Hoạt động vận tải hành khách thích ứng an toàn, linh hoạt

Năm 2021, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động vận tải hành khách. Để vượt qua khó khăn, các ngành chức năng, đơn vị vận tải đã sớm thích ứng với tình hình mới, thực hiện những giải pháp chủ động linh hoạt, phù hợp: Vừa tăng cường phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Sau thời gian tạm dừng để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đến nay, hoạt động vận tải khách trên địa bàn tỉnh thực hiện trở lại theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt.

(baophutho.vn) - Năm 2021, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động vận tải hành khách. Để vượt qua khó khăn, các ngành chức năng, đơn vị vận tải đã sớm thích ứng với tình hình mới, thực hiện những giải pháp chủ động linh hoạt, phù hợp: Vừa tăng cường phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 bến xe khách và hơn 260 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải khách theo các loại hình: Vận tải hành khách theo tuyến cố định; vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe taxi và xe buýt với gần 1.700 xe ô tô. Trong đó, vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh và liên tỉnh hiện có 128 tuyến với trên 375 xe được phép hoạt động tham gia khai thác.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã khiến hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách bị ảnh hưởng nặng nề. Không ít doanh nghiệp do không đủ trả chi phí thường xuyên, lãi suất ngân hàng… đã phải bán phương tiện, cắt giảm nhân sự, nhiều lao động trong ngành không có việc làm.

Doanh nghiệp tư nhân Đại Việt hiện có 29 xe ô tô vận chuyển hành khách các tuyến cố định từ thành phố Việt Trì đi các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình, Hải Dương, Thái Bình và ngược lại. Ngay sau khi được phép hoạt động trở lại, hiện mới chỉ có bảy xe tham gia hoạt động các tuyến từ Việt Trì đi các tỉnh Bắc Giang, Ninh Bình và Hòa Bình, mặc dù doanh nghiệp đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phục vụ hành khách.
Ông Bùi Huy Phương - Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Bám sát chỉ đạo của Sở GTVT, đơn vị đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch cũng như biểu đồ chạy xe đã đăng ký. Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu đi lại của nhân dân chưa cao, lượng khách đi xe giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm trước khiến doanh thu sụt giảm. Khách đi xe ít, nguồn thu giảm song vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, nộp thuế, phí, bảo hiểm, lương cho người lao động… khiến hoạt động vận tải hành khách tiếp tục gặp khó khăn.

Theo phản ánh của hầu hết chủ phương tiện, lượng khách đi xe tuyến cố định chỉ đạt 30-40% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, nhiều đơn vị chưa đưa hết số phương tiện ra khai thác, người lao động được bố trí làm việc luân phiên. Qua khảo sát ở một số bến xe khách vào khung giờ sáng, lượng khách mua vé xe đi Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành trong cả nước giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Lĩnh vực giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa, vận chuyển hành khách, luôn phải “đi trước mở đường” tạo điều kiện cho các lĩnh vực kinh tế phát triển. Những khó khăn chung đòi hỏi các ngành chức năng, các doanh nghiệp vận tải phải đề ra các giải pháp phù hợp để tiếp tục duy trì, mở lại và tăng cường hơn các tuyến, các chuyến vận chuyển hành khách, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Các nhà xe tại Bến xe khách Việt Trì đều trang bị nước sát khuẩn, khẩu trang phục vụ vận chuyển hành khách, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Linh hoạt khôi phục hoạt động vận tải hành khách

Sau thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đến nay, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, nhiều địa phương nới lỏng hoạt động đi lại, các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng phương tiện, nhân lực để hoạt động hết công suất, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành đổi mới phương thức phục vụ bằng sử dụng mạng xã hội cung cấp dịch vụ, nhận đón trả khách tận nhà, đa dạng các phương tiện vận chuyển, đáp ứng nhu cầu hành khách với phương châm an toàn, nhanh chóng, thuận tiện, văn minh, lịch sự. Không ít các doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, từng bước thích ứng, huy động mọi nguồn lực để duy trì và phục hồi phát triển kinh doanh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Để kiểm soát có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải và các đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức hoạt động vận tải của Bộ GTVT, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn, chỉ đạo của ngành Y tế và địa phương, nơi phương tiện có hành trình chạy xe đi đến hoặc đi qua; chỉ đạo phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, các đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách thường xuyên nắm bắt thông tin, diễn biến của dịch bệnh kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Sở chỉ đạo tổ chức hoạt động vận tải phù hợp tình hình thực tế; chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định… Cùng với đó, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Sở GTVT đã tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, tham mưu đề xuất với tỉnh và các bộ, ngành Trung ương có giải pháp hỗ trợ nhằm đưa hoạt động vận tải khách ổn định trở lại.

Hiện nay, các đơn vị quản lý và khai thác bến xe khách trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K, khai báo y tế điện tử qua mã QR Code trên ứng dụng PC-COVID, lập và lưu trữ thông tin về hành khách để thực hiện công tác truy vết của cơ quan quản lý có thẩm quyền; kiên quyết không cho xe xuất bến nếu không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Theo thống kê của Sở GTVT, từ ngày 6-10/12/2021, đã có 57 tuyến khai thác, 380 chuyến hoạt động với số lượng 68 xe đi các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Giang, Nam Định, Điện Biên, Hải Phòng, Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Huế, Hà Tĩnh…

Ông Trịnh Văn Trung-Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Đến thời điểm này, càng gần Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhu cầu đi lại của người dân càng tăng cao, công tác vận tải phục vụ nhân dân đi lại trước, trong và sau dịp Tết đang được ngành Giao thông vận tải cùng các đơn vị tích cực triển khai thực hiện với sự chủ động ứng phó kịp thời tình hình diễn biến dịch bệnh. Ngoài việc đáp ứng đầy đủ phương tiện phục vụ hành khách, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cũng được tăng cường. Đặc biệt, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông; ưu tiên nguồn lực xóa các “điểm đen” giao thông, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường bộ đang khai thác, góp phần kéo dài thời gian sử dụng của công trình và hạn chế tai nạn giao thông; bố trí lực lượng ứng trực, điều hòa giao thông nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202112/hoat-dong-van-tai-hanh-khach-thich-ung-an-toan-linh-hoat-181892