'Học bao nhiêu cũng không đủ' - cô giáo quản lý trường mầm non tạm dừng sự nghiệp để nâng cấp bản thân
Với quan điểm giá trị của người giáo viên mầm non là do bản thân quyết định, trong suốt gần 10 năm gắn bó với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nga (sinh năm 1992) luôn không ngừng học hỏi và nỗ lực trong công việc mơ ước của mình.
“Học bao nhiêu cũng không đủ”
Vốn thích trẻ con từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Hồng Nga xác định sẽ theo ngành sư phạm mầm non, mặc kệ nhiều người cho rằng theo học đại học về mầm non chỉ phí thời gian và tiền bạc. Bỏ ngoài tai những lời bàn ra, cô quyết tâm thi vào trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, vừa theo đuổi giấc mơ dạy trẻ vừa có thể giúp gia đình đỡ gánh nặng về học phí.
Những năm đầu mới ra nghề, cô giáo trẻ nhiều năm liền đạt thành tích giáo viên giỏi tại đơn vị, được phụ huynh và học sinh quý mến, cô vẫn luôn trân quý những tấm thiệp be bé xinh xinh do các học trò tặng, hạnh phúc nhất là khi các em tiến bộ từng ngày.
Sau nhiều năm công tác với vai trò giáo viên đứng lớp, cô Nguyễn Thị Hồng Nga được bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng ở trường Mầm non song ngữ, phụ trách chuyên môn và vận hành.
Suốt thời gian gắn bó với nghề giáo viên mầm non, cô giáo Hồng Nga vẫn giữ trong mình tâm thế học bao nhiêu cũng không đủ. Cô tâm sự, vì trẻ em là những cá thể đặc biệt và vô cùng khác nhau về mọi mặt, nên dù đã qua nhiều năm kinh nghiệm làm việc với trẻ thì cô vẫn luôn quan sát và tìm hiểu khi gặp những em bé mới, để tìm ra cách thức tương tác riêng phù hợp với từng em.
Dù đang ở vị trí quản lý, nhưng cô giáo Hồng Nga vẫn quyết định tạm dừng sự nghiệp vào năm 2021 để đầu tư nâng cấp bản thân khi tham gia chương trình Cao học Giáo dục học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh và Âm ngữ trị liệu của Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. Trong gần 2 năm học tập, cô giáo Hồng Nga chỉ hi vọng mình sẽ mau chóng áp dụng những kiến thức và trải nghiệm mới để giúp đỡ được nhiều hơn nữa những em bé có hoàn cảnh đặc biệt và mang đến nhiều giá trị hơn nữa cho cộng đồng.
Cô giáo Hồng Nga cho biết: “Hiện nay trẻ gặp khó khăn về vấn đề ngôn ngữ xảy ra rất nhiều. Theo thống kê, khoảng 10-15% trẻ em dưới 3 tuổi gặp rối loạn ngôn ngữ. Tôi từng là một người gặp khó khăn và lúng túng khi có học sinh trong lớp bị rối loạn ngôn ngữ. Tôi thậm chí chẳng thể gọi tên và nhận diện một cách thật rõ ràng khó khăn của trẻ. Dù tôi đã tư vấn phụ huynh đưa trẻ đi kiểm tra và sau đó phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ con với những bài tập nơi khám đưa về, nhưng trong lòng tôi vẫn luôn khao khát có chuyên môn sâu hơn trong lĩnh vực Ngôn ngữ để có thể hỗ trợ trẻ tối đa trong suốt thời gian con ở trường”.
Dừng công việc để học tập giúp cô giáo Hồng Nga tìm thêm hướng hỗ trợ chuyên sâu cho trẻ em mà mình tiếp xúc, xa hơn nữa là giúp đỡ thêm nhiều giáo viên và phụ huynh khi họ gặp những vấn đề khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ. Bên cạnh đó, bản chất công việc quản lý đòi hỏi sự không ngừng nỗ lực học hỏi để cải thiện bản thân và phát triển chất lượng của đội ngũ và truyền cảm hứng đến nhiều người, đây cũng là động lực giúp cô giáo Hồng Nga quyết tâm “đi học”.
Nhìn lại chặng đường hơn một năm qua, cô giáo Hồng Nga chia sẻ đây là trải nghiệm đầy ý nghĩa vì bản thân được tham gia khóa học vô cùng chất lượng về y khoa và chuyến thực tập thực tế tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - một trong những bệnh viện tuyến đầu, song song đó là cơ hội được học tập và làm quen với nhiều anh chị bạn bè quan tâm đến giáo dục tại khóa Cao học.
“Giáo dục vì sự phát triển bền vững”
Trong chương trình Cao học Giáo dục học, cô giáo Hồng Nga chia sẻ một trong những môn học mà mình tâm đắc nhất là môn “Giáo dục vì sự phát triển bền vững”. Qua đó, các học viên được giảng viên giới thiệu rất nhiều sách hay về giáo dục và ý nghĩa của giáo dục bền vững là gì. Mọi người không chỉ đơn thuần là tìm đọc mà còn nghiên cứu và thuyết trình về bài học rút ra từ nội dung đã đọc.
Sau thời gian đó, gặp ai cô giáo Hồng Nga cũng hào hứng giới thiệu cuốn sách “Totto Chan bên ô cửa sổ" của nhà văn Tetsuko mà mình được biết đến qua môn “giáo dục vì sự phát triển bền vững” này. Cô giáo Hồng Nga cho hay, mình muốn lan tỏa đến càng nhiều người về triết lý thật ý nghĩa đằng sau cuốn sách này, rằng đứa trẻ nào cũng có sẵn những tố chất và tiềm năng tốt đẹp, nếu đủ yêu thương, tôn trọng, lắng nghe và đặt niềm tin nơi trẻ, trẻ sẽ có thể phát huy được mọi khả năng của mình. Nhân cách của trẻ chỉ có thể phát triển toàn diện khi có sự tham gia tích cực từ phía gia đình, gtâm huyết “gieo hạt” của thầy cô và môi trường nền tảng xung quanh.
Người giáo viên tâm huyết này cũng chia sẻ, những thất bại đã trải được cô xem đó là những bài học quý giá rút ra trên hành trình làm giáo dục của mình, và dùng chính những bài học đó để hoàn thiện bản thân.
Một trong những thử thách của giáo viên, đặc biệt đối với giáo viên mầm non, là vượt qua áp lực, sức ép từ phía phụ huynh. Cô giáo Hồng Nga cho biết: “Tôi từng khóc và ấm ức khi bị phụ huynh có những lời lẽ phiến diện và nói sai về mình. Sau này nhìn lại, tôi hiểu rằng điều chúng ta cần thực hiện là nỗ lực bản thân và luôn hết mình với trẻ thì trái ngọt cũng sẽ đến. Rèn luyện nội lực, kiên định chờ đợi và hiểu đúng về chính bản thân mình để không bị gục ngã bởi những ngôn từ gây tổn thương như vậy”.
Sau nhiều bài đăng trên trang mạng xã hội cá nhân về những kiến thức và kinh nghiệm đúc kết từ các khóa học của mình, cô Nguyễn Thị Hồng Nga đã nhận được nhiều tin nhắn và cuộc gọi nhờ tư vấn lời khuyên về những trường hợp trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ. Cô quản lý trường mầm non ngày nào còn một chút băn khoăn về quyết định tạm dừng sự nghiệp để đầu tư học hành nay càng vững niềm tin trên hành trình mình đã chọn.
Nhắn gửi đến các bạn trẻ có định hướng trở thành giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên nói chung, cô giáo Hồng Nga cho hay: “Nếu bạn suy nghĩ vào nghề này để được giàu có và lương cao thì tôi khuyên bạn không nên chọn. Nếu bạn thật sự đam mê với giáo dục và có mục tiêu nỗ lực để cải thiện chất lượng giáo dục thì bạn sẽ thu về sự giàu có, giàu có về kiến thức và trải nghiệm. Đam mê giúp bạn kiên trì theo đuổi và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trong nghề nghiệp. Đam mê đủ lớn và đúng cách, cơ hội sẽ theo đuổi bạn. Thay vì chạy theo nghề 'hot' mà không có đam mê, hãy cố gắng không ngừng để trở thành nhân tố 'hot' trong nghề mà bạn yêu thích”.