Hoạt động thiết thực hợp tác y tế Việt Nam – Mông Cổ: Kết nối tri thức, sẻ chia kinh nghiệm vì người bệnh
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Quốc gia Mông Cổ, hai bác sĩ trẻ đến từ xứ sở thảo nguyên đã có một hành trình trải nghiệm đầy cảm xúc, được học hỏi và trao đổi chuyên môn tại Việt Nam.
Những trải nghiệm quý báu từ các ca phẫu thuật
Tròn một tháng tham gia chương trình hợp tác trao đổi chuyên môn tại Hà Nội, bác sĩ Munkhdelger Myagmarsuren (36 tuổi), chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Quốc gia Mông Cổ không giấu được xúc động khi kể về những trải nghiệm quý báu của mình.
"Tôi đã chọn Việt Nam, đặc biệt là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, vì đây là một trong những trung tâm y khoa hàng đầu khu vực châu Á với định hướng nghiên cứu và giảng dạy mạnh mẽ. Các bác sĩ ở đây không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thân thiện, giàu tinh thần hợp tác," bác sĩ Munkhdelger chia sẻ.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình Quốc gia Mông Cổ.
"Khoảnh khắc đáng nhớ và xúc động nhất đối với tôi là được tham gia các ca phẫu thuật nội soi khớp vai và phẫu thuật nâng mũi cùng các bác sĩ phẫu thuật người Việt Nam. Việc chứng kiến quá trình hồi phục của bệnh nhân sau đó và cảm nhận rõ sức mạnh của tinh thần làm việc nhóm đã để lại ấn tượng sâu sắc. Tôi cũng rất xúc động trước bầu không khí ấm áp và tinh thần hợp tác mà đội ngũ y tế Việt Nam tạo ra", bác sĩ Munkhdelger nói.

Hai bác sĩ Munkhdelger (bên trái) và Batbayar (bên phải).
Tương tự, bác sĩ Batbayar Davaanyam (38 tuổi), đồng nghiệp của bác sĩ Munkhdelger, chia sẻ về lịch làm việc bận rộn nhưng vô cùng hiệu quả: "Chúng tôi bắt đầu ngày mới từ 7 giờ sáng với buổi họp chuyên môn, cùng thảo luận và lên kế hoạch điều trị. Sau đó là cả ngày tham gia phẫu thuật, thăm khám và cùng đội ngũ y tế xử lý các ca bệnh phức tạp."
Theo anh, chương trình không chỉ giúp nâng cao kỹ năng thực tiễn mà còn là cơ hội hiếm có để tiếp cận môi trường y tế mang tính giao thoa văn hóa.
"Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – là người tiên phong và ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động hợp tác y tế Việt Nam Mông Cổ. Tôi hy vọng ngày càng có nhiều bác sĩ trẻ được tham gia các chương trình như thế này, để cùng nhau nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở cả hai nước," bác sĩ Batbayar xúc động nói.
Ba trụ cột hợp tác chiến lược
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Hoàng Hồng – Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, Chương trình hợp tác giữa hai đơn vị y tế hàng đầu của Việt Nam và Mông Cổ được triển khai trên cơ sở cùng hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy phát triển lĩnh vực chấn thương chỉnh hình theo hướng chuyên sâu, hiện đại, bền vững.

Các bác sĩ Mông Cổ học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Theo BS. Hồng, chương trình hợp tác giữa hai bên được xây dựng một cách bài bản với ba giai đoạn rõ ràng, hướng đến sự phát triển bền vững và song phương trong lĩnh vực y học.
Giai đoạn đầu tiên là triển khai các hoạt động hội chẩn từ xa đối với những ca bệnh khó: "Chúng tôi gọi đó là 'second opinion' – ý kiến thứ hai từ các chuyên gia nước ngoài. Trong nhiều trường hợp, việc có thêm một góc nhìn chuyên môn sẽ mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn cho người bệnh". Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chủ động hỗ trợ phía Mông Cổ về hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là phần mềm PACS – hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế giúp việc chẩn đoán từ xa trở nên chính xác và nhanh chóng hơn.
Giai đoạn thứ hai tập trung vào việc đưa các chuyên gia sang trực tiếp hỗ trợ can thiệp và phẫu thuật. Những lĩnh vực mà y học Việt Nam đang có thế mạnh như nội khoa, tim mạch, tim mạch can thiệp, gây mê hồi sức, ung bướu, ngoại khoa, tiết niệu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, can thiệp điện quang, phẫu thuật chỉnh hình, tạo hình, sản khoa, nhi khoa,… ưu tiên triển khai.
"Các bác sĩ Việt Nam, với kinh nghiệm dày dạn, không hề thua kém đồng nghiệp quốc tế. Chúng tôi không chỉ tự tin chia sẻ mà còn sẵn sàng học hỏi từ những 'đặc sản chuyên môn' của bạn bè quốc tế. Chỉ tiếc rằng thủ tục hành chính để mời chuyên gia nước ngoài về Việt Nam làm việc vẫn còn nhiều rào cản", bác sĩ Hồng cho hay.
Giai đoạn cuối cùng là hoạt động đào tạo và trao đổi học viên. Ban lãnh đạo Bệnh viện đã thống nhất việc miễn học phí và hỗ trợ ăn ở cho các bác sĩ trẻ từ Mông Cổ. Đây là bước đi thiết thực nhằm xây dựng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, không chỉ cho Việt Nam mà cho cả khu vực. Giai đoạn này sẽ được khởi động từ quý II năm 2025.