Học bạ số giảm áp lực sổ sách cho GV, quản lý hồ sơ minh bạch, tra cứu dễ dàng

Thí điểm sử dụng, học bạ số đã giúp các trường tiểu học tại Hải Phòng giảm thủ tục hành chính và đem lại nhiều tiện ích cho giáo viên.

Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên cấp tiểu học tại Hải Phòng thực hiện thí điểm học bạ số với các khối lớp 1, 2, 3 và 4 (các khối lớp thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT), đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cấp bách về chuyển đổi số quốc gia.

Giảm áp lực cho giáo viên

Tại Trường Tiểu học An Dương (huyện An Dương), ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Dương, nhà trường đã triển khai thực hiện kịp thời.

Cô giáo Đỗ Thị Thanh Đượm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương cho biết, nhà trường đã cho rà soát lại toàn bộ hệ thống kết nối mạng wifi, nâng cấp hệ thống kết nối mạng ở các khu Hiệu bộ và khu phòng học.

Đồng thời cử giáo viên có trình độ giỏi về công nghệ thông tin tham gia tập huấn trực tiếp về học bạ số do Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng chủ trì.

Sau đó, giáo viên cốt cán trực tiếp tập huấn về quy trình kỹ thuật cho tất cả giáo viên của trường. Mỗi giáo viên phải có máy tính và điện thoại thông minh.

 Giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) nhập dữ liệu học sinh lên học bạ số (Ảnh tư liệu: Lã Tiến)

Giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) nhập dữ liệu học sinh lên học bạ số (Ảnh tư liệu: Lã Tiến)

Nhà trường đã triển khai đăng ký chữ ký số (chứng thư số) cho 100% giáo viên. Tất cả giáo viên đã đồng loạt tạo lập học bạ số cho 100% học sinh của lớp, của trường. Các thông tin đánh giá học sinh được kiểm tra kĩ càng, đảm bảo tính chính xác tuyệt đối trước khi giáo viên ký số.

Hiệu trưởng là người ký duyệt cuối cùng vào học bạ số của học sinh. Học bạ số được gửi lên hệ thống của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đúng thời gian quy định.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương cho biết, học bạ số có nhiều thuận lợi bởi, giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin hàng ngày với các bài giảng và quen với các quy trình thao tác nên khi sử dụng học bạ số, các giáo viên thao tác rất thuần thục.

Nhiều giáo viên nhanh nhạy, trình độ sử dụng công nghệ thông tin tốt nên việc ký số trên App VNPT SmartCA diễn ra đơn giản, nhanh chóng.

“Thực tế đã cho thấy, sử dụng học bạ số là nhu cầu tất yếu của chuyển đổi số quốc gia đối với ngành giáo dục. Học bạ số tạo ra sự đồng bộ, nhất quán về quản lý, sử dụng thông tin của học sinh từ bậc học mầm non lên đến đại học. Sau khi ra trường, học xong, người học đi làm, tham gia đời sống lao động cũng có thể sử dụng thông tin từ học bạ số.

Thông tin trên học bạ số trước khi ký gửi lên hệ thống của Sở Giáo dục và Đào tạo nếu còn sai sót vẫn có thể kiểm tra, rà soát và sửa lại cho chính xác.

Khác với trước kia khi dùng học bạ giấy, mỗi học sinh chỉ có 1 quyển học bạ, nếu vào sai thông tin, việc sửa thông tin sẽ vừa làm xấu quyển học bạ của học sinh, vừa tạo cảm giác thiếu độ tin cậy về đánh giá của giáo viên. Mỗi khi giáo viên sửa thông tin vào học bạ giấy, lại phải xin xác nhận của Hiệu trưởng nhà trường, Hiệu trưởng phải xác nhận việc sửa thông tin vào học bạ của học sinh.

Việc sử dụng học bạ số giúp giảm áp lực về ghi chép, quản lý hồ sơ giấy của cả giáo viên và nhà trường, tiết kiệm chi phí. Học bạ số tạo ra độ chính xác tuyệt đối về hệ thống thông tin được quản lý và sử dụng ở các cấp. Các thông tin về quá trình học tập, rèn luyện của học sinh được quản lý lâu dài, nhất quán, không lo bị thất lạc.

Đối với giáo viên trường Tiểu học An Dương, giờ đây khi đã quen với việc sử dụng học bạ số, hầu hết đều rất phấn khởi khi không phải lo cuối kỳ, cuối năm học ngồi viết nhận xét, vào điểm đánh giá học sinh, không phải lo làm điểm, đánh giá sai trên học bạ giấy, và cũng không còn lo lắng áp lực quản lý học bạ giấy sao cho bền, đẹp, khoa học”, cô giáo Đỗ Thị Thanh Đượm nhấn mạnh.

Tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền), cô giáo Phạm Thị Diện – Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, học bạ số nhằm hiện thực hóa quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, phù hợp với sự phát triển về công nghệ, về số hóa trong giai đoạn hiện nay.

Học bạ số giúp các thầy cô giáo tiết kiệm thời gian, thuận tiện trong khai thác cơ sở dữ liệu ngành khi có thể chuyển dữ liệu từ cơ sở dữ liệu sang học bạ số; Giảm chi phí in ấn, tiết kiệm không gian lưu trữ hồ sơ giấy.

Cán bộ quản lý dễ theo dõi, quản lý hồ sơ; tăng tính công khai minh bạch trong đánh giá, xếp loại học sinh. Phụ huynh học sinh tiếp cận kịp thời các thông tin về quá trình giáo dục của con em mình. Từ đó có sự phối hợp tốt hơn với các thầy cô giáo, với nhà trường trong giáo dục học sinh.

Hơn nữa, học bạ số còn thuận tiện, nhanh chóng khi chuyển dữ liệu học sinh giữa các quận huyện, tỉnh thành khi học sinh chuyển trường.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Hồng Bàng), năm học 2023-2024, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, Phòng Giáo dục quận về thí điểm thực hiện học bạ số, nhà trường đã thực hiện học bạ số đối với học sinh lớp 1,2,3,4. Bước đầu nhận thấy học bạ số đã mang đến nhiều lợi ích về tính minh bạch, tiện lợi và hiệu quả trong quản lý kết quả học tập của học sinh.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Bích Ngọc - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, việc triển khai và thực hiện học bạ số không chỉ đơn giản là chuyển từ học bạ truyền thống sang công nghệ số, mà là một quá trình thay đổi cơ bản trong cách thức quản lý và hỗ trợ học tập, giúp nâng cao hiệu quả giáo dục và tạo ra môi trường học tập trở nên hiện đại và hiệu quả hơn.

“Học bạ số giúp giáo viên giảm được áp lực về hồ sơ đánh giá kết quả học tập học sinh, không mất nhiều thời gian, theo dõi được kết quả học tập quá trình của học sinh thuận tiện.

Nhà trường quản lý lưu trữ trên không gian số và kiểm duyệt học bạ chặt chẽ, có thể tra cứu kết quả học tập của học sinh một các dễ dàng từ bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào”, cô Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá.

Còn cô giáo Lưu Thị Thanh Hiền - Tổ phó chuyên môn, Khối trưởng khối 4, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương cho rằng, học bạ số có rất nhiều ưu điểm. Giáo viên không mất nhiều thời gian cập nhật, có thể sử dụng kết quả đánh giá một cách thuận tiện trong việc theo dõi quá trình về kết quả học tập của học sinh giúp giáo viên đưa ra giải pháp hỗ trợ học sinh trong học tập.

Một số góp ý của giáo viên

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương nhận thấy học bạ số vẫn còn một số bất cập.

Cô giáo Lương Thị Ninh - Tổ phó chuyên môn, Khối trưởng khối 1 cho biết: Giáo viên thực hiện kí duyệt học bạ đơn giản, nhanh, song phần mềm giới hạn 900 kí tự trong nội dung nhận xét các môn học và hoạt động giáo dục nên giáo viên khó đưa ra nhận xét cụ thể về ưu điểm và tồn tại cho học sinh so với trước đây.

 Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Lê Chân, Hải Phòng) nhập dữ liệu học sinh lên học bạ số (Ảnh tư liệu: Lã Tiến)

Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Lê Chân, Hải Phòng) nhập dữ liệu học sinh lên học bạ số (Ảnh tư liệu: Lã Tiến)

Theo cô giáo Nguyễn Thị Bích Chi - Tổ phó chuyên môn, Khối trưởng khối 3, sử dụng học bạ số giúp giáo viên thực hiện nhanh, dễ dàng. Tuy nhiên khi kí duyệt học bạ, phần mềm vẫn còn bị lỗi sót một vài học sinh không được kí duyệt, giáo viên phải cập nhật lại việc kí duyệt cho các trường hợp này.

Còn cô giáo Lưu Thị Thanh Hiền - Tổ phó chuyên môn, Khối trưởng khối 4 cho rằng, học bạ số sau khi cập nhật, xuất file học bạ, lời nhận xét của các môn học không được tách riêng thành dòng tương ứng với từng môn mà dồn chung lại như vậy chưa đảm bảo tính khoa học.

Từ những tồn tại trên, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương kiến nghị ngành giáo dục thành phố cần liên kết hệ thống học bạ số với các hệ thống quản lý giáo dục khác như quản lý điểm danh, kết nối với phụ huynh… để tối ưu hóa quá trình quản lý học tập hơn nữa. Liên tục nâng cao chất lượng và tính năng của hệ thống học bạ số để phù hợp với các yêu cầu mới và cải thiện trải nghiệm người dùng.

Cô giáo Đỗ Thị Thanh Đượm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dương cho rằng, sử dụng học bạ số, nếu ký thất bại, thì chỉ cần thực hiện ký lại. Nếu phát hiện sai sót hoặc nhầm thông tin, sửa lại, đính chính lại trước khi gửi lên hệ thống. Vì vậy, dù học bạ giấy, học bạ điện tử hay học bạ số, cũng đòi hỏi giáo viên phải vào thông tin thật chính xác theo quá trình đánh giá mỗi học sinh.

Theo lãnh đạo Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền), ngành giáo dục thành phố cần quan tâm, điều chỉnh thông tin, mẫu mã trong học bạ số để có sự thống nhất giữa các cấp học, các tỉnh thành và giản tiện hơn so với học bạ in.

Đồng thời, học bạ số cần có sự tương thích giữa các phần mềm cơ sở dữ liệu của các tỉnh, thành phố.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-ba-so-giam-ap-luc-so-sach-cho-gv-quan-ly-ho-so-minh-bach-tra-cuu-de-dang-post244469.gd