Hoạt động tại xã mới sau sáp nhập: Nhìn từ công tác cán bộ ở Hà Tĩnh
Sau hơn hai tháng đi vào hoạt động, đến nay, 34 xã mới sáp nhập tại tỉnh Hà Tĩnh đã hoạt động ổn định, thông suốt.
Trong quá trình sắp xếp, khó khăn lớn nhất là giải quyết công tác cán bộ. Tuy nhiên nhờ những chủ trương đúng đắn, cơ chế sát với tình hình thực tiễn, tỉnh Hà Tĩnh đã tạo được sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ và nhân dân.
Từ những chủ trương đúng
Thực hiện Nghị quyết 819/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Hà Tĩnh sắp xếp 80/262 đơn vị hành chính cấp xã, còn 216 xã, giảm 46 xã.
Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc hoàn thành chủ trương về sáp nhập, tinh gọn bộ máy, nhận được sự tạo sự đồng thuận với người dân và đội ngũ cán bộ “đương chức” hoặc đã nghỉ. Thành công đó có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành. Các chính sách, nghị quyết được tỉnh Hà Tĩnh ban hành đã góp phần thúc đẩy, gỡ khó cho công tác cán bộ ở cơ sở, tạo thuận lợi cho việc sắp xếp cán bộ tại các xã mới.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người làm việc tại xã, ngày 20/8/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND “Về một số chính sách hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 – 2021”, thay thế Nghị quyết số 127/2018/NQ-HĐND, ngày 13/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
Theo ông Cù Huy Cẩm, Trưởng phòng công chức, viên chức - Sở Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh: Nghị quyết 127/2018/NQ-HĐND và Nghị quyết 164/2019/NQ-HĐND sau khi ban hành đã khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong các chính sách giai đoạn từ 2015 đến nay, thúc đẩy nhanh việc thực hiện tinh giản biên chế của tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức cấp xã. Mức hỗ trợ theo Nghị quyết 164/2019/NQ-HĐND của Hà Tĩnh cao hơn so với quy định chung của Trung ương, chính sách riêng của một số tỉnh.
Đối với công chức cấp xã, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ kinh phí gấp 2 lần so với Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính Phủ. Chính sách này đã hỗ trợ kinh phí cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã tự nguyện thôi việc. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã giải quyết cho 1.619 cán bộ công chức (trong đó có 437 cán bộ công chức và 1.174 người hoạt động không chuyên trách) nghỉ theo Nghị quyết 164/2019/NQ-HĐND.
Cùng với việc giải quyết các vấn đề về quyền lợi, tỉnh đã có các hướng dẫn xây dựng tổ chức và bầu các chức danh quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở đơn vị hành chính mới. Theo đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Kết luận số 144-KL/TU ngày 28/8/2019 “Về thẩm quyền, cơ cấu, số lượng, quy trình lựa chọn nhân sự và sắp xếp cán bộ khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021”.
Kết luận này đã đưa ra “bộ khung” quan trọng như: Nguyên tắc sắp xếp cán bộ, phương án về cơ cấu, số lượng ban chấp hành đảng bộ, quy trình 4 bước làm nhân sự bài bản, đảm bảo dân chủ, công khai. Nhiều cơ chế được đưa ra tại kết luận 144-KL/TU của Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã trở thành căn cứ để các xã mới tổ chức lại bộ máy như: “Đối với cán bộ là cấp trưởng được sắp xếp, bố trí làm cấp phó; cán bộ cấp phó (Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND) được sắp xếp, bố trí làm công việc khác thì thực hiện bảo lưu chức danh cán bộ, công chức và chế độ lương, các khoản phụ cấp từ khi sắp xếp đến hết nhiệm kỳ của tổ chức đó”.
Đến sự vào cuộc quyết liệt từ cơ sở
Thạch Hà là huyện được đánh giá cao trong việc thực hiện công tác cán bộ, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Hà Tĩnh. Từ 15 xã, thị trấn, huyện Thạch Hà sáp nhập lại thành 6 xã, thị trấn mới; đến nay hoạt động của các xã, thị trấn mới đã cơ bản đi vào quỹ đạo. Là một trong những đơn vị cấp huyện chuẩn bị bài bản cho quá trình hình thành các xã mới, lường được hết những vấn đề có thể xảy ra để chủ động phòng tránh, quy trình sáp nhập của huyện Thạch Hà đã nhận được sự đồng thuận cao, phản hồi tốt của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân cho rằng: Thắng lợi của việc sáp nhập xã ở huyện Thạch Hà ngoài nỗ lực của địa phương còn nhờ một phần lớn vào sự quan tâm của tỉnh bằng những hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, Thạch Hà có hướng đi riêng trong quy trình đánh giá cán bộ theo 7 kênh đánh giá, trong đó Huyện ủy, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân huyện, đoàn thể, cộng đồng dân cư đều đánh giá theo 1 kênh riêng... Việc đánh giá cán bộ thực hiện khách quan, cán bộ được đánh giá bằng các sản phẩm làm được và uy tín của người đó trong cán bộ, đảng viên và tại cộng đồng dân cư.
Thành công của việc sáp nhập xã ở huyện Thạch Hà là lựa chọn ra được một bộ máy lãnh đạo các xã với những người có trình độ, năng lực, tâm huyết, tận tụy để đảm đương các vị trí. Các xã khi họp Hội đồng nhân dân để bầu các chức danh: Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, HĐND và các đoàn thể… đều đạt được tín nhiệm cao, tạo được uy tín trong nhân dân.
Đơn cử như xã Lưu Vĩnh Sơn (được hình thành từ 3 xã là Thạch Lưu, Thạch Vĩnh và Bắc Sơn) với diện tích là 41 km2, dân số hơn 13.000 người. Trước khi sáp nhập, 3 xã Thạch Lưu, Thạch Vĩnh và Bắc Sơn có 18 cán bộ công chức tự nguyện xin nghỉ, sau sáp nhập có 4 cán bộ công chức và 20 người hoạt động không chuyên trách (của xã Lưu Vĩnh Sơn cũ) cũng tự nguyện xin nghỉ. Đội ngũ cán bộ công chức của xã mới Lưu Vĩnh Sơn dư thừa gần 20 người sau sáp nhập.
Để đảm bảo hoạt động của xã mới trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, huyện Thạch Hà đã điều động nguyên Bí thư Huyện đoàn Thạch Hà về làm Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn. Bằng sức trẻ và những kinh nghiệm bước đầu ở vị trí đứng đầu một tổ chức đoàn thể cấp huyện, Chủ tịch UBND xã mới Lưu Vĩnh Sơn đã tập hợp, gắn kết được đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.
Bí thư Huyện ủy Thạch Hà Trần Nhật Tân cho biết: Ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau sáp nhập, Chủ tịch UBND xã đã phân công nhiệm vụ cho mỗi Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách một mảng công việc. Thông qua việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người dựa trên năng lực và tình hình thực tế, việc vận hành các công việc được thực hiện trôi chảy, thuận lợi hơn.
Theo đó, chỉ trong vòng 15 ngày làm việc, riêng lĩnh vực tư pháp xã đã có hơn 600 lượt người dân đến chứng thực các loại hồ sơ, giấy tờ tại Bộ phân giao dịch một cửa xã Lưu Vĩnh Sơn. Tất cả hồ sơ đều được giải quyết trong ngày, không có hồ sơ kéo dài sang ngày thứ hai mặc dù theo quy định có thủ tục phải mất 3-4 ngày.
Có mặt tại Bộ phận giao dịch một cửa, UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, bà Nguyễn Thị Thu, người dân thôn Trung Nam (xã Thạch Lưu cũ, nay thuộc xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) phấn khởi chia sẻ: Việc nhập xã khiến cho quãng đường đến trụ sở UBND xã xa hơn nhưng bản thân tôi và nhiều người dân ở đây lại thấy thoải mái, thuận lợi hơn vì việc giải quyết các loại giấy tờ, thủ tục cho nhân dân vô cùng nhanh chóng. Đội ngũ cán bộ xã mới tiếp nhận và giải quyết rất nhanh gọn, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho người dân.
Bằng những bước đi thận trọng, cách làm nhân văn, sáng tạo, tỉnh Hà Tĩnh đã đi đầu, ghi dấu ấn trong việc thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã của cả nước, tạo thuận lợi cho việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.