Hoạt động sản xuất toàn cầu gặp khó khăn vào tháng 7 khi nhu cầu suy giảm
Hoạt động sản xuất trên khắp Mỹ, châu Âu và châu Á đã chậm lại vào tháng 7 khi các nhà máy phải chật vật với nhu cầu suy yếu.
Chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng vào tháng 7 trong bối cảnh các đơn đặt hàng mới giảm, phản ánh sự suy thoái rộng rãi ở khu vực đồng euro trong khi sự suy thoái trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã kìm hãm các nước láng giềng châu Á của nước này.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Anh đã đi ngược lại xu hướng giảm và ghi nhận tháng tốt nhất trong hai năm qua, với sản lượng và việc làm tăng.
Cụ thể, chỉ số sản xuất (PMI) của Mỹ đã giảm xuống 46,8 vào tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 11, từ mức 48,5 vào tháng 6. Chỉ số PMI dưới 50 cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực sản xuất.
Mặc dù giảm trong tháng thứ tư liên tiếp, PMI của Mỹ vẫn ở mức trên 42,5 mà Viện Quản lý cung ứng của Mỹ (ISM) cho biết theo thời gian thường chỉ ra sự mở rộng của toàn bộ nền kinh tế.
Chỉ số PMI của khu vực đồng euro giữ ở mức 45,8 của tháng 6 vào tháng 7.
Leo Barincou, nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết: "Sự thay đổi trong chu kỳ tồn kho sản xuất vẫn chưa hiện thực hóa trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu yếu, khiến khu vực đồng euro thiếu động lực tăng trưởng rõ ràng vì các dịch vụ đang chậm lại".
Sự suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của Đức đã tăng tốc trong khi ở Pháp, hoạt động sản xuất đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng.
Tuy nhiên, tại Anh, PMI đã tăng lên 52,1, mức cao nhất kể từ tháng 7/2022 khi sự lạc quan gia tăng sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử của Thủ tướng Keir Starmer. Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 5% trong tuần này sau khi giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 16 năm qua trong năm qua.
Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã báo hiệu khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9 nếu nền kinh tế Mỹ đi theo lộ trình dự kiến.
Trong khi đó, sau khi cắt giảm lãi suất vào tháng 6, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay.
Tại châu Á, hoạt động sản xuất đã suy giảm ở Nhật Bản và tăng trưởng chậm hơn ở Hàn Quốc một phần do nhu cầu trong nước yếu và chi phí đầu vào gia tăng, làm tăng thêm sự ảm đạm từ sự thu hẹp hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc.
Chỉ số PMI sản xuất Caixin/S&P của Trung Quốc đã giảm xuống 49,8 vào tháng 7 từ mức 51,8 của tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2023.
"Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến một giai đoạn tăng trưởng toàn cầu ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trên khắp Châu Á trong phần còn lại của năm nay", Shivaan Tandon, chuyên gia kinh tế thị trường tại Capital Economics cho biết.
Chỉ số PMI của Nhật Bản đã giảm xuống 49,1 vào tháng 7 từ mức 50 trong tháng 6. Đi ngược lại với hầu hết các ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm vào cuộc họp chính sách mới đây và công bố kế hoạch chi tiết để làm chậm quá trình kích thích tiền tệ.
Chỉ số PMI của Hàn Quốc đã hoạt động ở mức 51,4 vào tháng 7, mặc dù vẫn trên mức 50 trong tháng thứ ba liên tiếp nhưng đã chậm lại so với mức cao nhất trong 26 tháng là 52 của tháng 6.