Học Bác 'Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm': Khi cán bộ là công bộc của dân
Trong bài viết 'Sao cho được lòng dân?' của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu Quốc, ngày 12-10-1945, Bác nhấn mạnh: 'Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh'. Quán triệt chỉ dẫn và bài học quan trọng về vai trò của Nhân dân trong công cuộc xây dựng quê hương, khắp mọi vùng miền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lúc nào cũng xuất hiện những phong trào, công trình, phần việc, mô hình vì dân, được Nhân dân phấn khởi đón nhận.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế huyện Thiệu Hóa thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa COVID-19. Ảnh: Lê Hà
“Không ngừng chăm lo cho đời sống Nhân dân” là một trong những lời dặn dò tha thiết của Bác trước lúc đi xa. Đây cũng chính là điều trăn trở khôn nguôi trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh mà vô cùng vĩ đại của Người. Thực hiện di nguyện thiêng liêng của Người, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn tâm niệm phải hướng về dân, vì dân mà làm, mà hành động.
Lo cho dân
Trong quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng được bộ máy hành chính Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân. Nền tảng vững chắc ấy đã làm nên sự gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng, Chính phủ, chính quyền. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, Đảng bộ, chính quyền Thanh Hóa qua các thời kỳ đã luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, ngày càng làm nhiều việc có lợi cho dân.
Không phải người địa phương, nhưng khi được Ban Thường vụ Huyện ủy Hoằng Hóa điều động về làm chủ tịch UBND xã Hoằng Thái, đồng chí Trịnh Hữu Vui luôn nỗ lực, năng động, sáng tạo thực hiện chức trách, nhiệm vụ. “Được Đảng cử, phải làm cho dân tin” là điều đồng chí Vui luôn hướng tới, do vậy việc đầu tiên là tìm hiểu về đặc điểm, tình hình mọi mặt của địa phương, tranh thủ ý kiến của cán bộ, đảng viên trong toàn đảng bộ, đặc biệt là nêu cao tinh thần đoàn kết tập thể, dành thời gian về cơ sở “thị sát” đời sống người dân các thôn, nắm bắt tình hình để lãnh, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ sát với thực tiễn địa phương. Đồng chí Vui đã cùng với tập thể ban chấp hành đảng bộ xã làm được nhiều việc mà các thế hệ lãnh đạo trước trăn trở. Đó là phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ, sự đồng thuận của Nhân dân; tập trung hoàn thiện, quy hoạch phát triển kinh tế hạ tầng đô thị, xây dựng nông thôn mới (NTM) đáp ứng sự hài lòng của người dân với phương châm hành động “Tận tâm từ công việc nhỏ nhất”.
“Nhà không số, phố không tên” không còn là câu nói cửa miệng dành cho những vùng thôn quê vốn được coi là “đi sau” so với sự phát triển của các phường, thị trấn, thị tứ. Thế nhưng về xã Hoằng Thái, hẳn ai cũng phải trầm trồ, suýt xoa cảnh quan, cơ sở hạ tầng nơi đây chẳng khác gì khu phố sầm uất. Nhiều tuyến đường đã và đang được mở thông thoáng. Có tuyến rộng 7m (HT3), 9m (HH26) được đầu tư đồng bộ, gồm: điện chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh, có nắp cống... Trong các thôn, những ao tù trước đây đã và đang được cải tạo kè đá, bó vỉa, kê ghế đá... tạo thành những khuôn viên mini để mỗi sáng, mỗi chiều người dân đến ngắm cảnh, nghỉ ngơi, tâm sự, đồng thời làm đẹp thêm cảnh quan. Thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 17-9-2019 của UBND huyện Hoằng Hóa về “Chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện, giai đoạn 2019–2025”, Hoằng Thái là xã đầu tiên của huyện hoàn thành xong đánh số nhà, tên đường, tên ngõ, xây dựng xong 5 khu thể thao - nhà văn hóa thôn với nguồn vốn xây dựng chủ yếu huy động Nhân dân và con em xa quê đóng góp.
Đồng chí Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái, huyện Hoằng Hóa (người ngoài cùng bên phải) cùng lãnh đạo thôn 2 kiểm tra công tác vệ sinh, cảnh quan công viên mini tại thôn 2.
Ông Nguyễn Duy Cát, thôn 2, cho biết: “Thôn tôi ai cũng phấn khởi trước sự thay đổi của quê nhà, khi chính quyền địa phương triển khai kế hoạch mở rộng đường, chúng tôi ủng hộ ngay vì chính chúng tôi là người được hưởng lợi. Gia đình tôi đã hiến 25m2 đất, nhiều hộ khác cũng hiến đất nên con đường của thôn mới dài, rộng và đẹp như thế này. Khách xa gần đi qua thường ghé lại ngắm, “check in”... cảm giác thật thư thái, an lành”.
Nhiều hộ dân trong xã cho chúng tôi biết, có được sự chuyển biến này là do tập thể lãnh đạo xã, trưởng các đoàn thể đã rất năng động, biết lo cho dân, vì dân. Cán bộ xã về thôn, về hộ gia đình thăm hỏi, kiểm tra, đôn đốc công việc thường xuyên; những đề xuất, kiến nghị chính đáng của Nhân dân đều được giải quyết thỏa đáng, hợp lý, hợp tình.
Là người sáng lập và kết nối tour du lịch sinh thái cộng đồng tại bản Hang, ông Vi Thế Thiệp, bí thư chi bộ, trưởng bản Hang, xã Phú Lệ (Quan Hóa) đã làm đổi thay cuộc sống của người dân nghèo trong bản. Tiềm năng có, con người có nhưng bị bỏ ngỏ nhiều năm khiến ông Thiệp trăn trở suy nghĩ cách làm và đề xuất với cấp trên hỗ trợ Nhân dân bản Hang thực hiện các bước phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Cá nhân ông Thiệp luôn nhất quán “nói đi đôi với làm” để tạo được uy tín trong dân, ông đã mạnh dạn đấu thầu gần 10 ha đất bỏ hoang để cải tạo đầu tư và thành lập HTX du lịch và thương mại Thái Sơn để cùng hỗ trợ nhau làm kinh tế, phát triển du lịch. Đến nay, sau nhiều năm xây dựng và phát triển, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hằng năm, có trên 3.000 lượt khách đến tham quan và nghỉ dưỡng, chủ yếu là khách quốc tế; doanh thu hàng tỷ đồng. Đây là bước đệm để năm 2017 bản Hang được công nhận đạt chuẩn NTM, năm 2020 tiếp tục là bản đầu tiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của huyện.
Bác Hồ từng dạy: “Đảng là người đầy tớ của dân”, cho nên không chỉ có tổ chức đảng, người đứng đầu mới làm nhiều việc có lợi cho dân mà đã có rất nhiều đảng viên, quần chúng làm nhiều việc tốt, việc có lợi cho cộng đồng. Đó là gia đình ông Nguyễn Ngọc Hường, thôn Thanh Nam, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) chủ động cải tạo, nâng cấp, xây dựng và bảo tồn di tích văn hóa cấp tỉnh “Thái Quận công Nguyễn Ngọc Huyền” - địa chỉ giáo dục truyền thống hiếu học cho các thế hệ; Ngô Thọ Chính, tổ trưởng tổ bảo vệ Nghĩa trang Liệt sĩ Hàm Rồng, Xí nghiệp cây xanh đô thị, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị (TP Thanh Hóa) đã có tới 33 năm làm việc lặng lẽ bên nghĩa trang liệt sĩ; Phạm Thị Tắng, nghệ nhân múa Pồn Pôông, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) giữ gìn và phát huy lễ hội Pồn Pôông của người Mường...
Thực tế cho thấy, bằng những việc làm khác nhau dù nhỏ hay lớn, ai cũng đều đủ khả năng để học và làm theo lời Bác dặn. Có thể, họ là những con “người cũ” nhưng việc làm của họ vẫn luôn mới.
Vì Nhân dân phục vụ
Những cá nhân và tập thể luôn cố gắng học và làm theo Bác từ những việc nhỏ, bình dị mà cao quý, chính là những viên gạch hồng đang tiếp tục xây đắp những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Điều đó được minh chứng rõ nét ở chỗ mỗi người dân Việt Nam luôn tin tưởng, đồng lòng, ủng hộ và tự giác tham gia bất cứ công việc gì khi Tổ quốc cần. Đặc biệt hiện nay, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang được xem là cấp thiết “chống dịch như chống giặc”.
Gắn bó nhiều năm trong nghề nhưng có lẽ cuộc chiến chống COVID-19 để lại nhiều cảm xúc và kỷ niệm nhất đối với đồng chí Trịnh Xuân Hiệp, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Bỉm Sơn - tuyến đầu chống dịch ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh. Đồng chí Hiệp cho biết: Chỗ có dịch bệnh là nơi mọi người tránh xa, nhưng cán bộ, nhân viên y tế thì chạy đến và luôn ở tư thế sẵn sàng, không ngần ngại để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Với chúng tôi đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm khi được khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Đợt cao điểm, cán bộ, nhân viên y tế của trung tâm làm việc xuyên ngày, xuyên đêm không kịp ăn uống, không có thời gian để bố trí, sắp xếp việc gia đình. Bởi nếu chậm trễ, sơ suất trong công tác phòng, chống dịch sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn.
Là một trong 76 cán bộ, chiến sĩ vừa được Bộ Chỉ huy (BCH) Bộ đội Biên phòng tỉnh điều động “chi viện” cho tuyến biên giới chống dịch COVID-19, Trung tá Lê Văn Thắng, Trợ lý Tác huấn, Trung đoàn 762, bày tỏ quyết tâm: Mỗi cán bộ, chiến sĩ BCH Quân sự tỉnh tự hào là người chiến sĩ quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ, phát huy tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tích cực tham gia bảo vệ vững chắc đường biên giới của tỉnh nhà, góp phần bảo vệ sự bình yên cho Nhân dân”.
Dũng cảm vượt qua khó khăn nơi tuyến đầu chống “giặc COVID-19” - họ là những người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế... và họ chỉ là số ít trong hàng triệu người con đất Việt vẫn đang từng ngày, từng giờ dấn thân vào hiểm nguy trong cuộc chiến COVID-19. Nhưng khi được đề xuất biểu dương, khen thưởng, không ai nhận thành tích cho riêng mình, mỗi cá nhân được vinh danh đều khẳng định kết quả có được là nỗ lực của cả tập thể.
Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành của cả nước đang chịu ảnh hưởng của đợt thứ 4 dịch bệnh COVID-19 với tính chất phức tạp, khó khăn hơn. Cùng với Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt. Chủ trì tại cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh (ngày 7-5), đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị cả hệ thống chính trị quán triệt thực hiện nghiêm quan điểm chỉ đạo của Trung ương “chống dịch như chống giặc”, tất cả vì sức khỏe Nhân dân và của cộng đồng, triển khai nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh với tinh thần phòng chống dịch “bình tĩnh, sáng suốt, chủ động, quyết liệt nhưng không hoang mang, mất bình tĩnh, hoảng loạn trong Nhân dân”. Tinh thần chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời này đã được Nhân dân ủng hộ và chung tay, góp sức cùng cấp ủy, chính quyền phòng chống dịch, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng xấu đến đời sống Nhân dân... Đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát tốt.
Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm bản lề thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; là năm thứ 6 thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi chúng ta đều có thể học và làm theo Bác. Học ở Bác tư tưởng, đạo đức, lối sống, sự nhất quán từ lời nói đến hành động, suốt đời gắn bó với dân và vì dân mà làm, mà hành động, không để dân bị tổn hại. Sẽ là thiết thực và ý nghĩa biết bao nếu mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên tự mình ôn lại và suy nghĩ những lời Bác dạy, để mỗi người luôn cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc.