Hoạt động triển lãm còn thiếu địa điểm
Việc tổ chức các hoạt động triển lãm không những giúp nghệ sĩ phát huy, giới thiệu những sản phẩm sáng tạo mà còn giúp cho công chúng có thể tiếp cận các giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, có một thực tế việc công tác quản lý hoạt động triển lãm hiện nay vẫn chưa thực sự được chú trọng dẫn đến những bất cập làm cho các hoạt động nghệ thuật thiếu tính chuyên nghiệp.
Mới đây, chính những người làm nghệ thuật đã không khỏi bất ngờ khi một triển lãm quy mô toàn quốc như “Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020” đang phải loay hoay tìm địa điểm. Nguyên nhân là từ khi Trung tâm Triển lãm Hội chợ Việt Nam (Triển lãm Giảng Võ) bị phá bỏ thì Hà Nội hiện không còn một địa điểm nào đáp ứng đủ điều kiện, yêu cầu để tổ chức một Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam. Ở đó, theo ông Vi Kiến Thành- nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm: Hiện nay Hà Nội chỉ có duy nhất Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam đáp ứng đủ quy mô về diện tích để tổ chức một triển lãm mỹ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên, trung tâm này lại không đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật dành riêng cho một triển lãm mỹ thuật.
Ông Vi Kiến Thành cho rằng: Ở Việt Nam, các nhà triển lãm được xây dựng để phục vụ cho các triển lãm chung chứ chưa có điều kiện nghĩ đến việc xây dựng nhà triển lãm dành riêng cho một chuyên ngành nào đó như mỹ thuật hay nhiếp ảnh. Vì là nhà triển lãm chung nên tất cả các bức tường của Triển lãm Vân Hồ được thiết kế toàn là tường kính. Vì thế nếu trưng bày triển lãm mỹ thuật ở đây thì tranh sẽ rất khó xem vì bị ngược sáng. Trước đó, khi tổ chức trưng bày tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã phải đóng thêm hệ thống tường giả để che tường kính với một khoản kinh phí không nhỏ. Năm nay Cục tổ chức liên tiếp các sự kiện lớn với khối lượng công việc tăng gấp rưỡi, gấp đôi nhưng kinh phí lại ít hơn so với năm 2019 nên dường như cách “chữa cháy” này đang là nhiệm vụ “bất khả thi”.... Hiện nay, có hai phương án được đưa ra là, nếu không trưng bày ở Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thì phải tính phương án trưng bày ở 3 địa điểm khác nhau. Khi đó, việc tổ chức cải tạo thế nào cho từng địa điểm trưng bày cũng không đơn giản. Còn nếu vẫn trưng bày ở Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thì kinh phí để làm tường giả cũng là một vấn đề khó giải quyết. Có lẽ cũng phải tính đến việc tổ chức một buổi riêng để mời các nhà thiết kế nội thất đến... “giải cứu” cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm.
Ngoài thiếu địa điểm để tổ chức sự kiện triển lãm, các hoạt động triển lãm cũng bị gò bó trong các quy định, không phát huy được tiềm năng, hiệu quả hoạt động, dẫn đến tình trạng lãng phí. Thậm chí tại nhiều địa phương, công tác tổ chức các hoạt động triển lãm còn “bi đát” hơn nhiều. Hiện nay, rất ít địa phương thực hiện thống kê số liệu, kiểm soát nội dung triển lãm được tổ chức tại địa bàn; quy trình, thủ tục cấp phép triển lãm còn chồng chéo; việc cấp phép triển lãm vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”... Đơn cử như câu chuyện triển lãm “Sự bí ẩn của cơ thể người” tại TP Hồ Chí Minh gây nhiều tranh cãi, buộc Sở VHTT TP Hồ Chí Minh phải vào cuộc yêu cầu dừng triển lãm.
Theo các chuyên gia, để nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động triển lãm, đòi hỏi phải có sự vào cuộc bền bỉ, lâu dài của nhiều cơ quan hữu quan, của các đơn vị tổ chức triển lãm và toàn xã hội. Tuy nhiên, để quản lý tốt, từ đó làm cho hoạt động này trở nên chuyên nghiệp hơn, trước hết các văn bản quản lý đối với lĩnh vực này cần phải thể hiện được tính chuyên nghiệp. Từng có nhiều năm làm công tác tổ chức triển lãm, ông Dương Văn Quynh- nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật, cho biết: Tham gia hoạt động triển lãm không chỉ có lĩnh vực VHNT, mà bao trùm lên mọi lĩnh vực. Chỉ xét riêng tính kinh tế mang lại từ các triển lãm kinh tế - xã hội là rất lớn. Đây không chỉ là kênh xúc tiến thương mại đem đến nhiều lợi ích giao thương, gặp gỡ đối tác, tìm hiểu thị trường mà còn là nơi các nhà đầu tư đàm phán, ký kết hợp đồng. Do đó, yêu cầu nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động triển lãm đang được đặt ra bức thiết.
Tuy nhiên, xuất phát từ đặc thù của hoạt động này vốn phức tạp do tập trung nhiều tổ chức, đối tượng, sản phẩm, đặc biệt là yếu tố nguồn gốc, xuất xứ của hiện vật, nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi quy định quản lý đã có, các cơ quan chức năng trước hết cần nêu cao trách nhiệm, hiểu biết đối với hoạt động này; có hình thức tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức của các bên liên quan đến hoạt động triển lãm. Tiếp đó, cần tăng cường và thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát tổ chức triển lãm để dần tháo gỡ những “nút thắt” trong công tác tổ chức triển lãm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/hoat-dong-trien-lam-con-thieu-dia-diem-tintuc459999