Học giả Bắc Kinh kêu gọi Trung Quốc ký thỏa thuận 'đình chiến' với ông Trump
Nhóm học giả Bắc Kinh hy vọng, Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận thương mại vào ngày 15/12, dù cho trận chiến giữa Washington và Bắc Kinh sẽ không thể chấm dứt trong ngày một ngày hai.
Tư tưởng cạnh tranh lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở thành quan điểm đồng thuận ở Bắc Kinh. (Nguồn: AP)
Theo nhận định của nhóm học giả Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Mỹ dự kiến sẽ ký kết một thỏa thuận thương mại tạm thời, song sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không dừng lại ở đó.
Kinh tế chao đảo
Tư tưởng cạnh tranh lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở thành quan điểm đồng thuận ở Bắc Kinh, ngay cả khi hai nước đã đạt được thỏa thuận tạm thời về những gì ông chủ Nhà Trắng Donald Trump gọi là “thỏa thuận giai đoạn một rất đáng kể” hồi đầu tháng Mười. Theo đó, các nhà đàm phán thương mại hai nước đang nỗ lực soạn thảo nội dung văn bản để Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể ký kết sớm nhất tại Hội nghị APEC ở Chile tháng tới.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump ngày 21/10 nói rằng, “những nỗ lực chấm dứt chiến tranh thương mại với Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp”, đồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc rất muốn đạt được thỏa thuận với Mỹ bởi “chuỗi cung ứng của thị trưởng 1,4 tỉ dân này đang chao đảo”.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước sang tháng thứ 15. (Nguồn: Reuters)
Tin tưởng Bắc Kinh và Washington đã sẵn sàng ký kết một thỏa thuận thương mại tạm thời, Zhu Jianfang, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Citic Securities nhận định: “Trong trung hạn đến dài hạn, việc đạt được thỏa thuận thương mại không có nghĩa là Bắc Kinh và Washington đã giải quyết xong vấn đề của hai bên”.
Trong khi đó, Yu Chunhai, nhà nghiên cứu tại Học viện Phát triển và Chiến lược Quốc gia Trung Quốc cho hay, Mỹ đã sẵn sàng sử dụng các biện pháp bất thường để giải quyết các vấn đề thương mại, trong bối cảnh cường quốc này đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Học giả Yu cũng khẳng định, việc nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen chỉ là một chiêu thức giúp Washington hạn chế sự xâm nhập của Bắc Kinh vào ngành công nghệ Mỹ và thị trường nội địa của nước này.
“Mỹ đã tăng thuế nhằm tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán thương mại. Tuy nhiên, cho đến nay, khi nhìn vào ngành công nghiệp sản xuất và nền kinh tế Mỹ nói chung, chiến lược thuế quan của Washington vẫn chưa đạt được hiệu quả đáng kể. Do đó, nguy cơ của việc sử dụng các biện pháp phi truyền thống chống lại Trung Quốc sẽ cao hơn”, nhà nghiên cứu trên chia sẻ.
Thuế quan vẫn là hòn đá tảng
Trong bối cảnh GDP của Trung Quốc giảm xuống còn 6% trong quý III, thấp hơn mục tiêu Chính phủ nước này đặt ra cho năm 2019, ông Zhu dự báo, tác động của hàng rào thuế quan đối với Bắc Kinh vào năm tới “sẽ lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã thấy trong năm nay, trừ phi thuế quan được hủy bỏ hoàn toàn hoặc hoàn trả lại.
Là một phần của thỏa thuận thương mại tạm thời, Nhà Trắng cho biết Trung Quốc sẽ tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ, thực hiện các thay đổi đối với hệ thống quy tắc sở hữu tiền tệ và sở hữu trí tuệ, và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính. Đổi lại, Mỹ sẽ hoãn tăng thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 25% lên 30% kể từ ngày 15/10.
Thay đổi hệ thống quy tắc sở hữu tiền tệ và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính là hai trong số những điều kiện mà Trung Quốc cần thực hiện trong thỏa thuận thương mại tạm thời với Mỹ. (Nguồn: Getty Images)
Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán không có tiến triển trước ngày 15/12, mức thuế 15% mới đối với 160 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc khối hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ USD của quốc gia Đông Bắc Á này sẽ phải chịu mức thuế trừng phạt.
Luo Zhiheng, nhà nghiên cứu vĩ mô tại Viện nghiên cứu Evergrande Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh đã tìm ra động lực để đạt được một thỏa thuận tạm thời do áp lực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang đè nặng lên nền kinh tế của quốc gia tỉ dân, trong khi Tổng thống Trump lại muốn giành được “chiến thắng” để hỗ trợ cho chiến dịch tái tranh cử trong cuộc đua song mã vào Nhà Trắng năm 2020.
Dù vậy, hai nước sẽ khó giải quyết tất cả những khác biệt, bởi các nhà đàm phán thương mại đang tập trung tìm ra điểm chung trong các vấn đề ngắn hạn, bao gồm cải thiện việc mất cân bằng thương mại song phương, học giả Luo nói thêm.
Về phần mình, Mao Zhenhua, Chủ tịch của Cơ quan Quản lý Tín dụng Cheng Xin, đồng thời là nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhấn mạnh: “Tất cả mọi người đều kỳ vọng rằng, hai bên sẽ đạt được thỏa thuận, bởi bây giờ đang là thời điểm thích hợp”.