Học Bác để xây dựng phong cách lãnh đạo 'gần dân, sát dân'
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: 'Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân'. Thấm nhuần tư tưởng ấy, cán bộ, đảng viên đã và đang học và làm theo gương Bác về phong cách gần dân, sát dân, đem lại lợi ích thiết thực cho dân.
Ngay từ những năm đầu hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu yêu cầu về tư cách một người cách mệnh. Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" (năm 1927) Người nêu 23 yêu cầu về tư cách một người cách mệnh. Theo đó, đối với công việc, có 4 tiêu chuẩn: xem xét hoàn cảnh kỹ càng; quyết đoán; dũng cảm; phục tùng đoàn thể, nhân dân.

Bác Hồ luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra mục tiêu của cách mạng là bắt đầu từ nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân và trở về với nhân dân. Người khẳng định, nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là trung tâm, vừa là nhân tố quyết định sự phát triển: "có lực lượng dân chúng thì việc to tát mấy, khó khăn đến đâu cũng giải quyết được".
Tiến sĩ Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích, bản thân lãnh tụ Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về thực hành dân chủ, gần dân, tinh tế trong hành xử; dân chủ trong đời sống, luôn hướng về người dân, lo nỗi lo của dân, kịp thời giải quyết những lợi ích chính đáng và những góp ý của dân; chia sẻ với dân để phục vụ dân tốt hơn.

Tiến sĩ Lê Trung Kiên, Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Trong những năm tháng đầu tiên của chính quyền cách mạng, phần lớn cán bộ đều tận tụy, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, đã có một số cán bộ "ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền". Bởi vậy, trên báo Cứu quốc, ngày 12/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Sao cho được lòng dân?". Người chỉ rõ thực trạng có "tiếng phàn nàn oán thán nhiều hơn tiếng người khen".
Sau khi nêu một số biểu hiện xấu của cán bộ cách mạng bị dân ghét, Bác Hồ nêu rõ: "Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh, phải có một tinh thần chí công vô tư".
Bài học "sao cho được lòng dân" của Bác Hồ chính là bài học từ xa xưa của ông cha ta, là làm sao cố kết được lòng dân xung quanh Đảng, Nhà nước, để thúc đẩy công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, lòng dân là bức tường thành vững chắc nhất để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự nghiệp đổi mới. Do đó, muốn thực hiện đổi mới thành công thì trước hết phải củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng, đó là quan trọng nhất, là số một. Đồng thời củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chăm lo lợi ích chính đáng của nhân dân.
"Nếu làm được những điều đó chúng ta sẽ có được lòng tin của nhân dân, có lòng tin của dân là có tất cả", PGS Bùi Đình Phong cho biết.
"Gần dân, sát dân, đem lại lợi ích thiết thực cho dân"... Nhiều năm làm công tác Mặt trận, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn có mặt kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, đặc biệt là xử lý "điểm nóng" tại Thái Bình gần 30 năm trước.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ - Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Trong thời gian đó, ông Phạm Thế Duyệt đã về Thái Bình trên 50 lần, vào "tâm điểm nóng" để trực tiếp nói chuyện, ghi nhận tâm tư nguyện vọng của người dân. Theo ông Phạm Thế Duyệt, mọi mâu thuẫn đều có thể hóa giải nếu gần dân, hiểu dân, tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết đúng đắn, kịp thời.
"Những nơi khó khăn, cần phải xuất hiện nhất định phải xuất hiện, có xuất hiện mới hiểu được dân. Với địch còn phải xuất hiện để chỉ đạo để đánh, huống chi đây là dân. Dân có sai thì cũng là dân của mình, phải gần họ mới biết người ta sai cái gì. Họ nghĩ sai cái gì thì mình mới uốn nắn được. Họ nói đúng thì mình phải nghe, tiếp thu, né tránh làm sao được. Lãnh đạo chung chung, xa rời dân thì không được", ông Phạm Thế Duyệt nói
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng xuất hiện nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý; xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến tiêu biểu trên các lĩnh vực, nhiều người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu trong học tập và làm theo Bác, tác phong công tác gần dân, sát dân, đem lại lợi ích thiết thực cho dân, "nói đi đôi với làm", "nói ít, làm nhiều",... được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số vụ việc xảy ra gần đây, người dân phản ứng với chính quyền, có nguyên nhân từ việc cán bộ lãnh đạo chưa thực sự sát dân, chưa lắng nghe dân, chưa giải quyết mọi việc trên tinh thần dân chủ, vì nhân dân. Đó là một biểu hiện cho thấy cán bộ chưa thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
Bởi vậy, thước đo quan trọng nhất của người cán bộ chính là "thực tiễn công việc". Đặc biệt với chính quyền địa phương 2 cấp, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn lớn hơn, khó khăn hơn và yêu cầu công việc cao hơn để có thể đáp ứng công việc, đáp ứng mong mỏi của nhân dân.
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cho rằng, quan trọng nhất là bằng thực tiễn, qua thực tiễn nhân dân đánh giá cán bộ là người tốt, tập thể đánh giá là người có triển vọng.... qua đó sẽ chọn được cán bộ tốt.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội), công việc tăng lên, trách nhiệm của mỗi vị trí phải nặng nề hơn thì phải lựa chọn được cán bộ có trình độ cao, năng lực tốt. Bộ máy Nhà nước phải đáp ứng nhu cầu của người dân. Bởi vì mọi mục tiêu, hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước đều hướng đến Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội)
Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là bối cảnh mới Đảng, Nhà nước đang đặt ra mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, cần lấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đổi mới tác phong làm việc, thực sự dân chủ, khoa học, coi trọng trao đổi, đối thoại, nói đi đôi với làm.
Đặc biệt tới đây, khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được vận hành thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn lớn hơn, khó khăn nhiều hơn và yêu cầu công việc cao hơn. Để có thể đáp ứng công việc, đòi hỏi người cán bộ cơ sở phải thực sự "gần dân, sát dân, đem lại lợi ích thiết thực cho dân".