Học giả Mỹ gợi ý 6 ưu tiên để các nước Đông Nam Á đạt được phát triển bền vững
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần ưu tiên cải thiện chất lượng giáo dục và y tế, thực hiện chuyển đổi năng lượng và nông nghiệp bền vững, nâng cấp hạ tầng đô thị và đẩy nhanh chuyển đổi số để đạt được sự bền vững.
Đây là ý kiến của ông Jeffrey D. Sachs, Giáo sư Đại học Columbia (Mỹ), đồng thời là Giám đốc Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong cuộc tọa đàm vừa ở thủ đô Bangkok của Thái Lan về chủ đề “Hướng tới một ASEAN xanh”.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Giáo sư Jeffrey D. Sachs đánh giá các quốc gia ASEAN hiện đang ở vị thế tốt hơn không chỉ vì các nước này nằm tại một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới mà còn được trang bị các nguồn năng lượng sạch và có bí quyết, công nghệ và năng lực con người để đạt được sự bền vững. Tuy nhiên, ông nói rằng trước tiên phải xây dựng kế hoạch chi tiết về những việc cần làm và nên bắt đầu bằng việc đầu tư vào chất lượng giáo dục. Ông nêu rõ: “Một thế hệ trẻ được giáo dục tốt sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”.
Về ưu tiên thứ hai, ông Sachs cho biết các quốc gia nên tập trung vào việc cải thiện hệ thống y tế vì sức khỏe thể chất và tinh thần đóng vai trò rất quan trọng vào việc nâng cao năng suất.
Học giả người Mỹ cũng cho rằng các quốc gia ASEAN cần đầu tư vào chuyển đổi năng lượng. Việc sử dụng năng lượng sạch và hướng tới một nền kinh tế “không carbon” là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng nóng lên toàn cầu, thiên tai và tình trạng thiếu lương thực ngày càng nghiêm trọng.
Tiếp đó, ông đặt vấn đề ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp bền vững trong bối cảnh ngành nông nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức từ chu trình nước tăng cường, áp lực khí hậu và các loài gây hại mới. Ông cho rằng các nước phải có chiến lược nông nghiệp mới bền vững và thâm dụng vốn, thâm dụng công nghệ và thâm dụng thông tin.
Ông cũng lưu ý tầm quan trọng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị, như giao thông công cộng, nhà ở xã hội và không gian xanh.
Cuối cùng, Giáo sư Sachs khẳng định nền tảng số và chuyển đổi số là cần thiết vì đây là những công cụ mạnh mẽ mà các quốc gia cần có trong tay. Ông cũng chia sẻ rằng nếu tất cả các quốc gia ASEAN cùng hành động theo các ưu tiên này, hoặc rộng hơn nữa là tất cả các quốc gia thuộc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cùng hành động thì cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ được hưởng lợi.