Hoạt động sở hữu trí tuệ đạt nhiều kết quả nổi bật
Hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm, nhất là các hàng hóa nông sản đặc thù của tỉnh. Công tác đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với các đặc sản địa phương theo các chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã có những thành tựu nổi bật, điển hình là việc thực hiện thành công Dự án Đăng ký xác lập quyền (bảo hộ) đối với chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài, một trong những nông sản chủ lực, thế mạnh của địa phương.
Các hoạt động quản lý SHTT dần đi vào chiều sâu, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định thương hiệu nông sản địa phương trong và ngoài nước. Các chủ sở hữu nhãn hiệu đã chú trọng và quan tâm nhiều hơn đối với tài sản trí tuệ của mình, đặc biệt là trong hoạt động quản lý và phát triển nhãn hiệu. Công tác phát triển các nhãn hiệu sau bảo hộ đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực; công tác cấp phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Made in DongThap” là một điểm sáng tích cực trong tổng thể hoạt động quản lý và phát triển các nhãn hiệu thuộc sở hữu cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Đồng Tháp đã ban hành cơ chế, chính sách, các kế hoạch phát triển hoạt động SHTT đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; đưa hoạt động SHTT trở thành công cụ quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực và đặc thù của địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh Đồng Tháp toàn diện và bền vững.
Tỉnh đã đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đã được Cục SHTT cấp 38 Giấy chứng nhận đăng ký nông sản chủ lực, đặc thù. Trong đó, có 1 chỉ dẫn địa lý (chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài), 33 nhãn hiệu chứng nhận và 4 nhãn hiệu tập thể đã được đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, còn có một số nông sản chủ lực, đặc thù đang lập thủ tục đăng ký xác lập quyền tại Cục SHTT tiêu biểu như: chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; nhãn hiệu chứng nhận “Làng Bột Sa Đéc”, Ổi Lê “Cao Lãnh”.
Về phát triển chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài, Sở KH&CN phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho 2 cơ sở là Công ty TNHH Westernfarm và Công ty TNHH nông sản sạch T&H, hướng dẫn cơ sở sử dụng tem chỉ dẫn địa lý, logo (đã cấp 200.000 con tem cho Công ty TNHH Westernfarm; Công ty TNHH nông sản sạch T&H đang đề nghị cấp 62.000 logo) lên sản phẩm, bao bì hàng hóa và phương tiện kinh doanh, hướng dẫn tự kiểm soát chất lượng sản phẩm và kỹ thuật bảo quản sản phẩm. Tổ chức cá nhân được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” đã và đang dần phát huy, khai thác tốt những thế mạnh và tiềm năng vốn có, góp phần quảng bá và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đối với nhãn hiệu chứng nhận “Made in Dong Thap”, chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) “Made in Dong Thap” (Sở Công Thương) đã tiếp nhận 12 hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng NHCN “Made in Dong Thap” năm 2022 của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua công tác thẩm định, Sở Công Thương đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng NHCN “Made in Dong Thap” cho 5 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với 7 sản phẩm đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc, chất lượng, quy trình sản xuất, bao bì, nhãn mác gồm: hủ tiếu khô, xoài sấy dẻo, hạt sen sấy, khô cá lóc, khô cá sặc, gạo huyết rồng, bột gạo lứt huyết rồng...
Trong năm 2022, tỉnh Đồng Tháp đã xử lý 25 vụ (tăng 5 vụ so với năm 2021) xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (xâm phạm nhãn hiệu được bảo hộ) với tổng số tiền phạt là 340,5 triệu đồng (tăng 41,5 triệu đồng so với năm 2021). Việc giải quyết các đơn khiếu nại của các chủ sở hữu được Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận và giải quyết theo đúng quy định, các chủ sở hữu thống nhất với kết quả giải quyết đơn khiếu nại...