Học Bác từ những việc nhỏ hằng ngày

Học và làm theo Bác không phải chuyện gì lớn lao, mà bắt đầu từ những việc nhỏ, bổn phận trách nhiệm công việc hằng ngày. Với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính (CCHC), học Bác là giữ vững đạo đức công vụ, làm việc tận tụy, liêm chính, tận tâm phục vụ nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ soi đường cho những quyết sách lớn mà còn hiện diện trong từng hành động cụ thể. Ở Hà Nam, việc học Bác đang thấm vào nếp nghĩ, cách làm của đội ngũ CBCCVC, từ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn, tự học công nghệ số, đến kiên trì bám cơ sở sau sáp nhập, lặng thầm mà sâu sắc, giản dị mà hiệu quả.

“Cuộc cách mạng” sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang diễn ra trên phạm vi toàn quốc với sự thống nhất, quyết tâm cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, với mục tiêu cao nhất vì sự phát triển nhanh, ổn định, bền vững của đất nước, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân… Đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy bày tỏ niềm tin: Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục soi đường cho công cuộc đổi mới hôm nay. Trong bối cảnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức hệ thống chính trị, việc học và làm theo Bác càng trở nên thiết thực. Tư tưởng của Người không chỉ định hướng cho những chủ trương lớn mà còn là nền tảng để mỗi cán bộ, đảng viên (CBĐV) tự soi rọi về trách nhiệm, đạo đức công vụ, phong cách phục vụ nhân dân. Ở địa phương, bộ máy hành chính được rà soát, sắp xếp lại, đòi hỏi mỗi cán bộ phải giữ gìn niềm tin của nhân dân, bằng hành động cụ thể, thái độ tận tụy và ứng xử liêm chính, chí công, vô tư trong công việc hằng ngày.

 Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch (năm 1957). Ảnh tư liệu

Bác Hồ làm việc trong vườn Phủ Chủ tịch (năm 1957). Ảnh tư liệu

Thực tế trong quý I năm 2025, thời điểm Hà Nam cùng với cả nước triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển động tích cực với tốc độ tăng trưởng đạt 10,55%; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò chủ lực, nông nghiệp phát triển ổn định, dịch vụ tăng trưởng khá. Nhưng vượt lên trên những kết quả đó là sự đóng góp thầm lặng mà bền bỉ của đội ngũ CBCCVC các cấp. Tinh thần đó được thể hiện trong việc Hà Nam kiên quyết triển khai tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đi liền với sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Trong cả hai giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Hà Nam đã giảm được 4 cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy, 5 sở và 83/383 đầu mối phòng, ban và tương đương cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 40 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện; giảm 18 đơn vị hành chính cấp xã và 553 thôn, tổ dân phố; tinh giản được 1.096 biên chế, 11,3% CBCC cấp xã và 49,3% người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố... Đằng sau những con số ấy là biết bao tâm tư của CBĐV khi có người phải chuyển vị trí công tác, có phòng ban giải thể, có sự điều chỉnh về thu nhập và chế độ... Nhưng cũng chính lúc ấy, phẩm chất cách mạng của người cán bộ càng được bộc lộ, không vì không còn giữ chức vụ trước đây mà giảm hiệu quả công việc, không vì thay đổi vị trí mà buông xuôi trách nhiệm. Có những cán bộ cấp xã, dù không còn giữ chức vụ sau khi sáp nhập, vẫn tình nguyện bám địa bàn, hỗ trợ người kế nhiệm, giúp dân làm lại thủ tục hành chính, phối hợp giữ gìn an ninh trật tự…

Không chỉ là sắp xếp bộ máy, đạo đức công vụ còn được thể hiện ở hiệu quả hành động. Trong quý I/2025, tỉnh đã tạo việc làm mới cho hơn 7.300 lao động, đưa hơn 302 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,47%. Ở lĩnh vực nào cũng luôn có sự đồng hành đầy trách nhiệm của hệ thống chính quyền. Từ cấp tỉnh đến cấp xã, nhiều cán bộ vẫn trực tiếp xuống cơ sở, cùng doanh nghiệp, cùng nông dân, cùng người lao động tháo gỡ khó khăn. Đó là biểu hiện sống động nhất cho việc học và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về phong cách gần dân, sát dân, lắng nghe dân.

Một điểm sáng khác trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam tại thời điểm này là kết quả cải cách hành chính. Tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng và trước hạn đạt 99%, không chỉ minh chứng cho năng lực quản lý mà còn là kết quả của một quá trình rèn luyện đạo đức công vụ. Một công chức bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thị xã Duy Tiên chia sẻ: Chúng tôi xác định phục vụ người dân là trách nhiệm công vụ, làm hết việc chứ không hết giờ. Cho dù thời gian này, những chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc cải cách bộ máy phần nào tác động đến tư tưởng của một bộ phận CBCCVC, người lao động, nhưng chúng tôi vẫn tập trung phục vụ nhân dân với tinh thần và trách nhiệm cao nhất... Tư tưởng của Bác về “cần, kiệm, liêm, chính” được hiện thực hóa ngay ở bàn tiếp dân, ở quy trình xử lý hồ sơ, ở nụ cười thân thiện của cán bộ tiếp dân. Đó mới là đạo đức sống, đạo đức hành động - điều luôn được Bác đề cao.

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hà Nam tổ chức thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sỹ phục vụ việc xác định danh tính cho các anh hùng, liệt sỹ vô danh.

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Hà Nam tổ chức thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sỹ phục vụ việc xác định danh tính cho các anh hùng, liệt sỹ vô danh.

Tinh thần học Bác cũng thể hiện rõ trong việc triển khai chuyển đổi số. Trong bối cảnh số hóa hành chính, không ít cán bộ có tuổi ban đầu còn lúng túng, e ngại nhưng họ quyết tâm tự học, tự nghiên cứu, không để mình bị bỏ lại phía sau. Tại tổ dân phố Hòa Trung, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục, một cán bộ trên 50 tuổi vẫn kiên trì học ứng dụng tổ, thôn điện tử trên nền tảng số, tự tìm hiểu các công cụ ứng dụng kỹ năng số để có thể sử dụng thành thạo các phần mềm phục vụ công việc. Khi được hỏi vì sao lại cố gắng như thế, người cán bộ ấy cười đáp: Yêu cầu của cán bộ trong thời điểm này cần phải nắm bắt được công nghệ. Khi chuyển đổi số đang được thực hiện mạnh mẽ, nếu mình không học là mình tụt hậu, không bảo đảm yêu cầu công việc. Mình còn làm việc thì cái gì cần học vẫn phải học. Học trong sách vở, học ở nhân dân như Bác kính yêu của chúng ta đã nói… Lời tâm sự của người cán bộ ấy như sự chia sẻ sâu sắc về tư tưởng không ngừng học hỏi, không ngừng tiến bộ- một phẩm chất mà bất kỳ ai làm "công bộc của nhân dân" cũng cần phải noi theo.

Thành quả hôm nay cũng đến từ việc Hà Nam chú trọng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho CBĐV. Các buổi sinh hoạt chi bộ chuyên đề, hội thi kể chuyện về Bác, các chương trình học tập và làm theo Bác đã thực sự lan tỏa trong tư duy, trong nhận thức và trong cả hành động của đông đảo CBĐV. Nhiều đơn vị tổ chức đa dạng các mô hình học tập và làm theo Bác như: “Ngày thứ Bảy với dân”, “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ”, “Nghĩ đúng, nói trúng, viết đủ”… để mỗi CBĐV có cơ hội soi lại mình. Chính sự tự soi, tự sửa ấy giúp CBĐV giữ vững bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh... Sự nghiệp đổi mới và phát triển chỉ có thể đi đến đích nếu đội ngũ cán bộ các cấp thực sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, biến niềm tin vào Bác thành hành động cụ thể: không ngừng học tập, tu dưỡng, giữ gìn đạo đức công vụ, không ngại khó, ngại khổ, không cầu an, né tránh.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/hoc-va-lam-theo-guong-bac/hoc-bac-tu-nhung-viec-nho-hang-ngay-163857.html