Hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần trong 6 tháng cuối năm

Năm 2023 đã đi qua nửa chặng đường với hàng loạt những khó khăn do tác động từ tình hình thế giới. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã gặp nhiều trở ngại trong sản xuất, kinh doanh khiến kim ngạch xuất khẩu không cao. Để lấy lại đà tăng trưởng rất cần có các giải pháp căn cơ cho doanh nghiệp để tạo đà vượt qua khó khăn, thách thức và đạt mục tiêu của năm 2023. Xung quanh vấn đề này phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công thương.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Esmo Vina tại Cụm công nghiệp Gia Phú (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Esmo Vina tại Cụm công nghiệp Gia Phú (Gia Viễn). Ảnh: Anh Tuấn

Phóng viên (PV): Xin đồng chí đánh giá khái quát về tình hình xuất khẩu của tỉnh từ đầu năm đến nay?

Đồng chí Ngô Minh Kim: Chúng ta bước vào năm 2023 trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm, lạm phát và thực trạng suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên từ cuối năm 2022 rất nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoãn hủy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không ký được đơn hàng mới, sức mua trên thị trường giảm, hàng tồn kho nhiều, một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải sản xuất cầm chừng...

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp từ đầu năm đến nay chịu nhiều tác động từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine; việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh. Đây là những nguyên nhân chính làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, do đó đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung, của Ninh Bình nói riêng.

Trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 1.528,7 triệu USD, bằng 97,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 47% kế hoạch năm. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Xi măng và clanke đạt 361,5 triệu USD, bằng 69,5% kế hoạch năm; quần áo các loại đạt gần 135,8 triệu USD, bằng 27,3% kế hoạch năm; camera và linh kiện điện thoại đạt 330,1 triệu USD, bằng 36,7% kế hoạch năm; giày dép khác 430,5 triệu USD, đạt 47,4% kế hoạch năm; linh kiện điện tử 31,8 triệu USD, đạt 39,8 % kế hoạch năm… Về thị trường, châu Á vẫn là thị trường dẫn đầu kim ngạch đạt 985,6 triệu USD, chiếm tỷ trọng 64,5%; tiếp đến là châu Mỹ đạt kim ngạch 370,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 24,2%; châu Âu kim ngạch đạt 119,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,8%; châu Úc đạt kim ngạch 30,7 triệu USD, chiếm tỷ trọng 2%; cuối cùng là châu Phi đạt kim ngạch 21,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 1,4%.

PV: Trước khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, với vai trò của mình Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp gì hỗ trợ doanh nghiệp, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Minh Kim: Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, vừa qua Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. Phối hợp với Công ty Điện lực Ninh Bình và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn trong việc cung ứng, đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất tại Khu công nghiệp Khánh Cư, Cụm Công nghiệp Khánh Thượng, Cụm Công nghiệp Cầu Yên…

Nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương đã triển khai hiệu quả việc phổ biến về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, hướng dẫn công tác thực thi, các nội dung liên quan đến các cam kết, nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng về hình thức và thị trường; phối hợp với Bộ Công Thương triển khai đề án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạng lưới phân phối của các chuỗi bán lẻ nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các nền tảng thương mại điện tử...

Đến nay đã xây dựng và triển khai 5 Đề án hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến và quảng bá thương hiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử toàn cầu với tổng kinh phí 148 triệu đồng. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm Sở đã hỗ trợ 3 doanh nghiệp triển khai đề án xúc tiến thương mại tham gia hội chợ quốc tế ở Đức và Nhật Bản nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường với tổng kinh phí 450 triệu đồng.

Định kì hàng tháng, Sở Công Thương mời các doanh nghiệp tham gia giao ban trực tuyến với cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các thị trường để cập nhật thông tin và chủ động cung cấp thông tin và khuyến nghị cho các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương để có sự điều chỉnh cần thiết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm chủ động ứng phó với tình hình biến động của thị trường quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương đăng ký xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thẩm định hồ sơ các doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí về ngành hàng và kim ngạch xuất khẩu để được xét chọn "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" năm 2022.

Sản xuất tại Công ty TNHH REGIS tại Cụm công nghiệp Văn Phong (Nho Quan). Ảnh: Anh Tuấn

PV: Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song tỉnh vẫn kiên định với kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong năm 2023. Để hoàn thành chỉ tiêu này, ngành Công Thương sẽ có những giải pháp nào thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Minh Kim: Theo dự báo, 6 tháng cuối năm hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi dần. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phía trước đối với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như linh kiện điện tử, dệt may, giày dép… do các đơn hàng giảm sút, đòi hỏi các doanh nghiệp, ngành hàng phải đặc biệt quan tâm, nhanh nhạy để có thể tiếp cận thị trường trong thời gian tới. Song chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023, bởi tình hình sụt giảm hiện nay chủ yếu là do vấn đề từ góc độ thị trường, còn đối với nội tại nền kinh tế thì năng lực sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay vẫn rất tốt, không bị những yếu tố ảnh hưởng như dịch bệnh hay các yếu tố về đứt gãy nguồn cung nguyên liệu… Đó là thuận lợi để giúp cho doanh nghiệp có thể sẵn sàng phục hồi sản xuất và xuất khẩu khi thị trường được cải thiện.

Cùng với đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, ngành Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp; chủ động tham mưu với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, từ đó kịp thời cung cấp thông tin và đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tận dụng lợi ích từ các FTA đã ký kết nhằm khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu.

Từ nay đến cuối năm, Sở dự kiện phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ tổ chức 3 hội nghị phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở Công Thương cũng tiếp tục hỗ trợ nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp xuất khẩu về sản xuất và tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển; xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành tiêu dùng, thời trang của EU; các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu...

PV:Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Thơm (thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoat-dong-xuat-khau-se-phuc-hoi-dan-trong-6-thang-cuoi-nam/d20230630083432364.htm