ba, thấp hơn một chút so với ước tính sơ bộ là 48,7, nhưng đã tiến gần đến mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm. Chỉ số này đã ở dưới mức 50 kể từ giữa năm 2022.
Chuyên gia kinh tế trưởng Cyrus de la Rubia của Ngân hàng Thương mại Hamburg nhận định tình hình đang có dấu hiệu khả quan hơn. PMI đã tăng tháng thứ ba liên tiếp và chỉ số sản lượng thậm chí còn vượt ngưỡng tăng trưởng. Ông cũng cho rằng một phần đáng kể của sự chuyển biến này có thể liên quan đến việc các doanh nghiệp Mỹ đẩy mạnh đặt hàng trước khi thuế quan có hiệu lực, đồng nghĩa với việc có thể sẽ có một số phản ứng tiêu cực trong những tháng tới.
Số liệu chính thức cho thấy lạm phát tại Eurozone đã giảm như dự đoán trong tháng trước, điều này có thể củng cố thêm những kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào cuối tháng Tư.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng có những dấu hiệu phục hồi, khi sản lượng tăng lần đầu tiên sau gần hai năm, trong khi đà suy giảm tại Pháp đã thu hẹp lại. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Anh đã trải qua một tháng Ba khó khăn khi mối đe dọa về thuế quan và việc tăng thuế sắp tới góp phần làm giảm mạnh các đơn đặt hàng mới và làm giảm sự lạc quan.
Tại châu Á, Trung Quốc là một ngoại lệ trong các chỉ số PMI ở châu lục này. Chỉ số PMI ngành chế tạo của Trung Quốc do Caixin/S&P Global tổng hợp đã tăng từ 50,8 trong tháng Hai lên 51,2 trong tháng Ba, vượt qua kỳ vọng của thị trường và vẫn ở trên mốc 50. Chỉ số này cho thấy hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng tốc, khi các nhà máy vội vã giao hàng cho khách hàng trước khi thuế quan của Mỹ có hiệu lực.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán sự phục hồi này sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì cuộc chiến thương mại đe dọa làm suy yếu đà tăng trưởng. Ông Trump đã áp đặt mức thuế 20% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc kể từ tháng Một và dự kiến sẽ công bố thêm thuế quan đối ứng trong tuần này.
Ở những nơi khác tại châu Á, các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động chế tạo tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đã giảm trong tháng Ba, khi các công ty chuẩn bị cho khả năng gia tăng bất ổn về chính sách thương mại của Mỹ.
PMI tại Nhật Bản cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong một năm, qua đó nối dài đà giảm sang tháng thứ chín liên tiếp. Đà sụt giảm hoạt động sản xuất của Hàn Quốc cũng tăng tốc, do nhu cầu nội địa yếu.
Tương tự, PMI của Đài Loan (Trung Quốc) giảm từ 51,5 trong tháng Hai xuống 49,8 trong tháng Ba. Trong khi đó, PMI của Việt Nam tăng từ 49,2 lên 50,5./.