Hoạt động và cống hiến của đồng chí Tô Hiệu tại Chi bộ đảng Nhà tù Sơn La

Đồng chí Tô Hiệu bị giam cầm ở nhà tù Sơn La trong thời gian từ đầu 1940 đến đầu tháng 3/1944, đồng chí đã để lại cho muôn đời sau tấm gương sáng về nghị lực phi thường, một nhân cách cộng sản cao đẹp, hạt nhân của Chi bộ Đảng nhà tù Sơn La, với bốn dấu ấn nổi bật sau:

Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho học sinh tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho học sinh tại Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Ảnh: PV

(1) Củng cố Chi bộ nhà tù Sơn La.

Theo các tài liệu đã được công bố, đồng chí Tô Hiệu bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai vào ngày 01/12/1939, lúc này đồng chí đương đảm nhiệm chức vụ Bí thư Khu liên khu B (gồm có Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Uông Bí, Hòn Gai, Móng Cái), đặc trách Hải Phòng và bị đày lên nhà tù Sơn La đầu năm 1940. Sau 10 ngày đêm lết cùng xiềng xích, dầm mình trong mưa, gió rét, đồng chí Tô Hiệu và những người bị đày ải đã bước vào “địa ngục” trần gian – Nhà tù Sơn La.

Mặc dù bệnh lao hành hạ, bị giam riêng biệt ở “idôlê”, lại hạn chế tiếp xúc, điều đó không ngăn được đồng chí Tô Hiệu hoạt động cho Đảng và cách mạng. Tuy sức khỏe còn yếu, nhưng đồng chí Tô Hiệu đã nhanh chóng tìm hiểu, nắm bắt tình hình mọi mặt ở nhà tù Sơn La, nhất là về tổ chức đảng. Đồng chí được biết, các đảng viên ở nhà tù Sơn La đã bí mật thành lập Chi bộ cộng sản lâm thời vào cuối tháng 12/1939, gồm có 10 đảng viên, đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư Chi bộ.

Trước diễn biến mới tình hình, đặc biệt yêu cầu lãnh đạo ngày càng cao đối với đảng viên trong nhà tù, trung tuần tháng 2/1940, đồng chí Tô Hiệu đã thống nhất và đề nghị các đảng viên cộng sản bị giam cầm từ trước và những đảng viên cộng sản mới bị lưu đày lên thành lập Chi bộ cộng sản chính thức. Theo đề nghị của đồng chí Tô Hiệu, đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm Bí thư, đồng chí Tô Hiệu là chi ủy viên.

Chi bộ đảng lâm thời nhà tù Sơn La ra đời, nhanh chóng chuyển thành Chi bộ chính thức là một bước chuyển căn bản về nhận thức và hoạt động của các đảng viên bị giam cầm ở đây. Để phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo, tháng 5/1940, Chi ủy triệu tập Đại hội Chi bộ để thảo luận, xây dựng và quyết định các chủ trương công tác cụ thể, đồng thời đã bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tô Hiệu, sau khi dân chủ thảo luận, Đại hội thống nhất xác định 5 công tác chủ yếu của Chi bộ: (1) Chi bộ lãnh đạo toàn diện hoạt động cách mạng của nhà tù (2) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên và quần chúng (3) Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện đảng viên về lý luận Mác – Lênin về phương pháp đấu tranh cách mạng trong nhà tù (4) Xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và bên ngoài nhà tù (5) Tìm cách bắt liên lạc với Xứ ủy và Trung ương Đảng để xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên đối với Chi bộ nhà tù[1]. Những chủ trương công tác đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của Chi bộ nhà tù nhanh chóng hiện thực hóa, phát huy hiệu quả rõ rệt.

Theo sự chỉ đạo của đồng chí Tô Hiệu, Chi bộ được xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ và bí mật, nhằm vừa triển khai công tác lãnh đạo vừa bảo toàn lực lượng, tránh sự khủng bố của kẻ thù. Sau Đại hội Chi bộ, Chi bộ nhà tù Sơn La tổ chức Đại hội đại biểu tù nhân nhằm thông qua quy chế chung về tổ chức nhà tù, bầu ra các cơ quan tự quản của tù chính trị. Đại hội đã thảo luận và quyết định thành lập Ủy ban nhà tù (còn gọi là Ủy ban hàng trại) đặt dưới sự lãnh đạo của Chi bộ và xác định đó là cơ quan cao nhất để điều hành mọi hoạt động của tù nhân giữa hai kỳ Đại hội. Ủy ban nhà tù có nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức, thực hiện các nghị quyết của Đại hội, chỉ đạo các ban cơ sở, đồng thời làm chức năng đối ngoại. Các ban cơ sở do ủy ban cử ra gồm có Ban trật tự trong; Ban trật tự ngoài; Ban kinh tế; Ban cứu tế; Ban tuyên truyền, báo chí; Ban huấn luyện, Phòng y tế; Ban khánh tiết; Ban văn hóa, Ban dân vận; Ban binh vận; Ban tù vận và Tổ hồng thập tự (nằm trong Ban cứu tế). Riêng Ban binh vận trực thuộc Chi ủy, hoạt động rất bí mật. Như vậy, dưới sự đóng góp của đồng chí Tô Hiệu, từ tháng 5/1942, tập thể tù chính trị Sơn La đã hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức của mình.

Bên cạnh việc tổ chức các cơ quan tự quản của nhà tù, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tô Hiệu, Chi ủy còn bố trí một số đảng viên và quần chúng trung kiên đi làm bồi bếp, lao công cho các quan chức Pháp ở Tòa sứ, để nắm tình hình, thông báo những tin tức cần thiết cho Chi ủy kịp thời xử lý các tình huống cấp bách. Việc bố trí một vài đảng viên làm việc trong văn phòng nhà tù tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp các đảng viên đi theo các đoàn tù về Hỏa Lò, Côn Đảo, Hòa Bình, hoặc tiếp tục ở lại nhà ngục Sơn La để lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tô Hiệu và Chi ủy, với cách thức tổ chức đó, nhà tù Sơn La tồn tại hai hệ thống quản lý: hệ thống quản lý hà khắc, quân phiệt của chính quyền thực dân và hệ thống tự quản của tù chính trị - một chế độ quản lý dân chủ, kỷ luật và tự giác dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng. Trong điều kiện bị kẻ thù kiểm soát rất gắt gao, việc đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ xây dựng trong thực tế được một hệ thống tổ chức chặt chẽ, toàn diện như vậy đã tạo ra những điều kiện cơ bản nhất để thống nhất đội ngũ trong cuộc đấu tranh sống chết với kẻ thù ở địa ngục trần gian này.

Chi bộ nhà tù Sơn La tự xác định là một Chi bộ đặc biệt của Xứ ủy và của Trung ương Đảng. Khoảng trung tuần năm 1942, một số tù chính trị mãn hạn tù trở về với phong trào cách mạng, đã bắt liên lạc được với Trung ương Đảng và đã được Trung ương Đảng công nhận Chi bộ nhà tù Sơn La là chi bộ chính thức của Trung ương Đảng. Đây là một sự cổ vũ lớn lao đối với các đảng viên và quần chúng trung kiên của Đảng trong nhà tù Sơn La. Kết quả này có sự đóng góp vô cùng to lớn của đồng chí Tô Hiệu.

Sự ra đời của Chi bộ nhà tù Sơn La thể hiện tầm nhìn sáng suốt của những người cộng sản đã có kinh nghiệm đấu tranh trong nhà lao thực dân, trong đó nổi bật vai trò lãnh đạo của đồng chí Tô Hiệu. Sự kiện lịch sử này không những đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh của tù chính trị ở trong tù có sự lãnh đạo của Đảng, mà còn đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng tại Sơn La. Từ đây, Chi bộ nhà tù Sơn La xây dựng cơ sở, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển của Đảng bộ tỉnh Sơn La sau này.

(2) Tổ chức đấu tranh chống chế độ tàn bạo của nhà tù Sơn La.

Tại nhà tù Sơn La, các tên đao phủ thực dân như Công sứ Xanhpulốp, Công sứ Cútxô, chánh sếp Gabôri và đồng bọn đầy tham lam, độc ác, cực kỳ thâm hiểm. Bọn chúng luôn tìm các thủ đoạn khủng bố tù nhân tàn bạo hơn nữa như bắt tù nhân phá đá, đốn gỗ trong rừng sâu, đào hầm, xây nhà tù và bắt tù nhân phải ăn gạo lẫn trấu, thịt ôi, cá ươn, mắm thối, nằm sàn xi măng, cùng với các căn bệnh hiểm nghèo để tra tấn tinh thần, hành hạ thể xác hòng tiêu diệt cả ý chí và thể xác những người cộng sản[2]. Năm 1935, Cútxô - một tên thực dân cáo già, một mật thám lành nghề, lên Sơn La thay thế Xanhpulốp. Trong thời gian cai trị, Cútxô và những những tên thực dân bóc lột đến cùng kiệt sức lao động của tù nhân, như tăng thêm giờ lao động hàng ngày, vô cớ đánh đập, ăn bớt trắng trợn khẩu phần của tù nhân v.v…

Để đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù Sơn La, đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ bàn bạc thống nhất chủ trương, chuẩn bị kỹ lưỡng về tinh thần, kế hoạch phát động tù chính trị đấu tranh vào tháng 6/1940. Trước mặt tên Giám ngục Gabôri, đồng chí Trần Huy Liệu - đại diện tù chính trị tuyên bố bắt đầu tuyệt thực để phản đối những hành động vô lý, tàn bạo của nhà tù. Cuộc tuyệt thực kéo dài qua ngày thứ tư. Thấy không thể lay chuyển được ý chí đấu tranh của tù chính trị, Cútxô quyết định nhân nhượng một bước để chuẩn bị cho cuộc đàn áp lớn hơn với lời hứa hẹn sẽ giải quyết những đòi hỏi chính đáng của tù chính trị, nếu tù chính trị đình chỉ cuộc tuyệt thực. Thay mặt những người tuyệt thực, đồng chí Trần Huy Liệu đưa Cútxô bản yêu sách đã được chuẩn bị trước. Lập tức Cútxô ra lệnh cho chánh sếp nhà tù phải giải quyết những yêu cầu của tù chính trị, không được đánh đập, mạt sát tù nhân bởi vì “nước Pháp có nền văn minh cao nhất thế giới”. Trước mặt thượng cấp, chánh sếp Gabôri hứa chấp hành mệnh lệnh của Công sứ. Từ đó, Gabôri đã phải giảm bớt thái độ thô bạo và hành động hung hãn đối với tù nhân. Tuy tạm thời nhân nhượng tù chính trị trong cuộc đấu tranh tháng 6/1940, nhưng thực tế, bọn thống trị ở nhà tù Sơn La đã có kế hoạch tấn công quyết liệt hơn để khủng bố tinh thần tù chính trị. Trước đây mỗi kíp xe nước tù chính trị phải vận chuyển 7 chuyến mỗi ngày (sáng bốn, chiều ba) từ bản Giảng ngược dốc đồi Khau Cả để cung cấp nước chủ yếu cho nhà tù nay tăng thêm hai chuyến nữa. Kíp nào không đạt mức khoán mới, chúng biên số tù từng người, phạt giam hầm cả kíp xe nước.

Trước tình hình đó, ngày 12/5/1941, sau khi bàn bạc với Chi ủy Chi bộ, đồng chí Tô Hiệu đề nghị triệu tập toàn thể đảng viên trong nhà tù để bàn bạc phương thức đấu tranh và quyết định phát động một cuộc đấu tranh với quy mô lớn và toàn diện để phản đối chế độ hà khắc của nhà tù, đòi thả những người bị tống giam. Toàn thể đảng viên Chi bộ đều thống nhất tư tưởng xác định cuộc đấu tranh này là một sự rèn luyện chí khí, tinh thần cách mạng. Cuộc đấu tranh diễn ra khi đồng chí Tô Hiệu đang trong thời gian bệnh rất nặng. Ủy ban đấu tranh cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định đề nghị đồng chí Tô Hiệu ở ngoài cuộc để làm nhiệm vụ liên lạc và vận động binh lính giúp đỡ tù chính trị tranh đấu. Trên cơ sở ý kiến thống nhất toàn thể đảng viên, Chi bộ cử Ban đại biểu ra chất vấn Cútxô về việc tăng vô lý từ 7 lên 9 xe nước mỗi ngày và đòi phải thả những người bị phạt giam hầm. Nếu yêu sách này không được giải quyết thỏa đáng, tất cả sẽ tuyệt thực để phản đối.

Ngày 13/5/1941, vào đúng bữa cơm trưa, đại biểu của tù chính trị tuyên bố với giám ngục sẽ tuyệt thực, không đi làm để phản đối việc đánh đập và vô cớ bắt giam mấy người xe nước vào hầm tối[3]. Ngay sau đó, tù nhân trật tự đi về các trại. Ban lãnh đạo cuộc đấu tranh sắp xếp chỗ nằm, chỗ ngồi cho từng người để đảm bảo sức khỏe, giữ vững tinh thần. Tất cả siết chặt đội ngũ và sẵn sàng đối phó với quân thù. Khác với cuộc đấu tranh tháng 6/1940, lần này đối tượng đấu tranh trực tiếp bị chĩa mũi nhọn là Cútxô; tuyệt thực, đình công (không đi làm). Tính chất và quy mô của cuộc đấu tranh lần này gay gắt hơn nhiều so với cuộc đấu tranh tháng 6/1940.

Khi được tin tù chính trị tuyệt thực và đình công, lập tức Cútxô ra lệnh cho binh lính sử dụng vũ khí dồn 156 người xuống hầm tối với một diện tích rất nhỏ. Hầm chỉ có một cửa thông ra ngoài (có một lối đi rộng 0,8m) chặn bằng một song sắt và một tấm cửa sắt. Dưới hầm còn có 7 phòng tối để nhốt tù nhân, mỗi phòng nhỏ chỉ nhốt được một người và còn lại là lối đi. Những phòng nhốt một người thì chỉ có một lỗ thông hơi. Tiếp đó, Cútxô ra lệnh không cho lọt một hạt cơm, ngụm nước vào hầm, ai trái lệnh sẽ bị xử bắn tại chỗ và còn đe dọa nếu cần sẽ lấy gạch nút chặt cửa hầm cho tù nhân chết ngạt, để “xem bọn cộng sản to gan, lớn mật đến đâu”. Bình thường, hầm này chỉ giam tối đa 20 người, nay phải chứa tới 156 người, quả là ngoài sức tưởng tượng. Tình thế của những người đấu tranh trở nên rất khó khăn. Chi bộ và những người tham gia đấu tranh thấy rõ đây không còn là những lời đe dọa, uy hiếp tinh thần tù nhân nữa. Kẻ thù đã hoàn toàn tháo bỏ mặt nạ giả nhân giả nghĩa của chúng.

Trước tình hình ấy, vì ở “idôlê”, Tô Hiệu đã mọi cách nắm tình hình, chuyển tin tức ra ngoài nhà tù để dư luận phản đối hành động “chôn sống” người tù của Công sứ, tìm cơ hội để tiếp xúc binh lính có cảm tình với tù chính trị để khơi dậy trong họ lòng nhân ái, nghĩa đồng bào, tình thân thiết và đề nghị kín đáo tiếp tế nước uống cho anh em ở dưới hầm. Tuy nhiên, do sự kiểm soát ngặt nghèo, âm mưu thâm độc của bọn chúa ngục, cuộc đấu tranh đã kéo dài tới ngày thứ sáu mà không thể tiếp tục kéo dài thêm nữa. Tình thế đòi hỏi đã đến lúc Ban lãnh đạo đấu tranh phải có những giải pháp phù hợp đề bảo toàn lực lượng: lùi một bước để tiến những bước vững chắc hơn, nếu máy móc, cứng nhắc sẽ khó tránh khỏi tổn thất nghiêm trọng. Sau khi phân tích, cân nhắc kỹ lưỡng, Ban lãnh đạo cuộc đấu tranh quyết định tạm ngừng cuộc đấu tranh để bảo toàn tính mạng cho 156 người, củng cố lực lượng.

Thủ đoạn đàn áp của Cútxô gây ra cho tù nhân những khó khăn mới trong tranh đấu nhưng đồng chí Tô Hiệu và Chi ủy không lùi bước. Các đồng chí đã tổ chức rút kinh nghiệm cuộc đấu tranh và tiếp tục bàn bạc xây dựng phương án đấu tranh mới nhằm phá từng mặt, từng bước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Đó là, trong điều kiện không thể công khai tiến hành đình công thì chuyển sang dùng biện pháp lãn công. Mọi người hằng ngày vẫn đi làm, nhưng chỉ làm hình thức với năng suất lao động và chất lượng thấp nhất có thể để kẻ địch không có cớ đàn áp, khủng bố. Mặt khác, đồng chí Tô Hiệu và Chi ủy chỉ đạo Ủy ban nhà tù đấu tranh chống bọn cai ngục bớt xén khẩu phần của tù nhân, đòi phát quần áo đúng số lượng và đúng hạn, phải chăm lo sức khỏe cho những người ốm yếu v.v.. Cuộc đấu tranh không tuyên bố này của tù chính trị với kẻ địch diễn ra dưới hình thức hợp pháp, nhưng cũng không kém phần gay gắt. Trước những diễn biến mới có lợi cho các lực lượng cách mạng trên thế giới và chấp nhận sự đấu tranh có lý lẽ của tù chính trị, đầu tháng 10/1941, Cútxô buộc phải ra lệnh trả lại các quyền lợi cho tù chính trị như trước ngày 13/5/1941.

Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ Đảng, cuộc đấu tranh của tù chính trị ở nhà tù Sơn La kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9/1941 là cuộc đấu tranh trong nhà tù đế quốc “quyết liệt hơn cả, oái oăm hơn cả và cũng gian khổ hơn cả”[4]. Cuộc đấu tranh của tù chính trị Sơn La tháng 5/1941 không giành được thắng lợi như mong muốn, nhưng đó là những bài học kinh nghiệm thiết thực cho những cuộc đấu tranh sau này, nhất là những kinh nghiệm về mặt tổ chức, về phương pháp và hình thức đấu tranh trong tù.

Sau cuộc đấu tranh chống Cútxô, sức khỏe của anh em trong tù bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều người bị kiệt sức và đã có vài người bị chết vì thiếu chất dinh dưỡng và bệnh tật hiểm nghèo... Trước tình hình ấy, đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ đã kịp thời đề ra chủ trương tiếp tục đấu tranh nhằm phục hồi sức khỏe cho mọi người để có thể đủ sức tiếp tục đương đầu với kẻ thù. Ban kinh tế đã vận động anh em tăng gia sản xuất, xây dựng quỹ chung, gọi là Quỹ kinh tế, để có nguồn kinh phí hoạt động công ích và hỗ trợ cho mọi người lúc ốm đau. Những mục tiêu, biện pháp trên rất thiết thực, phù hợp với khả năng, sức khỏe của từng người nên được mọi người tích cực hưởng ứng, nhiệt tình tham gia. Người khỏe làm việc nặng, người yếu làm việc nhẹ, người có tay nghề giỏi làm hàng thủ công (làm đồ mộc, đẽo guốc, đan rổ rá…) để bán lấy tiền, góp vào quỹ tăng gia và tự cải thiện.

Kẻ thù muốn tù chính trị kiệt quệ về thể xác, sa sút về tinh thần, mất hết ý chí chiến đấu, rồi chết dần chết mòn trong tuyệt vọng, nhưng đồng chí Tô Hiệu và Chi bộ kịp thời đề ra chủ trương phải biến nhà tù - địa ngục trần gian - thành nơi có sinh hoạt văn hóa. Thực hiện chủ trương đó, Ban văn nghệ khẩn trương xúc tiến các hoạt động cần thiết như lập các nhóm thơ, ca, kịch để làm nòng cốt của các đêm liên hoan văn nghệ. Hưởng ứng hoạt động này, nhiều đồng chí đã hăng hái tham gia, khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn để tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ có nhiều ý nghĩa ngay trong nhà tù đế quốc.

Tết năm 1942 được coi là một trong những cái tết rất nhiều ý nghĩa, vừa để kỷ niệm cuộc đấu tranh thắng lợi của anh em, vừa để ăn mừng ngày Tết của dân tộc. Tổ ca kịch ra sức luyện tập và đã biểu diễn vở Kẻ thủ phạm, phỏng theo tiểu thuyết của Phơrăngxoa Cốppê và nhiều tiết mục thơ ca, độc tấu khác. Nhiều bà con ở phố Chiềng Lề, một số vợ con binh lính cũng đến xem buổi biểu diễn văn nghệ. Để hợp pháp hóa buổi biểu diễn văn nghệ, đồng thời để nêu cao tinh thần lạc quan cách mạng trước mặt kẻ thù, Ban văn nghệ mời vợ chồng giám ngục Lơbông và một quan hai lê dương tham dự buổi biểu diễn. Chủ trương của Chi bộ về cải thiện đời sống vật chất, bồi dưỡng tinh thần đã trở thành hiện thực, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của tù nhân để tự giải phóng khỏi nhà tù những năm sau này.

Vì lý do bệnh tình ngày càng trầm trọng, sức khỏe ngày càng xấu đi, tháng 10/1941, đồng chí Tô Hiệu đề nghị Chi bộ cho thôi nhiệm vụ Bí thư Chi bộ. Chi bộ đồng ý với đề xuất của đồng chí Tô Hiệu, nhưng đề nghị đồng chí tham gia chỉ đạo hoạt động của Chi bộ, là cố vấn đặc biệt, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tuyên truyền. Tiếp nối đồng chí Tô Hiệu, đồng chí Lê Thanh Nghị được Chi bộ bầu làm Bí thư.

(3) Lãnh đạo huấn luyện, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ sở cách mạng.

Để nghị quyết của Đại hội Chi bộ (tháng 5/1940) thành hiện thực, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tô Hiệu, Chi bộ đã đề ra chủ trương cụ thể để tổ chức thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ cũng như công tác tuyên truyền, giáo dục đảng viên, quần chúng.

Tô Hiệu đã nhanh chóng cụ thể hóa chủ trương của Chi bộ trong việc phân công một số đồng chí trong Ban huấn luyện nghiên cứu và cụ thể hóa bằng việc chuẩn bị các tài liệu học tập về chủ nghĩa Mác - Lênin, biên soạn giáo trình về các phương diện lý luận chính trị, quân sự, công tác đảng, công tác vận động quần chúng, xây dựng các tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng... để làm tài liệu học tập nhằm nâng cao sự giác ngộ, lòng trung thành với lý tưởng của Đảng và sự nghiệp cách mạng trên cơ sở giáo dục sự hiểu biết cho đảng viên và quần chúng trung kiên cũng như trang bị những kiến thức cần thiết về phương thức hoạt động cách mạng cho họ. Đặc biệt, khi nắm được tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Chương trình và Điều lệ Việt Minh, Tô Hiệu đã phân công một số đồng chí trong Ban huấn luyện nghiên cứu làm tài liệu học tập, thảo luận để đảng viên hiểu rõ tình hình, nhiệm vụ và những chủ trương của Đảng trong giai đoạn trước mắt là đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, tự do cho đất nước. Đồng chí Tô Hiệu cũng trực tiếp biên soạn chương trình trên cơ sở nhớ lại những bài giảng đã được học tập khi ở tù Côn Đảo như Cộng sản sơ giải; Thanh nông công vận; Kinh nghiệm hoạt động bí mật; Chủ nghĩa Lênin đại cương... Bên cạnh đó, đồng chí Tô Hiệu phân công các đồng chí có trình độ và kinh nghiệm hoạt động như Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đức Sắc (Văn Tân), Phi Vân... viết các tập tóm tắt để làm tài liệu giảng dạy như Chủ nghĩa Mác; Kinh tế chính trị học; Lịch sử Đảng Cộng sản Bônsêvích... Tất cả đều được viết lại qua trí nhớ.

Việc giảng dạy và truyền đạt kiến thức được đồng chí Tô Hiệu giao trách nhiệm cụ thể phù hợp với trình độ và kinh nghiệm thực tiễn của từng người: đồng chí Tô Hiệu và đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuyên giảng về công tác tổ chức đảng, công tác chi bộ, công tác bí mật; đồng chí Trần Huy Liệu chuyên giảng về văn, sử Việt Nam và công tác báo chí; đồng chí Trần Đình Long chuyên giảng về triết học Mác - Lênin... Những đảng viên và quần chúng trung kiên được học chương trình đơn giản hơn do các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu phụ trách. Các môn học với nhiều nội dung phong phú, gắn với thực tiễn và phần lớn đều được trao đổi và thảo luận kỹ càng, bởi vậy có sức cuốn hút lớn, người học nhiệt tình tham gia.

Việc học tập đi từ thấp lên cao, hình thức học chủ yếu theo lối truyền miệng, người biết nhiều dạy cho người biết ít; người biết ít dạy cho người chưa biết. Với phương thức học tập, thảo luận hết sức linh hoạt, học mọi lúc, mọi nơi, trên sàn nhà tù và cả trong lúc đi lao động khổ sai ở bên ngoài, đồng chí Tô Hiệu chỉ đạo Chi bộ thành lập các tổ, mỗi tổ được chia theo nhóm từ 10 đến 25 người dựa trên trình độ và mức độ hiểu biết của từng người. Các lớp học được tổ chức mỗi tuần 2 buổi tối, trước giờ tắt đèn. Với những nội dung và phương thức học tập phong phú, các buổi học tập, trao đổi thảo luận trở nên sôi động hơn và rất có hiệu quả trong điều kiện ở nhà tù Sơn La[5]. Để tuyên truyền, giáo dục đảng viên, đồng chí Tô Hiệu, Chi ủy còn chỉ đạo và quyết định ra tờ báo Suối reo vào tháng 5/1941. Ngoài học văn hóa và lý luận chính trị, đồng chí Tô Hiệu, Chi ủy cũng triển khai việc học ngoại ngữ cho các tù chính trị, nhằm phục vụ cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, đặc biệt nhằm nắm bắt thông tin từ sách báo (vì sách báo chủ yếu được đăng tải bằng tiến Pháp, tiếng Anh). Đồng thời chủ trương tổ chức học tập tiếng dân tộc (tiếng Thái), tìm hiểu phong tục tập quán dân tộc Thái cũng được triển khai trong những lúc đi khổ sai bên ngoài, bằng cách tranh thủ tiếp xúc với đồng bào để vừa học, vừa tuyên truyền, vận động, mở rộng ảnh hưởng cách mạng, uy tín tù chính trị. Các đồng chí Nguyễn Văn Trân, Mai Đắc Bân nói tiếng Thái rất thạo. Đồng chí Nguyễn Văn Trân còn sáng tác bài thơ bằng tiếng Thái: Khay nị xum hau khô lai/ Khảu báu nhăng kin, pay pá khút mắn ... Nộp thuế, pay phu, pay lính/ Pọm căn, xum hau tứn khửn[6].

Cùng với học tập văn hóa, lý luận chính trị, các hoạt động tuyên truyền, giác ngộ và xây dựng cơ sở cách mạng trong đội ngũ công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến, trong hàng ngũ binh lính, trong đồng bào sinh sống ở các khu dân cư quanh tỉnh lỵ được triển khai bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp, rất hiệu quả. Nhờ đó, tháng 8/1943, cuộc vượt ngục của tù chính trị đã thành công đưa những cán bộ cốt cán về hoạt động cách mạng[7].

Từ thực tiễn đấu tranh cho thấy, đồng chí Tô Hiệu và các chiến sĩ cộng sản bị tù đày ở nhà tù Sơn La đã nêu cao tinh thần đoàn kết, kỷ luật chặt chẽ, lựa chọn hình thức phù hợp, biến khó khăn thành thuận lợi, giành thắng lợi trong đấu tranh. Đồng chí Tô Hiệu và các chiến sĩ cộng sản thực sự đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, xua tan sự tàn ác, khắc nghiệt ở chốn lao tù. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “... Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó lại chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng, mà trái lại nó đã trở nên một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng càng thêm cứng rắn. Mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua”[8].

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tô Hiệu và Chi ủy, nhà tù Sơn La đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng, ươm mầm những “hạt giống đỏ” cung cấp cho phong trào cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cộng sản xuất sắc, góp phần quan trọng vào thành công của cao trào khởi nghĩa giành chính quyền đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc[9].

(4) Tổ chức vượt ngục thành công.

Khi đặt chân lên nhà ngục Sơn La, đồng chí Tô Hiệu đã nghĩ đến việc bắt liên lạc với Trung ương Đảng để nhận được sự chỉ đạo đồng bộ, đúng hướng với các vùng cách mạng khác. Vì vậy, khi được đồng chí Bùi Đình Đổng báo tin trong đoàn công nhân từ Hải Phòng lên làm việc tại Nhà máy điện Sơn La có một số quần chúng cách mạng đã từng hoạt động với đồng chí Đổng tại Hải Phòng, Tô Hiệu lập tức cử đồng chí Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ) có biện pháp để lấy lòng tin của sếp ngục nhằm được chúng cắt đặt công việc phục vụ, đi lại tự do trong bán kính 2km, có nhiệm vụ bắt liên lạc với nhóm công nhân, để gây dựng cơ sở trong công nhân Nhà máy điện Sơn La sau đó phát triển sang công nhân vận tải hãng Férrìere (Phê-ri-ê), thiết lập đường dây liên lạc với Trung ương. Công việc mới bắt đầu thì địch đánh hơi thấy và chuyển toàn bộ nhóm công nhân từ Hải Phòng về xuôi.

Năm 1942, khi đồng chí Trần Đăng Ninh bị đày lên ngục Sơn La cho biết, theo Nghị quyết Trung ương 8, phong trào cách mạng các vùng dâng cao, Trung ương Đảng rất cần lực lượng chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua khó khăn, mà một bộ phận không nhỏ cốt cán của Đảng đang bị cầm giữ trong các nhà ngục của đế quốc. Trung ương Đảng đã chỉ thị đưa cán bộ vượt ngục về tiếp ứng phong trào. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến phân tích và cho rằng vượt ngục là quá mạo hiểm... Đồng chí Tô Hiệu, Chi ủy đã phân tích mọi mặt, cân nhắc nhiều phương án, thấy rằng chủ trương tổ chức vượt ngục là việc rất cấp bách đồng thời xác định phải tổ chức vượt ngục để bổ sung lực lượng cho Trung ương, cho phong trào.

Sau gần một năm chuẩn bị kỹ lưỡng về người dẫn đường, tư tưởng, tổ chức, các loại giấy tờ cần thiết, nhu yếu phẩm đi đường..., đồng chí Tô Hiệu cùng Chi ủy quyết định những người được vượt ngục. Ngoài các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu đã thống nhất, trên cơ sở đề xuất của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Chi ủy cũng thảo luận kỹ, đặc biệt đồng chí Tô Hiệu đề xuất để có thêm đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục trong đợt này[10].

Sau 9 ngày đêm đi bộ băng rừng, vượt núi vô cùng gian khổ, nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng và bằng ý chí kiên cường với trí tuệ minh mẫn nhất trước lúc gian nguy nên những người vượt ngục đã ứng phó rất linh hoạt và trở về với Đảng, với cách mạng và có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên cả nước.

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng trong nhà tù Sơn La đã cho thấy, tuy bị bệnh nặng và chế độ lao tù hà khắc hành hạ nhưng đồng chí Tô Hiệu luôn giữ vững tinh thần lạc quan, ý chí kiên cường, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các chiến sỹ cộng sản, quần chúng trung kiên bị đế quốc giam trong ngục tù. Bản lĩnh người chiến sỹ cộng sản, tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí Tô Hiệu đã trở thành biểu tượng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại nhà tù Sơn La; là di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.

[1] Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La tập I (1939-1954); Nxb chính trị quốc gia, HN 2005, tr 47

[2]. Đồng chí Xuân Thủy mô tả nhà tù Sơn La:

“Lại đến Sơn La, lại núi rừng,

Nằm trên đỉnh núi mà như bưng.

Lờ mờ cửa ngục thông ba lỗ Thăm thẳm hầm giam sâu mấy tầng.

Tháng tháng cơm xôi đau cả bụng Đêm đêm sàn đá buốt sau lưng.

Ai ơi, sốt rét đừng ra máu Non nước chờ xem ta vẫy vùng”.

(Xem Nhà tù Sơn La, Tài liệu tổng hợp của Viện Lịch sử Đảng, Hà Nội, 1970, tr.8).

[3] Đồng chí Phi Vân được cử ra mời Gabôri để hỏi về yêu sách của tù chính trị đã trao cho hắn buổi sáng. Khi được biết chúa ngục đã bác đơn, đồng chí Phi Vân tuyên bô: bắt đầu từ buổi chiều, tù nhân không đi làm và tuyệt thực để phản đối cho đến bao giờ yêu sách được thỏa mãn.

[4] Dẫn theo Trần Huy Liệu: “Dưới hầm Sơn La”, in trong Suối reo ngày ấy, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2006, tr.10.

[5] Đồng chí Xuân Thủy kể lại: “Sau giờ lao động nặng nhọc, trên những tảng đá, sàn xi măng, sàn gỗ đầy rệp, từng đám người rất náo nhiệt, chỗ này lớp học văn hóa, chỗ kia tổ học chính trị, nọ là nhóm hĩnh vận, dân vận, đây là ban biên tập báo Suối reo”. “Suối reo năm ấy”, tạp chí Văn học, số 1, 1960.

[6] Tạm dịch: Bây giờ chúng ta nhiều cực khổ/ Gạo chẳng còn, đào củ kiếm ăn/... Lại nộp thuế, đi phu, đi lính/ Cùng nhau ta nhất định đứng lên!

[7] Cuộc vượt ngục gồm 4 đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu và Nguyễn Văn Trân do anh Lò Văn Giá dẫn đường ngày 15/8/1943.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.402.

[9] Trần Thanh Quang viết: “Dưối sự lãnh đạo của Chi bộ, đứng đầu là đồng chí Tô Hiệu: đạo đức cách mạng của người cộng sản được rèn luyện một cách sâu sắc, đối nội biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau như ruột thịt, kỷ cương chặt chẽ, dân chủ, bình đẳng rất cao... có thể nói nhà ngục Sơn La dưới sự lãnh đạo của Chi bộ mà linh hồn là đồng chí Tô Hiệu xứng đáng là lò lửa cách mạng bất khuất trước quân thù, một trường đào tạo cán bộ cách mạng. Thực tế đã chứng minh các chiến sĩ đã ở tù Sơn La sau Cách mạng Tháng Tám dù công tác ở trong Nam, ngoài Bắc, trong quân đội cũng như ngoài nhân dân, vùng tự do cũng như vùng địch tạm chiếm, đều là những cán bộ cốt cán, cán bộ tốt của Đảng, trong đó nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cốt cán, trụ cột của Đảng, của quân đội cho đến ngày nay. Công lao ấy là của tập thể nhưng linh hồn của tập thể ấy là đồng chí Tô Hiệu... đồng chí xứng đáng là một học trò xuất sắc của Bác Hồ mà tất cả chúng tôi phải học tập, noi theo”. Trần Quang Thanh: “Nhớ về anh Tô Hiệu” (in trong Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ban liên lạc Nhà tù Sơn La, Tỉnh ủy Hưng Yên, Thành ủy Hải Phòng, Tỉnh ủy Sơn La: Tinh thần Tô Hiệu, Sđd, tr.245).

[10] Cuộc vượt ngục Sơn La, ngày 3/8/1943 của các đồng chí Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Trân, Ngô Ngọc Du, Tô Quang Đẩu, Lê Trung Toản, Lưu Quyên (do đồng chí Lưu Quyên chắp bút tháng 8/1988); Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La ghị: “Chi ủy phải tranh thủ thêm ý kiến của đồng chí Tô Hiệu mới đi đến thống nhất hoàn toàn”.

Hoàng Văn Vấn (Hội sử học Sơn La)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hoat-dong-va-cong-hien-cua-dong-chi-to-hieu-tai-chi-bo-dang-nha-tu-son-la-48406