Học Bác về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân
Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, coi nghề y là nghề đặc biệt. Đây là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cập. Tư tưởng đó phản ánh chiều sâu nhân văn của chế độ XHCN, dễ hiểu, dễ làm theo.
Với nhãn quan biện chứng, khoa học, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Người coi sức khỏe là “vốn quý nhất”, là nguồn của cải của xã hội có ý nghĩa quyết định đến sự cường thịnh của đất nước và cần phải đặc biệt quan tâm chăm lo. Vì thế, trong những ngày đầu lập nước, giữa bao công việc bộn bề cấp bách phải giải quyết, Hồ Chủ tịch đã quan tâm đến vấn đề sức khỏe và cải tạo giống nòi Việt Nam.
Tư tưởng của Người là: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”. Người giải thích: “Sức khỏe của cán bộ và Nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công” (Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953).
Hồ Chí Minh đã sớm đưa ra quan niệm về sức khỏe rất chuẩn xác. Tháng 3/1946, trong một bài trên báo Cứu quốc, Người viết: “Khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Quan niệm này đã kế thừa được những yếu tố cốt lõi trong các quan niệm của cha ông ta xưa về sức khỏe. Quan niệm về sức khỏe của Bác hoàn toàn thống nhất với định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được nêu ra trong Tuyên ngôn Alma - Ata năm 1978: “Sức khỏe là trạng thái thoải mái hoàn toàn cả về thể chất lẫn tâm thần - xã hội... ”. Quan niệm này được coi là tiến bộ và có trước quan niệm của WHO đến 32 năm. Vì vậy, các chuyên gia đầu ngành y tế của đất nước đã khẳng định, Bác Hồ là người đưa ra khái niệm về sức khỏe đầu tiên trên thế giới.
Với việc am tường vấn đề sức khỏe, Người chỉ ra việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe phải bằng những biện pháp tổng hợp, không những về mặt thể chất mà còn cần chú trọng cả về mặt tinh thần, phải hài hòa giữa ăn (dinh dưỡng) và tập (rèn luyện thể thao). Bác đã dặn dò mỗi người dân: “Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập, khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe…”. “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước”. Người còn nói: “Mình dù nghèo ai cấm mình ăn ở sạch sẽ… Sạch sẽ là một bộ phận của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, có sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn…”. Hồ Chí Minh là hiện thân cao đẹp về sự quan tâm đến chăm lo sức khỏe cho toàn dân. Đối với cán bộ, đảng viên, Người căn dặn: “Đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khỏe của mình để làm việc”. Người ân cần nhắc nhở các tầng lớp nhân dân với những lời chỉ bảo phù hợp từng đối tượng.
Hồ Chí Minh đã chỉ ra sự cần thiết của việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân và xác định đây là trách nhiệm của Đảng, của Chính phủ và của cả xã hội. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đều hướng tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của người dân. Người mong muốn và căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Người chủ trương phải xây dựng nền y học theo nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế năm 1955, Người định hướng: “Nay, chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của Nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng” .
Đó là nền y học phải xuất phát từ Nhân dân, của Nhân dân và vì Nhân dân và lực lượng nòng cốt để thực hiện tốt chính sách chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là ngành y tế. Người đã viết nhiều thư thăm hỏi ngành y tế; đồng thời trực tiếp đi thăm các bệnh viện, trạm xá, để động viên, định hướng chiến lược cho sự nghiệp phát triển của ngành y tế nước nhà. Theo Bác, nghề y là một nghề đặc biệt và cao quý trong xã hội. Người rất coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngành y tế một cách toàn diện. Bác nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang” .
Tư tưởng tưởng Hồ Chí Minh về chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân đã được Đảng xem là kim chỉ nam trong việc đề ra các chủ trương, chính sách vì sức khỏe của Nhân dân, được cụ thể hóa trong Hiến pháp, Cương lĩnh xây dựng đất nước, trong từng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, trong các nghị quyết của Đảng.
Từ “những vấn đề cấp bách của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của Nhân dân” (1983) đến “về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới” (2005) và bổ sung thêm “tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới” (2017), các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị đã thể hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của sức khỏe và những giải pháp đồng bộ để thực hiện mục tiêu không ngừng phấn đấu nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam... như Bác Hồ từng mong muốn.
Học Bác, các thế hệ tiếp nối của ngành y cùng các ngành, các cấp đã đưa ra những phương châm hành động thể hiện đầy đủ tư tưởng của Bác. Y tế của đất nước có sự phát triển vượt bậc toàn diện từ cơ sở vật chất, đến đội ngũ, chất lượng khám, chữa bệnh. Trong đó, Thừa Thiên Huế là điểm sáng với việc phát huy tiềm năng, thế mạnh xây dựng Trung tâm Y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước...