Hoạt động tại cảng Montreal ở Canada bị tê liệt vì đình công
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, hoạt động tại cảng Montreal đã bị đình trệ đáng kể trong ngày 11/11 khi các chủ sử dụng lao động thực hiện lời đe dọa 'cấm cửa' đối với gần 1.200 công nhân bốc xếp do không chấp nhận đề nghị mà họ đưa ra.
Sự leo thang trong tranh chấp lao động có nguy cơ trở nên căng thẳng, làm tê liệt hoạt động của cảng biến lớn thứ 2 ở Canada này. Hiệp hội các chủ sử dụng lao động đã đặt ra thời hạn trước 21h tối 10/11 để công đoàn bốc xếp tại cảng Montreal hồi đáp đề nghị tăng lương khoảng 20% trong 6 năm tới với tổng mức lương trung bình của một công nhân bốc xếp dự kiến sẽ tăng lên 200.000 CAD mỗi năm khi kết thúc hợp đồng. Công đoàn bốc xếp đã không chấp nhận đề nghị trên và tuyên bố cuộc đình công của họ có hiệu lực từ thời điểm mà chủ lao động đưa ra. Tổ chức công đoàn này nói rằng sẽ chấp nhận mức tăng lương tương tự như mức tăng dành cho công nhân ở 2 thành phố Halifax và Vancouver là 20% trong 4 năm.
Các chủ sử dụng lao động cũng đã yêu cầu Bộ trưởng Lao động Steven MacKinnon can thiệp, nhưng văn phòng của ông MacKinnon chỉ đưa ra tuyên bố kêu gọi cả hai bên quay trở lại bàn đàm phán.
Cuộc tranh chấp lao động tại cảng Montreal xảy ra gần như trùng với thời điểm các chủ sử dụng lao động tại cảng British Columbia cấm cửa các công nhân vào tuần trước do công đoàn tại cảng này tuyên bố đình công. Theo Văn phòng Bộ trưởng MacKinnon, mặc dù Chính phủ Canada ủng hộ giải pháp đàm phán, song các cuộc đàm phán ở cả Montreal và British Columbia đều "tiến triển chậm, cho thấy sự thiếu tính cấp bách từ tất cả các bên liên quan".
Trong khi đó, Giám đốc điều hành cảng Montreal Julie Gascon đã cảnh báo về những hậu quả kinh tế của một cuộc đình cong kéo dài. Bà cho rằng cuộc đình công không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến 1.200 công nhân khuân vác mà còn ảnh hưởng đến hơn 10.000 công nhân hậu cần, từ nhân viên xe tải và đường sắt đến đại lý hàng hải và hoa tiêu.
Còn theo ban quản lý cảng Montreal, nếu tình trạng đình công của công nhân bốc xếp tại đây vẫn tiếp diễn, nền kinh tế Canada sẽ phải chịu hậu quả "thảm khốc", đặc biệt là ở 2 tỉnh bang Quebec và Ontario.