Học bổng hỗ trợ 80-100% học phí nhưng ngành Điều dưỡng, Hộ sinh vẫn khó tuyển
Chính sách học bổng chưa thực sự thu hút sinh viên vào học các ngành Điều dưỡng, Hộ sinh dù thị trường lao động rất cần.
Mặc dù nhu cầu lao động của ngành Điều dưỡng, Hộ sinh rất cần nhưng một số cơ sở giáo dục đại học vẫn trầy trật trong công tác tuyển sinh.
Chia sẻ về việc tuyển sinh đối với ngành học này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Lê Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho biết, từ năm 2019, công tác tuyển sinh ngành Điều dưỡng và ngành Hộ sinh của nhà trường gặp nhiều khó khăn.
Thầy Tùng chia sẻ, nhà trường xây dựng các quy định chính sách nhằm khuyến khích sinh viên. Ví dụ như: đầu tư cơ sở vật chất hiện đại trong quá trình đào tạo (nâng cấp giảng đường, thư viện, ký túc xá); tăng số lượng và chất lượng học bổng, trong đó, có các mức học bổng hỗ trợ từ 80-100% học phí tùy vào kết quả học tập, rèn luyện, phấn đấu của sinh viên.
Đặc biệt, đối với sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ý thức học tập tốt, ngoài thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định, cán bộ, giảng viên, sinh viên, các đơn vị trong và ngoài trường còn có những khoản đóng góp để hỗ trợ riêng cho các em.
Song, thầy Tùng cho rằng những chính sách trên chưa thực sự mang lại hiệu quả trong việc thu hút sinh viên vào trường, mà chỉ giúp động viên các em.
Chỉ ra khó khăn trong tuyển sinh, thầy Tùng cho hay, thứ nhất, tuy hiện nay, các phương thức tuyển sinh đại học đa dạng nhưng vẫn cần thiết phải thay đổi đối với tuyển sinh khối ngành đào tạo về sức khỏe. Bởi, y tế là nghề đặc biệt nên phương thức tuyển sinh cũng cần phải đổi mới (có thể tổ chức thi tuyển sinh riêng với ngành Điều dưỡng, Hộ sinh).
Thứ hai, hiện không chỉ các trường đại học công lập mà nhiều trường tư thục cũng mở ngành Điều dưỡng, Hộ sinh nên việc cạnh tranh trong tuyển sinh rất lớn.
Thứ ba, để bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành y tế, từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điểm sàn riêng đối với khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, trong Điều 34 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018, hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2019 ghi rõ: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh, quy định nguồn tuyển sinh trình độ đại học từ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp. Quy định tiêu chí, nguyên tắc, quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh; quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên và chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh; quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề...”.
Theo thầy Tùng, từ khi áp dụng quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, nhà trường khó đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Đơn cử, năm 2022, Bộ quy định điểm sàn đối với ngành Điều dưỡng, Hộ sinh là 19 điểm. Khi đó, nhà trường xác định điểm trúng tuyển của ngành Điều dưỡng là 19,50 điểm, ngành Hộ sinh là 19 điểm, chỉ ngang với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Trước vướng mắc này, thầy Tùng cho biết, với tính chất công việc của nhân viên điều dưỡng, hộ sinh, nhà trường từng đề xuất xem xét hạ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành Điều dưỡng, Hộ sinh để tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.
Thứ ba, sinh viên có nhiều lựa chọn trường, ngành nghề. Một bộ phận người học chưa nhận thức đầy đủ và đúng về vai trò, công việc điều dưỡng, hộ sinh nên ít có hứng thú lựa chọn ngành học.
"Nhằm khắc phục khó khăn và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, nhà trường thực hiện tốt việc liên kết với các cơ sở thực hành, cũng như bố trí cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm trong hướng dẫn sinh viên thực hành; xây dựng trung tâm mô phỏng, tăng cường cơ sở vật chất.
Đặc biệt, trường xác định từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, hình thành cho sinh viên kỹ năng, cơ hội việc làm tại các cơ sở y tế sau khi tốt nghiệp. Đơn cử, trong 1 khóa đào tạo gần đây, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành sau 12 tháng đạt gần 95%", thầy Tùng chia sẻ.
Thầy Tùng chia sẻ thêm, năm 2023, Trường Đại học Điều dưỡng Nam định có chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Điều dưỡng là 700, ngành Hộ sinh là 180. Trong đó, trường ưu tiên số lượng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Đỗ Trọng Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á cho biết, nhà trường có 2 ngành đào tạo về điều dưỡng gồm: ngành Điều dưỡng đa khoa và ngành Điều dưỡng sản phụ khoa. Năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 2 ngành này là 200. Trường dành 50% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 50% chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ.
Thầy Tuấn đánh giá, trong 6 năm gần đây, công tác tuyển sinh của nhà trường đối với ngành đào tạo về điều dưỡng tương đối thuận lợi. Để đạt được điều này, là do trường quan tâm nhiều hơn đến kết quả đầu ra và cơ hội việc làm của sinh viên.
"Hầu hết các đơn vị liên kết (bệnh viện, phòng khám…) với nhà trường đều có mong muốn tuyển dụng nhân lực điều dưỡng ngay từ khi sinh viên học năm 2, năm 3.
Ngoài ra, trong mỗi khóa đào tạo, thông thường đến năm thứ 2, nhà trường sẽ đăng ký với một số bệnh viện thuộc tuyến tỉnh để lập kế hoạch cho sinh viên tham gia thực hành”, thầy Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo thầy Tuấn, ngành Điều dưỡng đa khoa và ngành Điều dưỡng sản phụ khoa được trường đẩy mạnh liên kết với một số trường, bệnh viện ở Nhật Bản trong chương trình đào tạo, giúp sinh viên có nhiều cơ hội học tập và làm việc ở nước ngoài.
"Việc liên kết với trường, bệnh viện ở Nhật Bản cũng là một thuận lợi khiến ngành đào tạo điều dưỡng của nhà trường đạt được chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu nhân lực của thị trường lao động Nhật Bản rất rộng mở nhưng số lượng sinh viên đủ điều kiện ứng tuyển còn hạn chế do ít người đạt chuẩn trình độ tiếng Nhật”, thầy Tuấn nói.
Cũng theo thầy Tuấn cho biết, nhà trường có các ngành như Kỹ thuật xây dựng, Nông nghiệp công nghệ cao,… khó đạt chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm. Bởi, do hiện có nhiều trường đào tạo các ngành học này nên tính cạnh tranh cao, số sinh viên nhập học vào trường không ổn định.
Theo báo cáo của Cục Khoa học và Công nghệ - Bộ Y tế, hiện nay, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trình độ đại học trong ngành Y tế, 68 cơ sở đào tạo hệ cao đẳng. Khối đào tạo nhân lực cho ngành Y tế đã có đủ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu học tập của người học.
Mỗi năm, các cơ sở đào tạo cho ra trường hơn 2.000 bác sĩ, hơn 700 cử nhân điều dưỡng, hơn 2.000 điều dưỡng cao đẳng và 250 cử nhân y tế công cộng.