Học cách chia tay khoản lỗ
Sau khi chỉ số VN-Index 'bốc hơi' gần 40%, không ít cổ phiếu mất giá 70%, nhiều nhà đầu tư mới nhận ra mình không biết cách cắt lỗ, hoặc bắt đáy quá sớm.
Lỗ lớn vì quan điểm “chưa bán là chưa lỗ”
“Tham gia thị trường chứng khoán từ đầu năm 2021, chỉ mới gần 2 năm mà thị trường này đã cho tôi nếm trải đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ tích cực đến tiêu cực, thậm chí cùng cực”, nhà đầu tư Hùng Minh ở Hà Nội chia sẻ.
Theo anh Minh, khi “chân ướt chân ráo” bước vào “chứng trường”, anh có tâm lý thận trọng nên giải ngân ít và chọn đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, vốn được nhiều người đánh giá là cổ phiếu “vua”, vì triển vọng tốt. Khi đó, VN-Index dao động trong vùng 1.100 - 1.200 điểm, anh mua cổ phiếu TCB với giá hơn 30.000 đồng/cổ phiếu và bán ra khi thấy có lãi. Sau đó, cổ phiếu tiếp tục tăng theo thị trường chung nên anh lại mua vào, rồi bán ra, hưởng chênh lệch giá.
Đầu tư thu lợi dễ dàng trong thời gian ngắn nên nhà đầu tư này nộp thêm tiền vào tài khoản và mua thêm vài mã cổ phiếu khác, với thời gian nắm giữ dài hơn, nhằm “ăn dày” hơn. Không chỉ chốt lời khi giá tăng, anh còn bắt đáy khi giá giảm.
Kết quả đầu tư dần xấu đi khi bước sang năm 2022, nhất là sau khi VN-Index đạt trên 1.500 điểm vào đầu tháng 4, vì thị trường điều chỉnh giảm mạnh, nhưng anh Minh lạc quan cho rằng, chỉ số sẽ sớm hồi phục như những lần trước đó nên cố gắng gồng lỗ, chờ giá tăng trở lại.
Thực tế, thị trường có những nhịp hồi, nhưng giá tăng ít nên anh lại kiên trì nắm giữ. Hiện tại, danh mục đầu tư không những không giữ được các khoản lãi trước đây, mà vốn gốc hao hụt quá nửa, bởi một số mã giảm giá tới hơn 70% như DLG, PLP, ngay cả mã TCB cũng giảm một nửa so với giá vốn (hiện còn gần 23.000 đồng/cổ phiếu), trong bối cảnh VN-Index lùi xuống dưới 1.000 điểm.
Một nhà đầu tư chia sẻ, giờ thì tôi đã hiểu bài học nên cắt lỗ sớm và không bắt đáy sớm có ý nghĩa như thế nào.
“Trước đây, tôi không tin giá cổ phiếu sẽ giảm sâu nên vẫn nắm giữ với ý nghĩ, chưa bán là chưa lỗ. Giờ thì tôi đã hiểu bài học nên cắt lỗ sớm và không bắt đáy sớm có ý nghĩa như thế nào”, anh Minh nói.
Ngược lại, chị Quỳnh Trang, người đã trải qua các xu hướng tăng và giảm sâu của thị trường kể từ năm 2017 đến nay nên kịp thời “thoát hàng” trong đợt lao dốc tháng 4 và tháng 7/2022, tránh được các khoản lỗ lớn.
“Trong giai đoạn thị trường liên tục có diễn biến tiêu cực, chỉ thỉnh thoảng hồi nhẹ, tôi rút 70% tiền mặt khỏi tài khoản, chỉ duy trì 30% để canh bắt đáy, tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Tuy nhiên, cứ lỗ 7% là tôi bán dứt khoát nên đến giờ không lỗ, mà còn có lãi mỏng”, chị Trang cho biết.
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Take Profit, cắt lỗ trong chứng khoán là việc không nhà đầu tư nào mong muốn, song có những trường hợp không cắt lỗ kịp thời và dứt khoát thì có thể mọi thành quả trong đầu tư sẽ tan biến, thậm chí ghi nhận lỗ lớn. Bởi lẽ, khi giá cổ phiếu giảm 5% thì sau đó phải tăng 5,3% mới hòa vốn; khi lỗ 20% thì điểm hòa vốn là giá tăng lại 25%; lỗ 35% thì cần phải tăng 53,8%; lỗ 50% thì điểm hòa vốn là giá tăng lại 100%.
Thiệt hại là khôn lường nếu không chia tay khoản lỗ đúng lúc, vì trong thị trường giá xuống, rất khó tìm được mã cổ phiếu tăng giá 50 - 100%.
Mua vì lý do gì thì hãy cắt lỗ vì lý do đó
Theo chuyên gia của Take Profit, có hai phương pháp cắt lỗ phổ biến mà nhà đầu tư có thể lựa chọn, hoặc kết hợp cả hai, tùy theo khẩu vị rủi ro và trường hợp giao dịch cụ thể: một là, cắt lỗ theo tỷ lệ phần trăm, thông thường là 7 - 8%; hai là, cắt lỗ khi giá thủng các vùng hỗ trợ trọng yếu, dựa vào các đỉnh hoặc đáy trong quá khứ, các đường trung bình động MA20, MA50…
“Ví dụ, khi giá vốn của bạn giảm 7 - 8% và bị thủng vùng hỗ trợ, đặc biệt lại kèm giao dịch lớn thì rất dễ xảy ra sự thay đổi xu hướng cổ phiếu. Khi đó, nhà đầu tư cần nhanh chóng đóng vị thế, đồng thời thoát hàng kịp thời”, vị chuyên gia nói và cho biết, để chủ động chia tay khoản lỗ một cách kỷ luật, nhà đầu tư có thể sử dụng chức năng “lệnh cắt lỗ” trong app giao dịch chứng khoán. Sử dụng cách này, nhà đầu tư tránh được việc bị cảm xúc chi phối mỗi khi phải thực hiện việc cắt lỗ.
Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nêu quan điểm, trước khi nghĩ đến chuyện kiếm tiền, phải xác định nguyên tắc giữ được tiền. Trong đó, cắt lỗ là bài học cơ bản, quan trọng nhất để giữ tiền khi đầu tư. Khi chuẩn bị mua một cổ phiếu thì hãy xác định luôn ngưỡng cắt lỗ hợp lý và khi giá chạm ngưỡng lỗ phải cắt thì cắt dứt điểm, không do dự. Việc này có ý nghĩa giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn và mở ra cơ hội đầu tư mã khác tiềm năng hơn.
Bên cạnh đó, mua vì lý do gì thì hãy cắt lỗ vì lý do đó. “Nhiều người lúc mua cổ phiếu dựa vào phân tích kỹ thuật, xác định điểm mua, nhưng khi bị lỗ lại dùng yếu tố phân tích cơ bản doanh nghiệp để tự trấn an, mục đích để không phải cắt lỗ”, ông Bình nói.
Đáng lưu ý, nguyên tắc 7 - 8% là nguyên tắc cắt lỗ sống còn đối với cổ phiếu đầu cơ, tuy nhiên, thay vì chấp nhận thua lỗ ở mức đó, nhiều nhà đầu tư kiên trì nắm giữ, thậm chí mua thêm để trung bình giá, khiến giá trị cổ phiếu cứ thế “một đi không trở lại”.
“Còn đối với việc đầu tư dài hạn vào cổ phiếu giá trị thì nguyên tắc cắt lỗ có thể linh hoạt hơn. Tôi đang nắm giữ một số mã cổ phiếu tốt, lỗ 10 - 20% nhưng không bán, vì tin vào triển vọng kinh doanh và dòng tiền của doanh nghiệp, sự sụt giảm hiện tại chỉ là do ảnh hưởng bởi thị trường chung”, ông Bình chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán DSC phân tích, ngưỡng cắt lỗ bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp đầu tư, mức độ chấp nhận rủi ro, thời gian đầu tư, tình hình tài chính của nhà đầu tư…
Ví dụ, nhà đầu tư ngắn hạn thường đặt các ngưỡng cắt lỗ 7 - 10%, trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn có thể chấp nhận ngưỡng cắt lỗ 10 - 15%. Thậm chí, có những nhà đầu tư theo phân tích cơ bản không cắt lỗ theo giá, mà chỉ bán khoản đầu tư khi các chỉ số tài chính, định giá… không còn đáp ứng yêu cầu.
“Nói như vậy để hiểu rằng, cắt lỗ hay không sẽ phụ thuộc vào việc đặt câu hỏi “tôi là ai” trước mỗi quyết định đầu tư. Bạn mua vì lý do gì thì bán vì lý do đó, bạn giao dịch ngắn hạn thì cắt lỗ nếu giá giảm và quyết định theo giá. Còn nếu đầu tư giá trị, giá thị trường không quan trọng bằng nội tại doanh nghiệp”, ông Huy nhấn mạnh.
Cắt lỗ bây giờ có muộn quá không, có nên cắt lỗ khi có những cổ phiếu mất giá tới 70 - 80%? Ông Huy nói rằng, cắt lỗ không bao giờ là muộn, nhưng phải theo hướng cơ cấu danh mục hợp lý. Cổ phiếu xấu về cả cơ bản lẫn dòng tiền thì lỗ 90% cũng phải bán, vì không có triển vọng tăng lại.
“Nên chuyển những cổ phiếu đó sang các cổ phiếu có triển vọng tăng hơn trong ngắn hạn và có khả năng an toàn qua tâm bão”, ông Huy khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Bình nhận xét, hầu hết những ai ôm cổ phiếu đầu cơ từ đỉnh sẽ không còn “sống sót” đến giai đoạn này, vì đã trải qua nhiều đợt bán giải chấp. Ai còn cầm cổ phiếu đầu cơ thì đã cách quá xa ngưỡng cắt lỗ hợp lý nên lời khuyên về ngưỡng cắt lỗ không còn ý nghĩa, chủ yếu nhà đầu tư phải tự hỏi bản thân xem đang cầm cổ phiếu vì lý do gì, danh mục cổ phiếu trên tiền mặt có đang hợp lý hay không, nếu không có lý do thuyết phục thì nên sớm chia tay khoản lỗ.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/hoc-cach-chia-tay-khoan-lo-post310378.html