Hoạt động trợ giúp pháp lý thực sự đi vào cuộc sống

Những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Trung tâm luôn bám sát các mục tiêu, chương trình, kế hoạch của tỉnh và những yêu cầu thực tiễn để chủ động, kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động TGPL trên địa bàn.

Sở Tư pháp và Tòa án Nhân dân tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp về người thực hiện TGPL trực tại Tòa án Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, từ năm 2018 đến ngày 31-10-2022, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã thực hiện 2.777 vụ việc TGPL, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng là 2.734 vụ việc. Số vụ việc tham gia tố tụng liên tục tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2018 là 516 vụ việc; năm 2019 là 541 vụ việc; năm 2020 là 645 vụ việc; năm 2021 là 796 vụ việc và năm 2022 là 712 vụ việc. Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng vụ việc TGPL ngày càng được nâng lên. 100% trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) đều hoàn thành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng do Bộ Tư pháp yêu cầu; tỷ lệ vụ việc đạt chất lượng tốt chiếm trên 80%. Nhiều vụ việc tham gia tố tụng có quan điểm bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận theo hướng có lợi cho người được TGPL như: được tăng mức bồi thường thiệt hại, được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân, thậm chí được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt...

Trường hợp của cháu L.N.T. (sinh năm 2002) là một ví dụ. Cuối năm 2020, khi đang là học sinh ở một trường THPT ở một huyện miền núi, vì thiếu hiểu biết pháp luật, suy nghĩ giản đơn, bồng bột, T. đã mua tiền giả trên mạng để tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng bắt giữ. Sự việc xảy ra, ban đầu gia đình rất bàng hoàng bởi sự dại dột của đứa trẻ mới lớn. Là đối tượng được TGPL miễn phí, lại được các ban, ngành giới thiệu, gia đình đã có đơn yêu cầu TGPL gửi Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh. Được phân công tham gia vụ án, TGVPL Hoàng Đức Hiếu, Chi nhánh TGPL số 4 đã tư vấn, hỗ trợ cho đối tượng tại tòa với tư cách là người bào chữa. Với sự hỗ trợ của TGVPL, vụ án đã khép lại, cháu T. được hưởng mức án dưới khung hình phạt là 3 năm tù, cho hưởng án treo. Bản án khoan hồng của pháp luật đã giúp T. có cơ hội sửa chữa sai lầm, được tiếp tục đi học. Hiện tại, T. đã tốt nghiệp THPT và đang tiếp tục học nghề.

TGVPL Hoàng Đức Hiếu, Chi nhánh TGPL số 4, chia sẻ: Trong quá trình tham gia tố tụng vụ án cụ thể, TGVPL phải đồng hành cùng đối tượng được TGPL để thu thập, xác minh thông tin, chứng cứ, tài liệu để tư vấn, trợ giúp cho đối tượng hiệu quả nhất. TGVPL luôn nghiên cứu kỹ nội dung vụ việc, các văn bản pháp luật có liên quan cũng như tìm hiểu, nắm bắt bản chất vụ việc, tâm lý của bị cáo, bị hại, từ đó định hướng khắc phục lỗi, đưa ra quan điểm có sức thuyết phục trên cơ sở của pháp luật để bào chữa, bảo vệ cho người được TGPL trong các phiên tòa.

Hiện nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Thanh Hóa có 24 TGVPL hoạt động tại các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của trung tâm và 6 chi nhánh TGPL trực thuộc đặt tại các huyện: Quan Hóa, Ngọc Lặc, Như Thanh, Thạch Thành, Thường Xuân và thị xã Nghi Sơn. Việc tham gia tố tụng của các TGVPL đã góp phần vào việc xác định sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng được TGPL, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc nhanh chóng, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Thực hiện Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng đã tạo ra những bước chuyển mới trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh; đồng thời là điều kiện thuận lợi cho người được TGPL tiếp cận với dịch vụ pháp lý miễn phí trong tình huống có vướng mắc về pháp luật.

Tuy nhiên, khó khăn trong công tác TGPL hiện nay đó là số lượng TGVPL của trung tâm còn ít trong khi địa bàn rộng, nhu cầu lớn; nhiều đối tượng thuộc diện TGPL nhưng chưa biết đến hoạt động này để yêu cầu trợ giúp khi có vướng mắc pháp luật, vẫn còn có những trường hợp bị bỏ lọt đối tượng được TGPL...

Ông Đoàn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh, cho biết: Công tác TGPL đã dần đi vào chiều sâu, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng yếu thế trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính... và ngày càng được người dân tin tưởng. Để nâng cao chất lượng hoạt động TGPL trong thời gian tới, trung tâm xác định hoạt động tham gia tố tụng là hoạt động chính của đơn vị, tập trung triển khai hiệu quả hoạt động theo Thông tư liên tịch số 10, hướng dẫn để các đối tượng thuộc diện được TGPL được tiếp cận với dịch vụ một cách sớm nhất và tốt nhất. Bên cạnh đó, trung tâm đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho các TGVPL để làm sao nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng của tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng dịch vụ TGPL trên địa bàn.

Bài và ảnh: Việt Hương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-ban-phap-luat/hoat-dong-tro-giup-phap-ly-thuc-su-di-vao-cuoc-song/174209.htm