Học bạ điện tử giảm gánh nặng cho GV, địa phương mong được đầu tư cơ sở hạ tầng
Trường mong quan tâm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để thuận lợi triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử.
Trong quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục, học bạ điện tử, sổ điểm điện tử là giải pháp giúp thúc đẩy cải cách hành chính, tăng tính công khai minh bạch việc đánh giá, xếp loại học sinh.
Hiện nhiều địa phương đang từng bước triển khai học bạ điện tử tuy nhiên do chưa có quy định về tính pháp lý, thống nhất phần mềm dẫn đến một số vướng mắc.
Vẫn phải phô tô để lưu trữ văn bản giấy
Là một trong những đơn vị triển khai học bạ điện tử từ đầu năm 2022 đến nay, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đặng Ngọc Tú – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) cho biết ứng dụng học bạ điện tử có nhiều ưu điểm, tạo thuận lợi hơn cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường.
“Nhà trường triển khai học bạ điện tử từ năm học trước theo đúng tinh thần hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo. Học bạ điện tử tạo điều kiện để nhà trường nâng cao hiệu quả lưu trữ dữ liệu, đồng thời, sắp xếp thông tin liên quan đến học sinh một cách khoa học", thầy Tú nói.
Song, về lưu trữ học bạ, hiện nhà trường vẫn duy trì hai hình thức gồm lưu trữ trên phần mềm điện tử, và xuất bản file gốc phô tô ra giấy.
“Về cơ bản, nhà trường có 90% giáo viên đã có chữ ký số giúp ký học bạ điện tử nhanh gọn hơn”, thầy Tú chia sẻ.
Cũng theo thầy Tú, thời gian đầu khi triển khai học bạ điện tử nhà trường còn nhiều bỡ ngỡ. Sau 1 năm, giáo viên sử dụng quen nên tiết kiệm được thời gian, công sức, tập trung nhiều vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
“Số lượng các cột, hàng điểm được đơn vị cung cấp phần mềm điều chỉnh, thêm, bớt theo đề xuất của nhà trường sao cho phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Hiện trường áp dụng học bạ điện tử cho học sinh cả 3 khối”, thầy Tú chia sẻ.
Trao đổi về việc thực hiện nhập điểm trên hệ thống sổ điểm điện tử, một vị Hiệu trưởng của một trường trung học cơ sở cho biết, nhờ có sổ điểm điện tử, nhà trường mới tiến hành theo dõi dễ dàng khâu nhập điểm kiểm tra thường xuyên, điểm giữa, cuối kỳ của giáo viên trên hệ thống phần mềm.
Vị này lấy ví dụ, kiểm tra giữa kỳ thường diễn ra trong 2 tuần. Trong 2 tuần này, khi kết thúc một môn thi, sau 3 ngày, giáo viên phải hoàn thành xong việc nhập điểm cho học sinh của môn học đó.
Khi môn cuối cùng thi xong, nhà trường quy định đến ngày thứ 4 (hết 3 ngày nhập điểm của môn thi cuối cùng) thì sẽ chốt khóa điểm, giáo viên không nhập điểm lên hệ thống được nữa.
“Điều này cho thấy, sử dụng sổ điểm điện tử có lợi thế là giúp lãnh đạo nhà trường kiểm tra kịp thời, phát hiện những dấu hiệu bất thường trong công tác chấm, nhập điểm của giáo viên. Đặc biệt, trong đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của người học ở chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì việc sử dụng sổ điểm điện tử cũng có ưu điểm nhất định.
Cụ thể, trường hợp những học sinh được 0 điểm, 1 điểm thì nhà trường sẽ can thiệp kịp thời đến giáo viên bộ môn để đổi mới, lựa chọn phương pháp kiểm tra, đánh giá hợp lý hơn, tránh tình trạng không đánh giá đúng năng lực, thế mạnh dẫn đến thiệt thòi cho các em. Đồng thời, trường giám sát cách đánh giá, nhận xét của giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhằm tránh phát sinh những rủi ro, hiện nay, với sổ điểm điện tử, nhà trường vẫn phải in ra bản giấy để lưu trữ song song với bản mềm điện tử”, vị này chia sẻ thêm.
Mong đầu tư hệ thống trang thiết bị
Cùng chia sẻ về thực tế triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử, dưới góc độ nhà quản lý giáo dục, cô Nguyễn Thị Đào – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, hơn 1 năm triển khai học bạ điện tử, do chưa có sự thống nhất về phần mềm (hiện do 2 đơn vị cung cấp phần mềm), thời gian đưa vào sử dụng ngắn nên các trường còn gặp một số khó khăn.
Cũng theo cô Đào, hiện các trường lưu trữ học bạ trên hệ thống điện tử. Tuy nhiên, có một vướng mắc là các đơn vị có học sinh chuyển trường thì vẫn phải tiến hành phô tô học bạ để các em mang đi làm thủ tục nhập học.
"Hiện lãnh đạo các trường trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn huyện Tràng Định đã có chữ ký số, còn đội ngũ giáo viên thì chưa có.
Trong trường hợp có học sinh chuyển trường nhưng phía đơn vị trường mới không chấp nhận học bạ điện tử sử dụng chữ ký số thì sẽ gây khó khăn cho học sinh.
Có chữ ký số mà vẫn còn phải phô tô ra để ký tay thì không hiệu quả", cô Đào nói.
Vị Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm, đối với một số trường, điểm trường ở địa bàn vùng cao, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, kết nối internet kém cũng là thách thức đối với giáo viên khi triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử. Một số giáo viên cố gắng tự trang bị máy tính cá nhân để thực hiện thủ tục hành chính, nhập điểm trên hệ thống cho học trò...
Trước những hạn chế, cô Đào mong muốn có sự chỉ đạo đồng nhất cho tất cả các địa phương về triển khai học bạ điện tử.
Đồng thời, ngành giáo dục quan tâm hơn nữa về đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để thuận lợi triển khai học bạ điện tử, sổ điểm điện tử trong thời gian tới, góp phần đẩy nhanh và hiệu quả thực chất chuyển đổi số ngành giáo dục.