Học giả Campuchia đánh giá cao nỗ lực điều phối của Chủ tịch ASEAN và ba thông điệp quan trọng
Trả lời phỏng vấn của TG&VN, Tiến sĩ Chheang Vannarith - thành viên Ban điều hành Viện Tầm nhìn châu Á (AVI) - tổ chức think-tank hàng đầu của Campuchia đã đánh giá cao Việt Nam, Chủ tịch ASEAN trong công tác tổ chức hai Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với dịch Covid-19 ngày 14/4.
Việt Nam - nước Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19 theo hình thức trực tuyến ngày 14/4.
Đánh giá về tầm quan trọng và kết quả của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Tiến sĩ Chheang Vannarith tin rằng hai sự kiện này đã gửi đi ba thông điệp quan trọng. Thứ nhất, lãnh đạo khu vực đã thể hiện cam kết chính trị toàn diện nhằm đối phó với đại dịch toàn cầu.
Thứ hai, việc điều phối chính sách khu vực cần được tăng cường, đặc biệt trong việc trao đổi thông tin và kiến thức, đảm bảo sự rộng mở của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là các thiết bị, vật tư y tế và hàng hóa nhu yếu phẩm khác.
Thứ ba, các bên đã thể hiện cam kết về tài chính nhằm hỗ trợ thành lập Quỹ ứng phó với đại dịch Covid-19 của ASEAN. Quỹ này cũng đóng vai trò then chốt trong giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng.
Về phát biểu của Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen tại hai Hội nghị, cũng như ưu tiên của quốc gia này trong Nghị trình ASEAN năm 2020, Tiến sĩ Chheang Vannarith cho rằng ASEAN là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Campuchia.
Do nguồn lực hạn chế, Campuchia chỉ có thể đóng góp trong việc thể hiện cam kết chính trị trong xây dựng cộng đồng khu vực, điều phối chính sách đối ngoại, đóng góp ý tưởng và góp ý chính trị về phản ứng chung đối với những vấn đề khu vực, bao gồm đại dịch toàn cầu này.
Campuchia đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc chống lại dịch Covid-19, cam kết sẽ có những biện pháp cần thiết để hỗ trợ các thành viên khác trong ASEAN giảm thiểu tác động và nguy cơ xuất phát từ đại dịch.
TS. Chheang Vannarith.
Đặc biệt, vị học giả Campuchia cho biết ông ấn tượng với Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 đầy thách thức này.
Cụ thể, ông cho rằng nỗ lực của Việt Nam trong điều phối các Hội nghị đặc biệt là “rất đáng khen”. Mặc dù các cuộc họp trực tuyến thường không thích hợp để xây dựng tình bạn cá nhân hay lòng tin, đây là nền tảng quan trọng để chia sẻ thông tin và điều phối chính sách giữa các nước thành viên, cũng như giữa ASEAN và các nước “Cộng ba”.
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều nguồn lực và kinh nghiệm trong ứng phó với khủng hoảng; do đó, sự ủng hộ của các nước “Cộng ba” này đối với thành viên ASEAN là rất quan trọng, đặc biệt trong đóng góp ngân sách cho Quỹ ứng phó với đại dịch Covid-19 của ASEAN.
Trong khuôn khổ đó, Tiến sĩ Chheang Vannarith cho rằng Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc điều phối hợp tác giữa ASEAN và các nước “Cộng ba”. ASEAN cần thích ứng với những thay đổi và thực tế mới, có biện pháp và bước đi xa hơn để chuẩn bị cho khủng hoảng trong tương lai.
Chuyên gia về địa chính trị này tin rằng một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” phù hợp với lợi ích của các quốc gia thành viên và đối tác và đại dịch lần này sẽ thử thách ý chí, khả năng lãnh đạo của ASEAN trong định hướng phản ứng của khu vực trước đại dịch.
Là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng nền tảng số để duy trì các cuộc họp, tăng tính tương tác, thúc đẩy tiếng nói của Ban Thư ký ASEAN trong đối phó với thảm họa và dịch bệnh.